Thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng nay 31-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập vấn đề phải làm ngay để đất nước phát triển bền vững trong tương lai.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ phải có truyền thông hợp lý, hướng dẫn cụ thể mức sinh phù hợp cho các địa phương - Ảnh: Quochoi.vn
Mở đầu phát biểu, Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng chúng ta đã nghe những kiến nghị liên quan đến công việc 6 tháng cuối năm, 1 năm tới, 5 năm tới và có những việc chúng ta bàn hôm nay vì sự phát triển của đất nước cho đến giai đoạn 2030-2045. Do đó, ông xin đề cập một vấn đề để đất nước phát triển bền vững trong tương lai mà ngay bây giờ phải làm và thấy cần được quan tâm hơn.
"Quốc gia phát triển bền vững có thể nêu 5 yếu tố, bền vững về chính trị, bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội, bền vững về môi trường và cuối cùng là bền vững về lao động và dân số" - Bí thư Thành ủy TP HCM nói.
Đi vào phân tích bền vững về lao động và dân số, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu 2 người trưởng thành sinh được 2 người con thì khi 2 người này về hưu hoặc mất đi thì xã hội có 2 lao động thay thế đấy chính là công thức đơn giản, xã hội bền vững lao động là khi 2 lao động mất đi có người thay thế.
"Tỉ suất sinh đó nó hướng đến mức tỉ suất sinh thay thế" - ông nói. Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy là khi trẻ đến 20 tuổi thì có 1 trẻ bị mất do bị đau yếu trong quá trình, do vậy chỉ còn 19 trẻ.
Do đó, nếu 10 cặp vợ chồng sinh đúng 20 thì khi lớn lên chỉ còn đúng 19. Không đủ, nên họ khuyến cáo tỉ suất sinh là 10 người phải sinh được 21 cháu hay là tỉ suất sinh là 2,1 cháu trên 1 phụ nữ, tỉ suất này là tỉ suất sinh thay thế cho xã hội bền vững. "Điều này nói thì dễ nhưng làm không dễ" - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, do nhiều quốc gia không thành công trong việc duy trì mức sinh thay thế. Ví dụ, như Nhật Bản sau nhiều chục năm nỗ lực thì bây giờ mức sinh là 1,4 cháu trên 1 phụ nữ chứ không 2,1. Và theo dự báo trong vòng 50 năm tới thì dân số Nhật Bản giảm đi 40 triệu người, thiếu trầm trọng lao động, dư thừa năng lực về giao thông, trường học và bệnh viện và những quỹ an sinh xã hội, và bảo hiểm nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguyên nhân của tình trạng này là văn hóa lao động là trên hết nên gia đình, sinh con là phụ nên nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, một nửa thế kỷ làm việc liên tục nhiều giờ trong ngày, vấn đề gia đình, sinh con để sang một bên thì bây giờ giải quyết hết sức khó khăn.
Thứ hai, điều kiện xã hội người có con, y tế, học hành, nhà cửa không phù hợp nên người ta không muốn có con.
Thứ ba, khi có con dễ mất việc làm nên không sinh con. Đây là xu hướng của nhiều nước như Singapore và nhiều nước gặp khó khăn. Vì vậy, năm 2017, hội nghị Trung ương lần thứ VI đã có Nghị quyết số 21 về vấn đề công tác dân số trong tình hình mới.
"Đây là nghị quyết quan trọng và kịp thời trong đó xác định mục tiêu duy trì vững sinh thay thế của đất nước là 2,1 trẻ bình quân/phụ nữ. Nội dung trong tình hình mới, chúng ta giảm mức sinh từ 4,3 xuống 2,1 cháu/phụ nữ trong các năm qua"- Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho hay..
Theo vị lãnh đạo cao nhất của TP HCM, trong vòng khoảng 10 năm, Việt Nam là nước duy nhất duy trì được tỉ lệ này, nhưng chúng ta có nên giảm dưới 2,1 trẻ nữa không, kế hoạch cũ đến 2020 còn 1,8 trẻ bình quân/phụ nữ, mục tiêu như vậy không hợp lý nên nghị quyết Trung ương đã đề nghị thay đổi và đến 31-12-2017 Chính phủ có Nghị quyết số 37 về công tác dân số theo chỉ tiêu hàng đầu cũng là duy trì vững chắc sinh thay thế và coi dân số là 1 chỉ tiêu kinh tế xã hội vận động mỗi vợ chồng sinh đủ 2 con.
Nhưng nếu vận động như vậy là chưa đủ mục tiêu 2,1 trẻ bình quân/phụ nữ. Báo cáo thực tế đồng bằng sông Hồng mức sinh là 2,16 cháu/phụ nữ là tương đối ổn; Tây Bắc và vùng núi phía Bắc là 2,4 cháu/phụ nữ thì hơi cao; Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ 2,3 cháu/phụ nữ cũng hơi cao nhưng cũng đang cần thiết và Tây Nguyên 2,4 cháu/phụ nữ.
Vì sao? vì Đông Nam Bộ có 1,62 cháu/phụ nữ rất thiếu và Tây Nam Bộ có 1,8 cháu/phụ nữ, nên hiện nay tình hình chừng nào Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sinh quá thấp thì việc sinh trên 2 cháu có con thứ ba ở phần còn lại của đất nước là cần thiết vì bù lại mới có đất nước phát triển bền vững.
"Chúng tôi kiến nghị cần có chuyển đổi nhận thức để đất nước có 2,1 cháu thì phải có bộ phận sinh ba mới bù được, chúng ta làm phải có quy hoạch để không băn khoăn việc này" - ông nói.
Cuối cùng, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể mức sinh phù hợp cho các địa phương, không phải đâu cũng chỉ giảm, miền Nam không đạt thì miền Bắc còn bù, phải làm có tổ chức, kế hoạch.
"Với tinh thần đó, chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ triển khai, hướng dẫn và công tác truyền thông hợp lý để đến 2035-2045 đất nước ta 100 năm thì dân số và lao động vẫn bền vững" - ông bày tỏ.
Bình luận (0)