KỲ THÚ. - Từ trung tâm huyện Yên Thành đi khoảng 7 km về phía Bắc, chúng tôi đến khu vực núi Tháp Lĩnh, xã Hậu Thành (huyện Yên Thành) - nơi có khu rừng lim nguyên sinh vô tiền khoáng hậu, rộng khoảng 20 ha. Nhìn từ xa, khu rừng lim xanh ngắt nằm nổi bật bên cạnh cánh đồng lúa và khu dân cư đông đúc. Trò chuyện với người dân ở đây, chúng tôi khám phá nhiều điều kỳ thú.
Những cây lim quý hiếm trên núi Tháp Lĩnh ở xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An Ảnh: Hải Vũ
Người dân địa phương không ai rõ rừng lim trên núi Tháp Lĩnh có từ bao giờ. Những vị cao niên nhất trong làng cũng chỉ được nghe kể lại rằng thuở ông bà họ sinh ra thì khu rừng lim đã có từ lâu rồi. Ông Lê Văn Thắng, trú xã Hậu Thành, cho biết: "Hồi còn nhỏ, tôi nghe ông bà nói rất nhiều về khu rừng. Hỏi các cụ về nguồn gốc thì các cụ nói khu rừng phải có tuổi cả ngàn năm nay rồi".
Theo chân anh Nguyễn Văn Hùng, một người địa phương, chúng tôi men theo lối mòn nhỏ tiến vào khu rừng lim. Ngay bìa rừng, chúng tôi thực sự choáng ngợp khi thấy vô số cây lim cổ thụ tỏa bóng bao trùm lên cả một vùng rộng lớn. "Ở rìa rừng chỉ có những cây lim vừa và nhỏ, muốn ngắm những cây lim lớn thì phải đi vòng lên khu vực đỉnh núi; trên đó rừng rậm rạp, rất nhiều cây lớn thân 2-3 người ôm" - anh Hùng cho hay.
Càng đi lên đỉnh núi, rừng càng rậm rạp, phía dưới là tầng cây bụi, dây leo tạo nên thảm thực vật phủ kín mặt đất. Phía trên là những tán cây rợp kín, ánh nắng mặt trời rất hiếm khi xuyên qua được. Dưới những tán cây lim cao 15-30 m, những đàn chim rừng ríu rít cất tiếng hót gọi bầy. Cảm giác bình yên bao trùm cả một vùng không gian rộng lớn! Đi giữa khu rừng, chúng tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào vùng thâm sơn nguyên sơ chưa ai khai phá chứ không phải đang ở một ngọn núi nằm giữa đồng bằng bên cạnh khu dân cư đông đúc. "Rừng xanh tốt quanh năm nên chim chóc, muông thú kéo về trú ngụ, làm tổ rất nhiều. Mỗi lần có dịp vào khu rừng nghe tiếng chim ríu rít gọi bầy là cảm thấy bình yên, thanh thản đến lạ thường" - anh Hùng chia sẻ.
Sau khoảng 30 phút, chúng tôi lên được đỉnh núi Tháp Lĩnh. Tại đây, có rất nhiều "cụ" lim tuổi đời mấy trăm năm, cao 20 - 30 m, chừng 2 người ôm. Trên núi Tháp Lĩnh này, ngoài lim còn có nhiều cây lớn như: trai, gụ, trâm, lát… mọc san sát nhau; nhiều loại chim, thú, bò sát cũng về đây sinh sống, tạo nên một quần thể rừng đa dạng, độc đáo.
LẬP HƯƠNG ƯỚC GIỮ "BÁU VẬT". - Trong khu rừng lim trên núi Tháp Lĩnh có ngôi đền Cả được dựng bằng gỗ lim cách đây mấy trăm năm. Ngôi đền linh thiêng này được người dân lập lên để thờ những người có công lớn giúp dân, giúp nước. Cạnh đền Cả, dưới bóng của các cây lim to lớn, có một cái am nhỏ thờ thần Trăn - theo tương truyền của người làng, vị thần này cai quản khu rừng.
Dẫu sao thì chuyện về thần Trăn giữ rừng trên núi Tháp Lĩnh cũng chỉ là truyền miệng, có tính chất hư cấu; còn việc rừng lim nguyên sinh tồn tại - theo các cụ cao niên - thì từ xa xưa, người làng Đức Hậu (tên cũ của xã Hậu Thành ngày nay) đã đặt ra hương ước để bảo vệ khu rừng này. Cụ thể, người dân nào vào rừng chặt một cây thì sẽ bị phạt, bêu danh giữa làng và buộc phải trồng lại mười cây. Từ đó người dân xã Hậu Thành xem khu rừng là "báu vật" của làng, các thế hệ cứ thế nối tiếp nhau chăm sóc, bảo vệ. "Rừng lim ở ngay cạnh khu dân cư đông đúc, trong rừng có rất nhiều cây gỗ quý nhưng không ai vào chặt phá vì người dân luôn tuân theo hương ước. Họ quý trọng những "cụ" lim trên núi Tháp Lĩnh như sinh mạng mình nên chẳng những không chặt phá mà thường xuyên chăm sóc, bảo vệ" - ông Lại Xuân Ngân (SN 1961, trú xã Hậu Thành; người được UBND xã Hậu Thành giao nhiệm vụ bảo vệ khu rừng gần 20 năm nay) chia sẻ.
HÒA MÌNH VÀO THIÊN NHIÊN. - Trong những năm chống Mỹ, rừng lim trên núi Tháp Lĩnh là nơi dừng chân cho nhiều đơn vị bộ đội trên đường hành quân vào miền Nam. Khu rừng nhiều lần bị bom đạn giày xéo nhưng hễ một cây rừng ngã xuống thì người làng lại lên núi trồng thêm những cây mới. Khu rừng nhờ thế mà luôn xanh tốt.
Ông Nguyễn Hồng Chính, Chủ tịch UBND xã Hậu Thành, cho biết đây là khu rừng lim nguyên sinh độc đáo đặc biệt quý hiếm còn giữ được trên địa bàn. Khu rừng như lá phổi xanh, là biểu tượng của việc con người sống hòa đồng với thiên nhiên. Để có được khu rừng vô giá này là nhờ vào ý thức giữ gìn, bảo vệ của người dân xã Hậu Thành bao nhiêu đời qua. Hiện chính quyền, người dân rất mong muốn khu rừng lim được khoanh vùng bằng bờ bao, các tuyến đường vào đây được đầu tư, nâng cấp để có thể phát triển thành khu du lịch sinh thái phục vụ cộng đồng.
Rời núi Tháp Lĩnh, hình ảnh những vạt lim đẹp như tranh cứ hiện ra trước mắt. Hy vọng một ngày nào đó khi quay trở lại, cánh rừng kỳ thú như trong miền cổ tích này sẽ trở thành một khu du lịch sinh thái để người dân khắp nơi có thể đến chiêm ngưỡng, hòa mình vào thiên nhiên.
Bình luận (0)