Tuổi thơ của tôi dành rất nhiều tình cảm cho ngoại cũng như các cậu, dì ruột. Bởi sau khi chiến tranh kết thúc, bác, chú và cô ruột của tôi chẳng còn ai.
Khi tôi mới bập bẹ biết nói, ba tôi đã dạy: Ngoại con họ Trương Quang, quê ngoại ở làng Mai Xá Chánh. Ba đặt tên con trong đó có một nửa của ngoại. Khi lớn lên một vài tuổi, vì cũng đang trẻ con nên hằng ngày đi chăn bò ở đồng làng, tôi lại ê a câu nói này suốt ngày. "Ngoại con họ Trương Quang, quê ngoại ở làng Mai Xá Chánh, trong tên con có một nửa của ngoại".
Lớn lên, tôi mới hiểu cách đặt tên con của ba mạ mình thật là sâu sắc, trọn nghĩa.
Hôm qua, khi tôi mới về đến đầu ngõ nhà ngoại, cậu Khánh xởi lởi hỏi liền "Cháu về hái lá mai cho ngoại à?". "Dạ cậu, cháu về giỗ ông ngoại và cũng hái lá mai như mọi năm".
Tôi vẫn còn nhớ mãi ngày thơ bé, hằng năm cũng vào độ thời gian giữa tháng mười một âm lịch, ba mạ thường dẫn tôi về thăm ngoại và giúp ngoại tuốt lá mai. Đến khi nhà ngoại chỉ còn lại dì cả, ba mạ tôi cũng thường về giỗ ông ngoại và giúp dì cả làm công việc chăm chút cây mai. Dì cả quý ba tôi, dì nói ba có nhiều nét giống ngoại, thôi thì dì thay mặt ngoại đề nghị ba tôi bứng cây mai về nhà trồng để sớm hôm cùng các cháu chăm chút cho cây mai tươi tốt. Cây mai này cũng ngộ lắm, nó rất thích hơi người. Lỡ mai kia dì già cả rồi không ai chăm cây mai cho ngoại.
Nhưng ba mạ tôi hiểu ngoại lắm nên không đồng ý đưa cây mai về nhà mình trồng mà để cho con cháu thay nhau về chăm. Ba mạ tôi tâm sự rằng các con làm được như vậy chắc ngoại vui lắm.
Mạ tôi tự hào về cây mai của nhà ngoại vì nó đẹp nhất làng Mai Xá Chánh. Cây mai đã hơn trăm năm tuổi, được trồng từ đời cố, có năm nhánh chính vững chắc và thường trổ hoa vàng đúng vào dịp Tết, rất đẹp. Có lần, mạ kể dịp gần Tết Mậu Thân 1968, chiều đó mạ và cậu Út là bộ đội, hai chị em cùng nhau hái lá mai vừa xong thì một đoàn xe thiết giáp của chính quyền miền Nam ào về làng tàn phá. Đơn vị của cậu Út chỉ có 3 người dùng súng AK chọi với cả đoàn thiết giáp. Cậu Út hy sinh, bị xe thiết giáp cán qua người, đẩy xuống hố bom đầy nước. Khi xe thiết giáp rút khỏi làng, mạ tôi đi mò mẫm chắp nhặt hình hài của cậu Út để chôn cất. Lạ thay, năm ấy cây mai không ra hoa như thường lệ!
Mạ kể thêm: Nhà ngoại là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng, khi nào trong nhà cũng có nhiều lính đặc công ở dưới hầm. Các anh lính từ miền Bắc vào thấy cây mai quá đẹp nên rất yêu quý. Những năm ông ngoại bị chính quyền miền Nam bắt đi tù chính trị, mỗi lần gần Tết, các chú lính đặc công ở dưới hầm ban đêm lẻn ra sân nhà tuốt lá mai giúp ngoại. Sáng mai thức dậy, ngoại thấy cây mai trơ trụi cành lá, biết rằng hồi đêm các chú đã làm giúp việc ấy, lòng thấy thán phục bởi trong hầm tối nhưng lính giải phóng quân cũng thật lãng mạn.
