Đây được xem là "hội nghị Diên Hồng" đề ra quyết sách cho sự sống còn của ĐBSCL. Hôm nay (27-9) diễn ra phiên toàn thể dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ bàn về các quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển để ứng phó bền vững với biến đổi khí hậu đang diễn ra rất gay gắt.
Hạn, ngập mặn lịch sử ở ĐBSCL 2015-2016
Biến đổi khí hậu, hay là sự nóng lên toàn cầu, đang diễn ra nhanh hơn dự báo của các nhà khoa học. Nhiệt độ trên thế giới đã tăng thêm khoảng 0,7 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp và hiện đang tăng với tốc độ ngày càng cao. Mực nước biển cũng tăng thêm 5 cm trong vòng 15 năm qua. Các nhà khoa học cảnh báo mực nước biển có thể tăng thêm 1 m vào năm 2100. Khi đó các tỉnh ĐBSCL bị ngập sâu, như Hậu Giang ngập hơn 80%, Kiên Giang hơn 76%, Cà Mau gần 58%; thậm chí có những huyện ngập hơn 90% như An Biên (Kiên Giang) và Long Mỹ, Phụng Hiệp (Hậu Giang)…
Tính một cách rất đơn giản, 50 năm nữa, mực nước biển tăng 0,5 m, ĐBSCL sẽ rơi vào khủng hoảng toàn diện, nếu không có các quyết sách mang tính chiến lược ngay từ bây giờ.
Tham luận tại hội nghị này, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cũng cảnh báo tình trạng nêu trên và cho rằng cùng với thời tiết cực đoan, nhiều nơi ở ĐBSCL đã và sẽ bị sạt lở nghiêm trọng, khiến ĐBSCL ngày càng nguy cấp.
Đợt hạn mặn cuối năm 2015 đầu năm 2016 là lời cảnh báo điển hình, có địa phương nước mặn xâm lấn sâu vào nội đồng từ 40-60 km. Thiệt hại gây ra do đợt hạn mặn này rất lớn, đến nỗi một số tỉnh phải công bố tình trạng thiên tai.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - nói rằng: "Những ưu thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL sẽ thay đổi theo xu thế suy giảm tài nguyên nước, phù sa; sự gia tăng của nước mặn, nước lợ; sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái và môi trường, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống của người dân trong vùng".
Chính phủ rất quan tâm tới việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu khi đang hợp tác với Hà Lan để xây dựng một hình mẫu chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người và văn hóa trên cơ sở kết hợp khoa học và công nghệ cao với kế thừa tri thức bản địa, biến thách thức thành cơ hội.
Đó là hướng đi đúng. GS Võ Tòng Xuân cũng đã từng nêu ý kiến rằng nên biến thảm họa ngập mặn thành cơ hội để tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng bền vững cho cả đồng bằng sông Hồng. Ông nêu quan điểm "mặn là người bạn tốt" để người dân tổ chức sản xuất qua hệ thống "lúa - tôm, lúa - cá hay vườn cây ăn trái".
Rõ ràng ĐBSCL đang đứng trước thách thức nghiêm trọng nhưng trong thách thức ấy cũng có nhiều cơ hội. Nếu chúng ta xây dựng được chiến lược phát triển ĐBSCL một cách khoa học thì cơ hội sẽ nhiều hơn thách thức.
Bình luận (0)