Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM), số trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng nặng, phải nhập viện từ đầu tuần có ngày đã tăng gần 40 trẻ, dù tuần trước đó hầu như các ngày đều chỉ có dưới 20 trẻ, nhiều nhất là 25 trẻ. Chị P. (nhà ở quận 6, TP HCM), phụ huynh của một trong các bé bệnh nặng, cho biết con chị chưa đi học nhưng không biết vì sao vẫn bị lây bệnh. Ban đầu bé chỉ sốt nhẹ nhưng sau đó thấy bé mệt hơn nên chị đưa đi khám. Bé hiện mắc bệnh ở độ 2b, đang được theo dõi tại Phòng Cấp cứu của Khoa Nhiễm - Thần kinh.
Tỉ lệ ca nặng cao
Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), từ giữa tháng 3 vừa qua, số ca tay chân miệng bắt đầu có xu hướng tăng nhanh hơn. Hiện nay, số ca nhập viện ở BV Nhi Đồng Thành Phố luôn ở mức khá cao: khoảng 30-40 ca/ngày. Ngoài ra còn khá nhiều ca nhẹ (độ 1) được cho điều trị ngoại trú. Ngoài ra có một số bé bị bệnh rất nặng. Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của BV này đang có 2 ca thở máy, trước đó còn có 1 ca phải lọc máu; tại Khoa Nhiễm cũng có 2 ca phải thở máy. "Ngoài ra, luôn có nhiều ca nhẹ khám xong được cho về theo dõi tại nhà" - BS Tiến nói thêm.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cũng cảnh báo bệnh tay chân miệng đang gia tăng rất nhanh. Theo thống kê sau cùng vào tuần thứ 11 (cuối tháng 3), bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước. Có 21/24 quận, huyện, TP trên địa bàn TP HCM số ca tăng ở mức báo động, đặc biệt là quận 1, 4, 5, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Củ Chi và khu vực II-III của TP Thủ Đức. Từ tuần lễ đó, cả TP đã có 2.564 ca tay chân miệng được ghi nhận.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1, cho biết số ca tay chân miệng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, bởi các tháng 4, 5, 6 thường là giai đoạn cao điểm của bệnh này. Số ca nhập viện năm nay có phần ít so với các năm dịch bệnh bùng phát mạnh (chỉ nhiều hơn năm ngoái do các biện pháp phòng chống Covid-19, cách ly xã hội...). "Nguyên nhân tỉ lệ bệnh nặng trên số ca đến khám nhiều có thể do phụ huynh đã hiểu biết về bệnh này so với những năm trước đây, nên khi nào thấy bệnh nặng mới đưa đi viện, bệnh nhẹ thì để ở nhà, khám phòng mạch tại địa phương..." - BS Khanh lý giải.
Khám bệnh cho một trẻ mắc tay chân miệng nặng tại Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)
Phải theo dõi chặt chẽ
Theo BS Khanh, số ca bệnh nặng nhiều cho thấy đây vẫn là căn bệnh nguy hiểm, không nên chủ quan. Năm ngoái, số ca bệnh ít nên năm nay số trẻ không có miễn dịch trong cộng đồng sẽ nhiều. Ngoài ra, tuổi mắc bệnh của các trẻ có phần tăng so với các năm trước, có thể là do năm ngoái chưa bệnh, năm nay mới bệnh. Trẻ mắc tay chân miệng thường bị nặng nhất lúc dưới 3 tuổi, song không phải không có trẻ trên 3 tuổi bệnh nặng. Số ca tay chân miệng không chỉ gia tăng ở TP HCM mà hiện hầu như tỉnh, thành nào cũng có, nên phải đề phòng.
BS Nguyễn Minh Tiến cho biết điều quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ mắc bệnh này tại nhà là phải theo dõi chặt chẽ, nếu có một trong các dấu hiệu sau cần đưa trẻ nhập viện ngay dù là trong đêm như: sốt cao; thở bất thường; quấy khóc liên tục; khó ngủ, ngủ li bì, ngủ gà; giật mình, hốt hoảng, chới với; ngồi không vững hoặc đi loạng choạng; run tay, chân hoặc co giật; vã mồ hôi; nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú; yếu tay chân; da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái.
"Bệnh này hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa, chủ yếu là phòng ngừa tổng quát, vì vậy phụ huynh khi chăm sóc trẻ bệnh cần lưu ý vấn đề vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc phân, nước bọt, khăn trải giường của trẻ. Cần rửa sạch đồ chơi, vật dụng, tay nắm cửa, thanh vịn, lan can, sàn nhà, lưu ý lau sàn bằng nước xà phòng. Trẻ mắc bệnh cần được cách ly tại nhà, không cho đến nhà trẻ, trường học, nơi tập trung nhiều trẻ em trong khoảng 10-14 ngày đầu của bệnh" - BS Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh, đồng thời khuyến cáo các bé sốt đến ngày thứ 2, dù không cao và không rõ có phải mắc tay chân miệng hay không thì phụ huynh cũng nên đưa đến BV kiểm tra.
Chú ý phòng bệnh ở trường học
Bệnh tay chân miệng chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ tuổi mẫu giáo, nên HCDC khuyến cáo các trường học cần đặc biệt lưu ý theo dõi, giám sát, phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh. Nhà trường cũng cần đề nghị phụ huynh thông báo rõ lý do con em mình nghỉ học, khi có con mắc tay chân miệng cần chủ động cho trẻ nghỉ và thông báo cụ thể với nhà trường.
Bình luận (0)