Sau hơn 1 năm thực hiện đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS), giai đoạn 2016-2025, tỉ số GTKS của Việt Nam thay đổi không đáng kể, từ 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2015) còn 112,2/100 (năm 2016).
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng trưởng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho biết Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Dù xuất hiện muộn nhưng tốc độ mất cân bằng giới tính tại Việt Nam đang tăng rất nhanh. Nếu như năm 2006 có 109,8 bé trai/100 bé gái thì đến năm 2016 là 112 bé trai/100 bé gái.
Mất cân bằng giới tính khi sinh gây nhiều lo ngại về tình trạng thừa nam, thiếu nữ Ảnh: HẢI ANH
Theo thống kê, hiện vẫn còn 45 tỉnh, thành có tỉ số GTKS tăng và ở mức đáng báo động (từ 115 trẻ trai/100 trẻ gái). Tại Hà Nội, dù đã khống chế ở mức thấp nhất trong 10 năm qua nhưng vẫn cao hơn so với bình quân cả nước. Ông Nguyễn Văn Tân cảnh báo nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ.
Đáng nói, nhìn vào "bức tranh" dân số tại Việt Nam thì nghịch lý là những vùng có mức sống cao, mức sinh lại xuống thấp; còn những vùng chất lượng sống thấp, mức sinh lại rất cao. Theo ông Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số, hơn 50 năm qua, Việt Nam đã thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, giúp giảm sinh hàng chục triệu người nhưng các mục tiêu dân số chưa bền vững. Ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, mức sinh rất cao, nhiều tỉnh vẫn ở mức 2,5; thậm chí 4-5 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Thế nhưng, nhiều tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam Bộ kinh tế phát triển thì chỉ đạt mức 1,3-1,7 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Như vậy, tỉ lệ chất lượng dân số không tốt sẽ ngày càng cao hơn và rõ ràng chính sách dân số chưa "tới" được đúng nhóm đối tượng.
Trong khi đó, cùng với tình trạng thừa cân béo phì ở các thành phố lớn vẫn còn tới trên 24% trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, thấp còi. Cùng đó, tầm vóc, thể lực cân nặng, sức bền của người Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực vẫn còn hạn chế. Hiện chiều cao trung bình của người Việt Nam là 164,4 cm (nam) và 153 cm (nữ), tăng trung bình 4 cm sau 35 năm. Với chiều cao hiện tại, thanh niên Việt Nam vẫn thấp hơn chuẩn quốc tế. Đặc biệt, tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam tăng nhanh đạt mức khá cao là 75 tuổi song tuổi thọ bình quân khỏe mạnh lại chỉ đạt 66 tuổi và xếp thứ 116/182 nước trên thế giới. Trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta phải chịu 14 năm bệnh tật với tỉ lệ mắc gần 3 loại bệnh.
Càng học cao càng thích có con trai
Trình độ học vấn của phụ nữ càng tăng thì tỉ số GTKS cũng tăng: Từ mức 106-111 ở bậc tiểu học, đến mức 113 ở bậc THPT và 115 ở bậc đại học trở lên. GS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em - cho rằng chỉ riêng trình độ học vấn chưa "đủ sức" giúp các cặp vợ chồng vượt qua tâm lý "ưa thích con trai".
Bình luận (0)