Yên tâm với chị gái và em gái ở nhà (hai cậu anh còn lại tập kết ra Bắc) làm giúp công việc của mình, nuôi giấu cán bộ, mạ tôi lên thị xã Quảng Trị bắt nối thêm tổ chức hoạt động cách mạng nhưng mạ vẫn thường xuyên về làng thăm cơ sở của mình và chăm chút cây mai cho ngoại. Tại thị xã Quảng Trị, mạ gặp ba tôi vừa được ra tù chính trị sau 15 năm bị chính quyền miền Nam giam cầm. Một bữa tiệc đơn giản chứng kiến hai người nên vợ nên chồng tuy không có nhẫn cưới nhưng tràn đầy hạnh phúc vì đã có đông đủ đồng chí, đồng đội. Ba mạ tôi tiếp tục hoạt động bí mật ở thị xã Quảng Trị. Hai người thuê nhà của một người lính miền Nam để ở và ông bà đã biến nơi đây thành chỗ chứa vũ khí quân dụng cùng nhiều đồ dùng cá nhân để ban đêm tìm cách chuyển lên cho đồng đội ở chiến khu Ba Lòng.
Và tôi chào đời trong ngôi nhà đó.
Sau này, người lính miền Nam ấy nói với ba mạ tôi rằng ông biết việc ba mạ tôi làm là đối đầu với ông nhưng ông không tố cáo vì thấy tôi còn quá nhỏ, bắt ông bà thì ai nuôi con nhỏ. Phúc cho gia đình tôi là đất nước sớm thống nhất, nếu không thì… Ba mạ tôi nghe ông nói mà rươm rướm nước mắt, thầm cảm ơn người lính phía bên kia.
Một đêm, từ thị xã Quảng Trị, ba mạ tôi nghe phía xa xa ở làng Mai Xá Chánh có tiếng bom đạn rền vang. Mấy hôm sau, mạ tôi tìm cách về thăm nhà, thấy cây mai của ngoại bị mảnh đạn cắt ngang thân mà lòng đau như cắt!
Rồi trên gốc mai già đó, chồi non nhú lên và sinh thành cây to, phía trên ngọn có đủ 5 nhánh vững chắc như ngày trước. Những người chứng kiến cây mai ngày trước của ngoại và cây mai bây giờ giống nhau quá, ai cũng lòng đầy ngạc nhiên.
Một ngày cách đây hơn 10 năm, tình cờ có chiếc ô tô mang biển số miền Bắc chạy về làng Mai Xá Chánh. Nhiều người đàn ông trên xe bước xuống hỏi nhà và tên ông bà ngoại, mẹ tôi, dì tôi giờ ở đâu. Thật bất ngờ, đó chính là những anh lính đặc công được gia đình ngoại nuôi giấu trong những ngày chiến tranh, trong đó có Trung tướng Nguyễn Văn Tình - Chính ủy Hải quân, Phó Đô đốc Hải quân Việt Nam. Ông cùng đồng đội tìm về thăm lại cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cuộc trùng phùng cảm động diễn ra trong niềm vui và nước mắt. Nhưng ông bà ngoại và cậu Út ở trong mảnh vườn đó đã trở thành người thiên cổ, chỉ mạ tôi và hai dì có mặt.
Rồi ba mạ tôi cũng đã về với mây trắng, cỏ xanh. Chỉ còn lại dì Út ở làng. Hôm qua, tôi cùng dì hái lá mai để mời ông bà ngoại và dì, cậu về đón Tết. Vừa hái lá mà tôi và dì như đang trò chuyện với ngoại. Tôi nhẹ tay hái từng chiếc lá mai, tưởng tượng như đang mở từng ô cửa sổ tí hon trên thân cây cho những nụ hoa hé mắt đón sương, nhìn trời đất.
Khi tất cả những chiếc lá đã được tuốt xong, các cành cây tia ra như những nét phác thảo của một bức tranh tuyệt đẹp mang một vẻ háo hức và tưng bừng, như đem đến cho mọi người niềm vui mùa Xuân đang về, rất gần.
Bình luận (0)