Đó là rừng ở làng Phú Thọ (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), thôn Ruộng (xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), thôn Nghi Sơn (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) và các thôn Lương Nông Bắc, Lương Nông Nam, Đôn Lương (xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi).
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù
Dân làng Phú Thọ gọi rừng lộc vừng của làng là rừng mưng. Rừng nằm giữa một bàu nước mênh mông với hơn 300 cây mưng cổ thụ, có cây 2-3 người ôm không xuể. Đến mùa hoa nở, từng chùm đỏ thắm, hương thơm phảng phất khắp đầu làng ngõ xóm.
Một gốc cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại rừng của thôn Ruộng (xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) Ảnh: ĐỨC NGHĨA
Ông Nguyễn Văn Ngọ (65 tuổi, ngụ làng Phú Thọ) cho biết làng nằm trên bãi cồn nổi giữa bốn bề sóng nước của phá Hạc Hải nên mỗi khi mưa lũ, bão tố, sóng nước dồn vào, dân làng phải vất vả chống đỡ. Bởi vậy, ngay khi lập làng, tiền nhân đã tìm kiếm hàng ngàn cây mưng về trồng quanh làng. Mưng sống mãnh liệt cả trên cạn lẫn trong sình lầy.
"Qua vài trăm năm, rừng mưng trở thành lá phổi xanh bảo vệ làng trước những tai ương sóng gió. Đến mùa bão lũ, rừng giúp làng giữ nhà, giữ vườn. Với làng này, rừng mưng như báu vật vô giá" - ông Ngọ nói.
Trong những năm kháng chiến, ban ngày bộ đội chọn rừng mưng làm nơi trú ẩn, ban đêm tổ chức đánh đồn An Lạc của Pháp đóng cách đó chừng 1 km. Thấy vậy, quân Pháp đến chặt hết rừng mưng không sót cây nào. Người làng xót xa như da thịt mình bị cắt. Tưởng thế là xong. Nhưng rừng mưng vẫn kiên cường như chính người dân ở đây, vẫn đâm chồi, tái sinh. Đến thời chống Mỹ, rừng mưng lại trở thành thao trường để bộ đội huấn luyện ngay dưới những làn mưa bom dội từ máy bay giặc.
Cũng như rừng mưng của làng Phú Thọ, gần 160 ha rừng đang được bảo tồn ở thôn Ruộng tuy là cây rừng nhưng vẫn là rừng trồng, được nhiều thế hệ của 140 hộ người đồng bào Vân Kiều gìn giữ, bảo vệ. Đường dẫn vào thôn Ruộng xuyên qua những tán lá rộng. Từ trên cao nhìn xuống, khu rừng như tấm bình phong choãi mình ra che chắn cho làng.
Ông Hồ Cập, già làng của thôn Ruộng, kể ngày xưa quanh thôn rừng mênh mông, cây to vài người ôm không xuể. Dân làng thi thoảng vẫn thấy hổ, báo vờn mồi. Nai, mang, heo thì vô kể. Nhưng trong kháng chiến, đạn bom cày xới tan hoang, cây chết đứng vì chất độc hóa học. Dân làng phải di tản đến biên giới Việt - Lào tránh bom đạn, chỉ còn lại số người bám trụ theo bộ đội đánh giặc.
Khi tỉnh Quảng Trị giải phóng, dân làng dắt díu nhau về. Làng xác xơ, ai cũng nước mắt ngắn dài, nén đau thương trồng lại rừng với mong muốn sẽ thấy lại màu xanh của đại ngàn ngày nào.
Còn khoảng 10 ha rừng mang tên Cấm Miếu tại thôn Nghi Sơn thì là rừng nguyên sinh nằm giữa khu dân cư với nhiều cây quý như lim, sơn, mít nài, hoảnh… Có cây đường kính hơn 1 m. Nằm giữa làng nhưng rừng vẫn không có lối mòn nào. Cây lớn, cây nhỏ đan xen rậm rịt, rêu xanh phủ kín. Khắp rừng đầy tiếng thú kêu, chim hót.
