Dinh Thượng Thơ được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ. Bao bọc tòa nhà là dãy hành lang rộng, thoáng mát.
Thực hiện đề án mở rộng, nâng cấp và cải tạo lại trụ sở UBND TP HCM trên mặt bằng hiện hữu, TP HCM có khả năng đập bỏ dãy nhà cổ xây dựng từ những năm 1860 tại số 59 - 61 Lý Tự Trọng, quận 1.
Vấn đề này khiến giới chuyên gia kiến trúc tranh cãi, liệu có nên giữ lại tòa nhà cổ như lưu giữ một phần văn hóa - lịch sử lâu đời của thành phố?
Dinh Thượng Thơ đang là trụ sở Sở Thông tin Truyền thông và Sở Công Thương TP HCM.
Dinh Thượng Thơ mang nét đẹp cổ xưa giữa lòng thành phố hiện đại.
Cổng ra vào Dinh Thượng Thơ có dạng mái hình vòm và vẫn giữ được kết cấu nguyên vẹn.
Công trình gồm một dãy nhà chính giữa xoay ra đường Lý Tự Trọng, nối với hai dãy nhà hai bên tạo thành hình chữ U ôm lấy khoảng sân ở giữa.
Bên trong có 4 cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên, nằm gần cổng ra vào và hai góc của tòa nhà.
Hành lang thoáng mát cùng dãy cửa sổ bên trong Dinh Thượng Thơ.
Hòn non bộ ở tầng 2 tòa nhà Dinh Thượng Thơ.
Một phần tường đã xuống cấp với những vết nứt.
Tòa nhà vẫn giữ được phần mái ngói đỏ theo kiến trúc Pháp.
Ô thông gió cùng với mái ngói đỏ tồn tại gần 160 năm của tòa nhà.
Qua nhiều năm nhưng tòa nhà vẫn giữ được hai chiếc cổng sắt được thiết kế tinh xảo và lối vào lát đá xanh.
Tính từ lúc được nâng cấp lần cuối (năm 1890) đến nay đã gần 130 năm, còn nếu tính về lịch sử khi mới được xây dựng lần đầu thì công trình này đã gần 160 tuổi.
Không nằm trong danh mục di tích
Liên quan đến biệt thự gần 160 năm tuổi này có thể bị đập bỏ để thực hiện dự án nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP HCM, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết TP đã xem xét rất kỹ việc này khi chọn phương án thiết kế.
"Công trình này không nằm trong danh mục di tích của ngành văn hóa - thể thao. Nếu có trong danh sách, dù chưa được cơ quan chức năng kiểm kê đi nữa thì vẫn được đối xử như với di tích. Còn ở đây, công trình này không hề có trong danh sách nên TP quyết định không bảo tồn" - ông Nhã nói.
Theo ông Nhã, về tình cảm với công trình kiến trúc cũ thì rất nhiều người bày tỏ sự nuối tiếc. Tuy nhiên, có rất nhiều thứ khiến chúng ta phải nuối tiếc nhưng cũng phải tùy vào từng hoàn cảnh.
"Với những công trình cũ, hiện thế giới cũng có nhiều cách để gìn giữ như giữ nguyên hiện trạng, giữ lại một số nét đặc biệt hoặc giữ lại thông qua các mô hình… Những công trình nào được công nhận là di tích thì mới được giữ nguyên hiện trạng để thế hệ mai sau có cảm nhận về văn hóa, kiến trúc xưa" - ông Nhã lý giải.
Bình luận (0)