Những câu chuyện của bà Aung San Suu Kyi
Đại sứ Luận Thùy Dương, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar nhiệm kỳ 2016-2019, cho biết đây là một địa bàn có vị trí địa chính trị quan trọng song rất khó khăn, đến nay đất nước này vẫn đang phải đấu tranh vì hòa bình và dân chủ.
Đại sứ Luận Thùy Dương
Với "nữ tướng" Aung San Suu Kyi, người phụ nữ trong thời điểm đó giữ vai trò chính thức là Cố vấn Nhà nước, Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar, nhưng Đại sứ nhận định người phụ nữ đặc biệt này có vai trò còn cao hơn cả Thủ tướng, Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội. Một chuyến đi của Tổng thống, muốn thực hiện cũng phải có ý kiến của bà.
Đại sứ Luận Thùy Dương cho biết trong giai đoạn bà làm Đại sứ, vai trò của cá nhân bà Aung San Suu Kyi rất quan trọng. Bà không chỉ là biểu tượng của nền dân chủ ở Myanmar mà còn là con gái của Tướng Aung San, người đã dẫn dắt cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, nên bà là người có thể kết nối 135 dân tộc Myanmar, kết nối dân sự với quân sự và dẫn dắt cả hai tiến trình quan trọng ở Myanmar lúc đó là tiến trình hoà bình và tiến trình dân chủ. Bà cũng là nhà ngoại giao xuất sắc, có thể giúp Myanmar vượt qua các sức ép quốc tế, thực hiện chính sách đối ngoại độc lập và tự cường. Bà có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, đất nước mà cha bà đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng quan hệ.
Nắm được đặc thù chính trị của Myanmar lúc đó, Đại sứ Luận Thùy Dương, với lợi thế là một phụ nữ, đã tiếp cận, gặp gỡ bà Aung San Suu Kyi. "Khi tiếp cận, tôi mới càng biết rằng đó là một người phụ nữ hết sức đặc biệt. Tôi đã được nghe bà chia sẻ những câu chuyện riêng tư mà chỉ chị em chúng ta hiểu được. Bà có tới 18 năm bị giam lỏng tại nhà của bà ở Yangon, không được bước chân ra khỏi cổng một lần nào, không ai được đến thăm. Trong 18 năm đó, chỉ có 2 lần có người vào thăm, là người thuộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà, và để vào thăm được đã phải đấu tranh rất nhiều"- Đại sứ kể.
Khi nữ Đại sứ hỏi làm thế nào để trải qua 18 năm bị giam lỏng, không ra ngoài, không tiếp xúc? bà Aung San Suu Kyi nói có 2 việc, đó là yêu nước và tập yoga, thiền. Đó cũng là một trong các lý do ở tuổi ngoài 70, bà vẫn nhanh nhẹn, tinh anh, đi lại thoăn thoắt.
Bà Aung San Suu Kyi là người ăn chay, xuất phát từ việc không có gì nhiều để ăn trong những ngày bị giam lỏng đó, chủ yếu tăng gia trồng trọt rau trái trong vườn.
Bà Aung San Suu Kyi bắt tay Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương tại Lễ kỷ niệm 52 năm thành lập ASEAN do Bộ Ngoại giao Myanmar tổ chức ngày 27-8-2019
Tất nhiên, bà được ở trong một dinh thự lớn bởi cha bà là Tướng Aung San, một nhà lãnh đạo có vai trò thủ lĩnh trong việc giành được độc lập cho Myanmar năm 1948. Do bà là con Tướng Aung San, người dân Myanmar có tình cảm rất lớn với bà. Trong những tháng năm bà bị giam lỏng, người dân thường mang đồ ăn tới để trước cổng nhà bà, nhưng bảo vệ thuộc lực lượng quân đội không bao giờ mang vào cho bà.
"Bà Aung San Suu Kyi nói bà không được ăn những đồ ăn ấy nhưng bà sống bằng tình cảm người dân Myanmar dành cho bà"- Đại sứ kể.
