Nguyên nhân dẫn đến sự cố chạy thận nhân tạo làm nhiều bệnh nhân nguy kịch xảy ra tại Bệnh viện (BV) Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An cuối tháng 7 vừa qua được xác định do nguồn nước, lại một lần nữa khiến dư luận giật mình.
Sơ sẩy là chết người
Sau sự cố y khoa nghiêm trọng tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong được cơ quan công an xác định nguyên nhân là nguồn nước chạy thận không bảo đảm, gần đây nhất, sự cố chạy thận nhân tạo xảy ra ở BV Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An khiến nhiều người phải cấp cứu cũng được xác định do nhiễm khuẩn nguồn nước. Đến thời điểm này, vẫn còn 2 bệnh nhân đang được theo dõi tại BV Bạch Mai.
Nguồn nước chạy thận vô cùng quan trọng trong quá trình lọc máu cho bệnh nhân
Trước đó, kết quả xét nghiệm mẫu nước RO phục vụ cho chạy thận nhân tạo của 40 BV trên cả nước do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường công bố cho thấy có 24/40 (60%) mẫu nước xét nghiệm có nồng độ Endotoxin (nội độc tố vi khuẩn) cao hơn ngưỡng cho phép; một số mẫu không đạt yêu cầu về vi sinh (Coliform, Ecoli). Giới chuyên môn cho biết tùy cơ địa mỗi bệnh nhân, nồng độ nội độc tố cao hơn ngưỡng cho phép có thể gây các biến chứng cho bệnh nhân như giảm huyết áp, buồn nôn, nôn, sốt, thậm chí tử vong. "Nếu như nguồn nước đầu vào để sản xuất nước RO chạy thận tại một số quốc gia phải đạt tiêu chuẩn là "nước uống được" thì ở Việt Nam đa phần chỉ là nước sạch sinh hoạt, có một tỉ lệ lớn nguồn nước đầu vào chưa đạt tiêu chuẩn" - chuyên gia nhóm nghiên cứu đánh giá.
Thống kê cho thấy tại Việt Nam có khoảng 30.000 người đang được điều trị thay thế thận (lọc thận, lọc màng bụng và ghép thận). Các phương pháp này được chỉ định nếu điều trị nội khoa đã "hết cách". Việc lọc thận sẽ liên tục suốt đời và cuộc sống của bệnh nhân phải gắn liền với BV. TS Nguyễn Cao Luận, nguyên Trưởng Khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai, cho biết quá trình chạy thận nhân tạo là khi máu được dẫn ra ngoài cơ thể bằng vòng tuần hoàn ngoài cơ thể để lọc. Do đó, bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường gặp biến chứng và sốc phản vệ không ít. Các biến chứng thường gặp như tụt huyết áp, nôn và buồn nôn, nhức đầu, đau ngực, sốt ớn lạnh… Theo các chuyên gia y tế, nhiễm khuẩn được coi là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây tử vong trong chạy thận nhân tạo, sau bệnh tim mạch. Người bệnh có thể bị nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn từ môi trường và trang thiết bị, đặt ống thông, nguồn nước không đạt yêu cầu, dịch lọc…
Khó kiểm soát
Tháng 4-2018, sau sự cố tai biến chạy thận ở Hòa Bình, Bộ Y tế mới có Quyết định số 2482 ban hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật với 52 quy trình cơ bản. Theo hướng dẫn này, Bộ Y tế khuyến cáo bồn đựng nước RO phải rửa định kỳ 1 tháng/ lần để tránh cặn bẩn hoặc sự phát triển của vi sinh vật. Đối với màng RO, sau một thời gian sử dụng sẽ bị cặn bám bẩn, do vậy phải vệ sinh định kỳ theo quy định của Bộ Y tế. Mặc dù đã có hướng dẫn nhưng theo giới chuyên môn, có những nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn nguồn nước mà không thể nào ngờ tới.
Dẫn chứng về nguy cơ này, TS-BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai, cho biết trong sự cố chạy thận ở Nghệ An thì hệ thống RO có bộ phận sản xuất và tạo nước RO hoàn toàn bình thường nhưng hệ thống dẫn nước RO đến các máy có những điểm nối và gấp khúc, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển rất nhanh trong 3-5 ngày, trong khi lịch kiểm tra định kỳ là 1-3 tháng. Những vi khuẩn này gặp yếu tố thuận lợi, ví dụ điện yếu trong quá trình vận hành máy đã bung ra hoạt động gây nhiễm khuẩn cho bệnh nhân.
Theo TS Dũng, nước có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình lọc máu. Mỗi lần lọc, máu của bệnh nhân phải tiếp xúc với dịch lọc (nước RO + dịch đậm đặc), mỗi bệnh nhân cần khoảng 120 - 150 lít nước RO/lần lọc máu (khoảng 4 giờ). Nếu nước không bảo đảm sẽ ảnh hưởng không chỉ tức thì đến quá trình chạy thận mà còn ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân. "Có 21 chỉ số lý hóa cần kiểm soát trong nước RO và tùy theo từng loại có thời gian test khác nhau, theo ngày hoặc theo tháng. Việc lọc nước sẽ được yêu cầu trải qua các khâu lọc thô và lọc tinh, qua cát, than hoạt tính, lọc mềm... Do đó, phải có bộ phận riêng để kiểm tra chất lượng nước hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, hằng năm" - TS Dũng nói.
Đánh giá về quy trình kỹ thuật của phương pháp chạy thận nhân tạo, TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), nhận định kỹ thuật chạy thận của Việt Nam đang phát triển gần như song song với thế giới. Đối với nguồn nước có thể khi xét nghiệm tại một thời điểm không có vấn đề gì nhưng ngay sau đó nước bị nhiễm khuẩn và bệnh nhân gặp nguy hiểm, thế nên việc kiểm soát chất lượng nước RO trong suốt quá trình khai thác sử dụng nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh và duy trì, tăng cường chất lượng kỹ thuật thận nhân tạo được đặt lên hàng đầu.
Nên bổ sung thành phần nước uống
Một chuyên gia y tế cho biết tùy theo mục đích sử dụng mà nước RO có những yêu cầu và tiêu chuẩn khác nhau. Nước RO để uống sẽ khác với nước chạy thận, nước dùng trong phẫu thuật, nước dùng trong xét nghiệm sinh hóa... Nhiều người sử dụng nước RO chạy thận để uống. Dù nguồn nước này có những yêu cầu khắt khe về độ tinh khiết nhưng nếu dùng để uống thì không đủ cung cấp cho cơ thể những thành phần như canxi. Thường xuyên sử dụng nguồn nước không đáp ứng được thành phần canxi cơ thể sẽ bị thiếu chất, dẫn đến loãng xương, mệt mỏi...
Bình luận (0)