Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế (gọi tắt là Ban QLDA) vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh về tình trạng mặt đường thuộc dự án đường cứu hộ - cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc (huyện Phong Điền) giai đoạn 1 bị nứt.
Người dân lo lắng
Công trình này có chiều dài 16,25 km, điểm đầu giao với Quốc lộ (QL) 1 tại thị trấn Phong Điền, điểm cuối tại bãi biển xã Điền Lộc (huyện Phong Điền), do Ban QLDA làm chủ đầu tư với kinh phí gần 672 tỉ đồng từ ngân sách. Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án trên có chiều dài gần 10 km nối QL1 vào Tỉnh lộ 4 được thi công từ năm 2011 và kết thúc vào năm 2019 với tổng kinh phí gần 200 tỉ đồng cơ bản hoàn tất.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban QLDA, cho biết dù giai đoạn 1 đã kết thúc, đã thông tuyến nhưng chưa hoàn thành. Cụ thể, hạng mục cầu vượt đường sắt ở thị trấn Phong Điền rộng 15,5 m với dự tính kinh phí 40 tỉ đồng nhưng nay chỉ mới cấp 24 tỉ đồng nên đang dang dở, chưa thể sử dụng. Hạng mục này đã ngừng thi công từ năm 2013 sau khi đã lao dầm vượt đường sắt. Ngoài ra, hạng mục đường từ km 0 nối QL1 vào km 3 ở KCN Phong Điền chưa hoàn thành đúng quy mô bề rộng mặt đường. "Giai đoạn 1 ngừng thi công vào năm 2015, sau đó tái khởi động vào năm 2017 với mỗi năm bố trí vốn chừng 40-50 tỉ đồng. Hiện UBND tỉnh đang đề xuất với trung ương bố trí 400 tỉ đồng để thực hiện giai đoạn 2 là sẽ hoàn thành những hạng mục dang dở và thi công tiếp đoạn đường dài 6,4 km’’ - ông Cường cho biết.
Dự án đường cứu hộ - cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc (huyện Phong Điền) giai đoạn 1 bị nứt
Đoạn từ Km3+350 - Km9+800 có kết cấu mặt đường bê-tông xi măng mác (M) 350, dày 26 cm; móng cấp phối đá dăm dày 18 cm và được cắt thành 2.600 tấm để tạo khe co giãn. Tại đây có 12 tấm xuất hiện nhiều vết nứt ngang và vết nứt chân chim khiến cho nhiều người lo ngại về chất lượng công trình. Ông Cường xác nhận thông tin trên và cho biết đoạn này do Công ty Cổ phần Thành Đạt có trụ sở ở khu đô thị mới An Cựu, TP Huế thi công.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban QLDA đưa ra nhận định nguyên nhân các vết nứt trên là "căn bệnh" cơ bản của mặt đường bê-tông. Theo đó, trong quá trình "làm việc", các tấm bê-tông hấp thụ nhiệt từ ánh nắng mặt trời dẫn tới co giãn. Khi các tấm co giãn không đều sẽ gây ra hiện tượng nứt. Nếu để mặt đường không bị nứt thì trong mặt đường phải có kết cấu cốt thép và giá thành dự án sẽ rất cao. Hiện Ban QLDA đang yêu cầu Công ty CP Thành Đạt khắc phục với phương án khoan cắt các vị trí bị nứt, sau đó cấy thép và đổ bê-tông xi măng.
Sửa chữa để... lấy kinh nghiệm
Không những tuyến đường trên bị nứt, tại gói thầu số 18 (tuyến tránh thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông) thuộc dự án mở rộng tuyến đường La Sơn - Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) cũng đang xuất hiện nhiều vết nứt ở mặt đường.
Tuyến đường này cũng do Ban QLDA làm chủ đầu tư với tổng mức trên 800 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu. Trong đó, gói thầu số 18 cũng do Công ty CP Thành Đạt thi công với giá trị hợp đồng trên 104,3 tỉ đồng. Do khó khăn về vốn, đơn vị thi công loay hoay xử lý hạng mục cầu Hương Hòa nên sau gần 10 năm khởi công mới hoàn thành.
Tuyến tránh này đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng mặt đường đoạn qua xã Hương Phú, huyện Nam Đông cũng xuất hiện nhiều vết nứt. Theo Ban QLDA, đoạn đường này cũng có kết cấu bê- tông xi măng như tuyến Phong Điền - Điền Lộc và các vết nứt giống nhau. Hiện đã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục. Ông Cường cho biết đã yêu cầu đơn vị thi công sửa chữa tại hai tuyến đường với phương án khoan cắt vết nứt, cấy thép và đổ bê-tông.
Ông Lê Văn Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Đạt, nói rằng hiện đang tập trung sửa chữa hư hỏng ở tuyến Phong Điền - Điền Lộc để lấy kinh nghiệm. Dự kiến một tuần sau sẽ tiến hành sửa chữa ở tuyến La Sơn - Nam Đông.
Bình luận (0)