Bà bà Aung San Suu Kyi chia sẻ những câu chuyện khi chồng bà mất bà không thể về Anh để chịu tang, không được ở bên con qua các chặng đường,… Vì chính quyền Myanmar muốn bà rời khỏi Myanmar nhưng nếu bà rời khỏi đất nước này sẽ không bao giờ quay lại được nữa, và bà không thể tiếp tục đấu tranh cho hòa bình, dân chủ của Myanmar được nữa. Bà chia sẻ lúc đó có 2 điều làm nên sức mạnh trong bà: Một là tình yêu nước, nhưng thứ hai, bà nhận thức rất rõ bà là con của Tướng Aung San, người đã giải phóng dân tộc, nếu bà ra đi thì chẳng khác gì người đào ngũ, nên bà đã tồn tại như vậy.
Khu vườn nhỏ của bà Aung San Suu Kyi
Trong quan hệ Việt Nam - Myanmar, đến nay, Đại sứ Luận Thùy Dương là Đại sứ duy nhất được bà Aung San Suu Kyi mời đến nhà riêng trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác.
Khi bước vào căn phòng của bà Aung San Suu Kyi ở Thủ đô Naypyidaw, Đại sứ rất sửng sốt khi căn nhà của bà rất nhỏ và đơn sơ, mặc dù lúc đó bà ở vị trí là một người phụ nữ quyền lực cao hơn cả tổng thống.
Điều đặc biệt trong căn nhà này là hình ảnh chim công xuất hiện khắp nơi. Ở Myanmar, công là biểu tượng của quyền uy. Biểu tượng của Đảng NLD cũng là chim công.
Từ ngoài cổng đến trong sân nhà bà bà Aung San Suu Kyi đều có hình ảnh những con chim công duyên dáng, trong các bức tranh, tượng, các vật dụng hay đồ trang trí... Cũng chính vì được biết trước điều đó nên nữ Đại sứ đã tặng bà Aung San Suu Kyi một bộ gốm sứ in hình chim công và bà rất thích.
Đại sứ Luận Thùy Dương chia sẻ khi Việt Nam và Myanmar nâng cấp quan hệ lên Đối tác Hợp tác Toàn diện, người Đại sứ vận động đầu tiên chính là bà Aung San Suu Kyi, bởi vì nếu bà không đồng ý thì có thể tất cả mọi việc đều không thành.
"Vận động cả phía ta, phía bạn, đó là nhiệm vụ của chúng tôi, phải đưa ra đầy đủ lập luận để họ thấy là cần thiết, quan trọng. Bản thân Đại sứ cũng phải thể hiện cho bà Aung San Suu Kyi thấy rõ nếu như thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác gần gũi với Việt Nam thì Myanmar được lợi gì. Và sau khi vận động, nhiệm vụ của các đại sứ là phải làm sao để những điều đó thành hiện thực. Nếu ta thúc đẩy quan hệ xong rồi sau đó quan hệ đó lại vẫn như cũ thì lại không đúng" - nữ Đại sứ chia sẻ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar trong chuyến thăm chính thức Myanmar đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 16 đến 18-12-2019, Đại sứ Luận Thùy Dương đứng phía sau - Nguồn: VGP
Ở Myanmar, văn hóa bản địa đóng vai trò hết sức quan trọng. Bản thân Đại sứ Luận Thùy Dương đã tìm hiểu rất kỹ văn hóa đất nước này, học múa cổ truyền Myanmar, học bài hát, may trang phục Myanmar,… để sẵn sàng khi cần.
Đại sứ Luận Thùy Dương chia sẻ việc học bài hát Myanmar rất khó, lúc đầu bà tưởng không làm được nhưng rồi cuối cùng bà cũng nỗ lực học bằng được. Đại sứ mất 1 tháng rưỡi để học thuộc lời, và mất thêm 1 tháng để khớp nhạc của Myanmar, với những tiếng trống, tiếng chiêng rất đặc trưng.