Nhắc đến Nghi Sơn, người ta nghĩ ngay đến lễ hội Khai Sơn nổi tiếng tổ chức thường niên vào ngày 8 tháng giêng, nhằm ghi ơn công đức tiền nhân, dâng hương thần núi, cầu mong điều tốt lành cho mọi nhà. Lễ hội trang trọng, không chỉ dân địa phương tham gia mà còn thu hút hàng ngàn người khắp nơi kéo đến thắp hương, khấn cầu mong năm mới bình an, may mắn. Sử sách ghi khoảng cuối năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông cầm quân vào Nam, dân Đàng Ngoài di cư theo, vào khai khẩn, lập làng ở vùng đất này.
Ông Trần Quốc Toàn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Nghi Sơn, cho biết xưa nay dân Nghi Sơn ai cũng có ý thức bảo vệ khu rừng này vì họ xem như báu vật. Dân truyền nhau rằng ai vào săn thú, chặt cây đều bị "thần linh" phạt cho đau ốm hay gặp họa.
Cách thị trấn Mộ Đức của Quảng Ngãi chừng 3 km về phía biển là hơn 17 ha của rừng Nà, trải dài qua 3 thôn Lương Nông Bắc, Lương Nông Nam, Đôn Lương của xã Đức Thạnh. Ở đây vẫn còn nguyên vẹn nhiều hệ động thực vật. Người dân Đức Thạnh không biết chính xác rừng Nà bao năm tuổi; chỉ biết lớn lên đã sống dưới tán rừng, dù giữa những trận cuồng phong, bão tố, bom đạn chiến tranh.
Ông Đào Văn Bá (66 tuổi, ngụ xã Đức Thạnh), kể: "Hồi nhỏ, chúng tôi thả trâu bò trên đồng lúa rồi vào rừng lượm củi. Lớn lên thì tham gia kháng chiến, dựa vào rừng Nà đánh địch. Năm 1974, địch mở chiến dịch phá rừng Nà để diệt bộ đội. Dân phản kháng quyết liệt, chấp nhận hy sinh chứ không phá rừng, nhờ thế rừng mới xanh tốt đến nay. Cả trong bão số 9 khủng khiếp vừa qua, rừng vẫn nguyên vẹn".
Những năm 1930-1931, rừng Nà là nơi một số lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi sử dụng làm căn cứ hoạt động. Đến năm 1965 thì rừng Nà thành căn cứ hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng. Căn cứ rừng Nà cũng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Giữ rừng bằng hương ước
Đối với làng Phú Thọ, để có khu rừng mưng như hiện nay là nhờ các thế hệ dân làng tiếp nhau canh giữ nghiêm ngặt. Làng có hương ước, ghi rõ: "Bảo vệ rừng mưng cổ thụ, bất cứ ai xâm phạm nơi linh thiêng ấy sẽ bị trừng trị nghiêm minh".
Thôn Ruộng cũng đặt ra luật lệ vừa nghiêm khắc vừa thấu tình đạt lý để giữ rừng. Dù không lập văn bản, chỉ truyền miệng nhưng từ già đến trẻ đều rõ. "Ai tự ý chặt chỉ một cây lần đầu sẽ bị đưa ra trước toàn thôn để nhắc nhở, khiển trách. Tái phạm thì phạt cúng heo, cúng gà. Chặt nhiều cây một lúc hoặc chặt đến lần thứ ba thì báo công an, kiểm lâm xử lý" - già làng Hồ Cập nghiêm nghị nói.
