Đại thắng mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam kéo dài 21 năm.
Chủ nghĩa yêu nước làm nên huyền thoại
Một dân tộc đất không rộng, người không đông, trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp hơn đối phương... mà đã giành thắng lợi vẻ vang. Một đất nước với thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa"; một đất nước "đất cày lên sỏi đá" mà vẫn đứng được "nơi đầu sóng", đương đầu với bao họa ngoại xâm. Chính chủ nghĩa yêu nước đã làm nên huyền thoại Việt Nam, làm nên sức sống mãnh liệt và trường tồn của dân tộc.
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được hình thành từ rất sớm và liên tục phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là một "báu vật" của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc đã giúp nhân dân Việt Nam lần lượt đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược, để ít nhất đã có 3 lần dân tộc Việt Nam hào sảng cất lên những bản tuyên ngôn độc lập để đời của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh...
Trong thế kỉ XX, chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc lại một lần nữa được thử thách khi Việt Nam phải đương đầu với những kẻ thù đến từ phương Tây. Đặc biệt là dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Một lần nữa, chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc là nguồn gốc của sức mạnh tổng hợp làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, Hiệp định Genève đã được ký kết để chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Việt Nam tạm thời bị chia làm hai miền với giới tuyến là vĩ tuyến 17. Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã phá hoại Hiệp định Genève, từ chối tổng tuyển cử thống nhất đất nước và áp đặt ách thống trị thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam. Mỹ đã phá hoại sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, tước đoạt quyền độc lập, tự do của nhân dân miền Nam... những quyền dân tộc cơ bản, thiêng liêng của một quốc gia. Họ đã xúc phạm đến chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc Việt Nam. Hơn bao giờ hết chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam lại bùng lên mạnh mẽ.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong thế kỷ XX là một cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, Việt Nam đã đương đầu với một kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới, với sự chênh lệch về tương quan lực lượng rất lớn. Nhưng khi chiến tranh nổ ra, phong trào yêu nước đấu tranh thống nhất nước nhà của các tầng lớp nhân dân bùng nổ ngay trong lòng chế độ tay sai của Mỹ từ thành thị tới nông thôn. Thực hiện "3 mũi giáp công", "3 vùng chiến lược", quân dân miền Nam không chỉ giành thắng lợi trên chiến trường mà còn thu được thắng lợi trong phong trào đấu tranh ở các đô thị. Các phong trào đòi hòa bình, dân sinh, dân chủ, phong trào đêm không ngủ "hát cho đồng bào tôi nghe", đốt xe Mỹ... làm cho kẻ thù phải điêu đứng ngay trong sào huyệt của chúng. Ở miền Bắc, chủ nghĩa yêu nước đã thôi thúc hàng triệu người ra trận với một khí thế mới "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", với niềm tin son sắt về một hệ giá trị mới: "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù". Người Việt Nam đón nhận sự hy sinh, mất mát đó nhẹ nhàng và tự nguyện như "mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt", "xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương", "nhà tan cửa nát cũng ừ, đánh thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau", "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"...
Ngày 27-4-2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ xuất quân Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Ảnh: HỮU HƯNG
Tiếp tục nuôi dưỡng, phát huy
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài, gian khổ của nhân dân ta cuối cùng đã kết thúc thắng lợi, chủ nghĩa yêu nước trong chiến tranh cách mạng cần tiếp tục được phát huy để vươn tới khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" theo tâm nguyện của Bác Hồ trong Di chúc.
Trải qua thăng trầm lịch sử, nhân dân Việt Nam hết đương đầu với họa xâm lăng của các thế lực phong kiến phương Bắc lại phải chống lại các cuộc xâm lược của các thế lực đế quốc phương Tây. Dưới ách thống trị của đế quốc thực dân, nhân dân lao động Việt Nam phải sống trong đói nghèo, tủi nhục. Xóa bỏ áp bức dân tộc và áp bức giai cấp là mong muốn ngàn đời của nhân dân Việt Nam. Con đường giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra từ năm 1920, được tiếp tục phát triển trong những năm 1930 cho đến nay, là con đường duy nhất đúng đắn để đưa dân tộc thoát khỏi áp bức và đưa nhân dân đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc để tiến tới xây dựng một xã hội công bằng, văn minh không có áp bức bóc lột là mục tiêu tốt đẹp mà Việt Nam hướng tới. Độc lập, thống nhất dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trở thành mục tiêu vươn tới của dân tộc. Vì lý tưởng đó mà trong những giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất, trước những mất mát, hy sinh, những người chiến sĩ trên chiến trường vẫn có một niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tươi sáng của dân tộc. Họ chiến đấu có lý tưởng, có khát vọng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp lớn, vì thế mà không gì có thể lay chuyển được họ.
Gần 50 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhất là từ sau Đổi mới của Đảng năm 1986, đất nước ta đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng. Môi trường chính trị - xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, kinh tế phát triển, đối ngoại được mở rộng với tinh thần "Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm" trong cộng đồng quốc tế. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Chúng ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh". Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, trước những khó khăn trong quá trình phát triển của đại dịch Covid-19, việc phát huy chủ nghĩa yêu nước lại cần hơn bao giờ hết để củng cố, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước cũng như đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác, phát triển của thế giới và khu vực.
Bình luận (0)