Đồng thời, Đại sứ tặng trang phục áo dài cho các phu nhân Bộ trưởng… Và các phu nhân sẽ mặc trang phục áo dài tới dự các sự kiện do Đại sứ quán tổ chức… Những hoạt động giao lưu văn hóa đó làm cho quan hệ Việt Nam - Myanmar gần gũi hơn.
Cũng vì thế, các Bộ trưởng Myanmar cũng coi Việt Nam là bạn, coi Đại sứ Việt Nam như cô em gái… "Những điều đó sẽ tạo thuận lợi trong tất cả quan hệ, kết quả cụ thể nhất trong quan hệ 2 nước là chúng ta có những vấn đề trong ASEAN, trong đó có vấn đề Biển Đông, Myanmar là một trong số những nước ủng hộ, chia sẻ rất nhiều với Việt Nam trong thời gian qua"- Đại sứ Luận Thùy Dương phân tích.
Những người phụ nữ quyết định tất cả mọi điều
Đại sứ Luận Thùy Dương từng có những kỷ niệm sâu sắc trong nhiệm kỳ làm Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ (2010-2014).
Dù hai nước đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1995 nhưng đến khi bà sang Mỹ năm 2010, vẫn còn rất nhiều vấn đề khiến nhiệm kỳ này gặp rất nhiều khó khăn. Tại quốc hội, chính phủ Mỹ vẫn có những tuyên bố, nghị quyết chống lại các nước XHCN. Việc ngăn chặn những tuyên bố, nghị quyết này là rất khó, nhưng nhiệm vụ của các nhà ngoại giao là làm thế nào để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực.
Bà Luận Thùy Dương được giao làm việc với Quốc hội Mỹ, nơi ra các luật, dự luật, nghị quyết, là nơi tập hợp các lực lượng khác nhau. Các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ Mỹ khác biệt ở chỗ không đại diện cho đảng mà đại diện cho các cử tri. Trong đó có thể liên quan đến các lực lượng chống đối Việt Nam trong lòng nước Mỹ, như các cựu binh, việt kiều, ngoại kiều của các nước,… với nhiều vấn đề phức tạp.
Đại sứ Luận Thùy Dương cho biết Đại sứ quán đã tổ chức những đoàn đưa các nghị sĩ Mỹ sang Việt Nam, đi đến những nơi họ cho rằng có vấn đề dân chủ, nhân quyền. "Họ đã đi đến Tây Nguyên, đến huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình… Tất cả những nơi họ cho rằng có vấn đề dân chủ, nhân quyền, chúng tôi đã đưa họ đến đấy để họ thấy rằng những gì họ nghe được là không đúng"- Đại sứ cho biết.
Bên cạnh đó, để tránh tác động xấu của các nghị quyết, các dự luật ra không mong muốn, phải đấu tranh tận gốc, với người ký, người giới thiệu các dự luật ấy. Bà Luận Thùy Dương đã tìm ra một con đường, đó là làm thân với các thư ký nữ của các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ.
"Các thư ký nữ của các nghị sĩ, đó là những người phụ nữ có thể quyết định mọi điều. Có những lúc đoàn cấp cao của ta chuẩn bị sang thăm Mỹ, các lực lượng chống đối ở Mỹ sẵn sàng ra một nghị quyết, tuyên bố hoặc chống lại Việt Nam vào đúng thời điểm đoàn sang. Đó sẽ là một đòn đánh chính trị rất mạnh. Do đã có quan hệ từ trước nên tôi được "xì" thông tin từ quốc hội rằng ngày đấy họ sẽ ra các tuyên bố, nghị quyết, dự luật… này. Tôi cũng lại gặp những người phụ nữ ấy để tìm cách làm sao không ra các nghị quyết, tuyên bố vào thời điểm đoàn ta đang thăm. Sau khi đoàn về, việc ra nghị quyết, tuyên bố là không ngăn được, song điểm "quyết tử" là phải ngăn chặn sự cố khi đoàn đang thăm"- Đại sứ Luận Thùy Dương kể về những nỗ lực trong ngoại giao để quan hệ song phương không bị ảnh hưởng bởi những sự cố đáng tiếc.
Bình luận (0)