Theo già làng Hồ Cập, nếu người dân cần gỗ để làm nhà thì phải viết đơn trình làng. Nếu thấy nhu cầu chính đáng, làng sẽ trình lên xã, lên kiểm lâm để xin ý kiến. Khi nào các cấp đồng ý, người dân mới được hạ cây. Trong quá trình này, làng sẽ cử người túc trực, giám sát. "Bất kể ai vi phạm đều xử lý nghiêm theo lệ làng. Vì thế, những người có dã tâm phá rừng đều chùn tay. Rừng còn là nhờ vậy" - già làng thôn Ruộng khẳng định.
Anh Hồ Văn Đu, trưởng thôn Ruộng, nói: "Lâu nay, dân địa phương không hề phá rừng. Nhưng rừng cũng vừa bị phá khá nhiều" - anh Đu nén tiếng thở dài rồi nói rõ rằng đấy là do mưa bão dồn dập làm nhiều cây bật gốc, gãy đổ. Có cây to đến vài người ôm, cao hàng chục mét, dân làng ai cũng xót, vì để rừng tồn tại đến hôm nay thì không chỉ nhờ lực lượng bảo vệ rừng mà là cả thôn cùng chung tay.
Rừng Cấm Miếu được giữ gìn tốt đến bây giờ cũng nhờ vậy. Không rõ từ lúc nào làng Phú Thọ đã có hương ước, ghi rõ không ai được tùy tiện đốn, chặt cây, săn bắt thú trong rừng. Mọi người đều có nghĩa vụ bảo vệ và tố giác những ai vi phạm. Người vi phạm tùy mức độ nặng nhẹ sẽ bị phạt từ 1-10 ang lúa, cống nạp lợn, trâu cho làng, thậm chí có thể bị trục xuất khỏi làng.
Nhờ bản hương ước này, rừng Cấm Miếu được bảo vệ nghiêm ngặt. Những người già kể hồi xưa, cứ vài năm một lần, lý trưởng phát động dân vào rừng thu dọn gỗ mục mang về phục vụ làng. Có thời điểm rừng có những cây lim, hoảnh 4-5 người ôm không xuể. Tiếc là chiến tranh, bom đạn dội xuống làm nhiều cây chết đứng. Sau giải phóng, dân làng tiếp tục duy trì hương ước để giữ rừng cho tới bây giờ.
Giá nào cũng không bán
Ngày trước, mưng chẳng mấy quý giá. 10 năm gần đây, mưng thành cây quý, bán giá rất cao trên thị trường. Dân chơi cây cảnh xem đây là cây phong thủy nên săn lùng ráo riết. Rừng ở thôn Phú Thọ thành đích ngắm của không ít thương lái. Nhưng tất cả đều nhụt chí ra về vì có ai bán đâu mà mua.
Theo ông Lê Văn Thương, trưởng thôn Phú Thọ, dân làng sinh sống bằng nghề nông, đời sống khó khăn nhưng chưa ai dám nghĩ chuyện trộm mưng đem bán. 5-6 năm trước, nhiều thương lái tận Hà Nội, Hải Phòng vào trả 1 cây mưng cổ thụ giá đến mấy tỉ đồng. Họ đến tận nhà cán bộ thôn, đưa tiền vàng mua chuộc nhưng không được. Nhiều nhóm lợi dụng ban đêm, từ xa phóng xe về, vào rừng lén hạ cây nhưng không vụ nào thoát khỏi sự cảnh giác của dân" - ông Thương nói.
Thấy rừng mưng liên tục bị đe dọa, làng Phú Thọ lập tổ bảo vệ, các thành viên là trai tráng trong làng cắt cử, thay nhau canh giữ suốt ngày đêm. Bởi thế, từ đó đến nay chẳng ai dám bén mảng tới rừng. Hàng trăm cây mưng cổ thụ vẫn nguyên vẹn, hiên ngang tỏa bóng.
Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy, cho hay xã này đã xây dựng nghị quyết, giao cho dân ở thôn Phú Thọ bảo vệ nghiêm ngặt rừng lộc vừng. Đồng thời, chỉ đạo thôn cải tạo số diện tích bàu quanh rừng mưng nhằm hướng tới quy hoạch thành sản phẩm du lịch của địa phương.
Chính quyền không đứng ngoài cuộc
Ông Nguyễn Ngọc Tài, một người dân sống cạnh rừng Nà, cho hay những năm mới giải phóng, có thời điểm rừng bị xâm hại do dân tứ xứ về lấn chiếm, lấy đất làm nhà. Do dân trong thôn phản ứng quyết liệt, chuyện phá rừng Nà nhờ thế giảm dần, sau này cấm tuyệt đối.
Ông Phan Tấn Thế, Bí thư chi bộ thôn Lương Nông Nam, nhớ khi hòa bình lập lại, để bảo vệ rừng Nà, các vị cao niên bàn rất nhiều lần để tìm cách giữ. Vì giữ được rừng mới giữ được nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho đồng ruộng. Hồi đó chưa có thủy lợi nên nước sinh hoạt, sản xuất khan hiếm. Việc này được bàn ra dân, dân ủng hộ hết mình.
"Tôi nhớ, hương ước giữ rừng lập ra, tất cả các chủ hộ đều điểm chỉ vào đó. Nay hương ước thất lạc nhưng người dân đều tuân thủ, không dám xâm phạm rừng Nà" - ông Thế kể rồi nói thêm rằng ý thức bảo vệ rừng Nà của người dân đã ăn sâu vào suy nghĩ. Ngay cả trong bão vừa qua, một số cây lớn ở bìa rừng gãy nhánh, đổ vào nhà dân nhưng cũng không ai dám tự ý chặt bỏ. Khi phát hiện có người vào rừng săn bắt, dân liền báo ngay cho chính quyền địa phương.
Ông Phan Đức Tám, quyền Chủ tịch UBND xã Đức Thạnh, thông tin: "Để bảo vệ tuyệt đối rừng Nà, UBND xã Đức Thạnh cũng đã dựng cọc, đắp bờ bao làm ranh giới tiếp giáp giữa rừng với các khu dân cư. Xã cũng giao cho các thôn có rừng cử những người uy tín lập ra hương ước, ban thôn bảo vệ rừng Nà. Khi phát hiện trường hợp nào xâm phạm rừng, các ban thôn sẽ căn cứ mức độ vi phạm để xử phạt".
Anh Hồ Văn Đu cũng nói ngoài luật lệ truyền miệng, thôn Ruộng còn lập 4 tổ bảo vệ, mỗi tuần một lần băng rừng tuần tra. Nhờ vậy, các dấu hiệu xâm phạm rừng đều được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Bảo vệ rừng mưng
cổ thụ, bất cứ ai xâm phạm nơi linh thiêng ấy sẽ bị trừng trị nghiêm minh.
Giữ rừng mới giữ được làng
Ông Hồ Văn Lâng (74 tuổi, ngụ thôn Ruộng) khẳng định người dân trong thôn giữ rừng trên tinh thần tự nguyện. Các thế hệ tiếp nối tinh thần gìn giữ cánh rừng chung ấy. "Chúng tôi xác định giữ rừng mới giữ được làng, giữ được nguồn nước cũng như không khí trong lành. Rừng ở thôn Ruộng chẳng khác gì báu vật truyền đời" - ông Lâng bộc bạch.
Giờ đây, ông Lâng cũng như già làng Hồ Cập không còn khỏe để lội suối, băng đèo tuần tra rừng như trước. Việc này đã có lớp trẻ gánh vác. Họ lui về bên bếp lửa nhà sàn và năng kể chuyện giữ rừng cho con cháu nghe. Và khi nào cũng vậy, cuối câu chuyện họ thường đúc kết một câu để thế hệ sau ghi tâm: "Giữ được rừng mới giữ được làng!".
Cha ông họ ngày trước cũng từng dặn dò y như thế!
Bình luận (0)