Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành, tổ chức sáng 12-1, trong giai đoạn 2016-2020, ngành TT-TT đã đạt nhiều kết quả ấn tượng, góp phần nâng thứ hạng Việt Nam trên trường quốc tế.
Vượt qua nhiều cường quốc
Những kết quả đó là: Bưu chính tăng hạng từ thứ 57 lên thứ 49; ICT từ thứ 108 lên thứ 77; Chính phủ điện tử từ thứ 89 lên thứ 86. Đặc biệt, an toàn, an ninh mạng tăng hạng đột phá từ thứ 100 lên thứ 50.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam vươn lên thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông; đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc...
Đây cũng là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và 3 trong 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp ICT Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế. Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam công bố chính thức về định hướng phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số, chiến lược "Make in Vietnam".
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh chúng ta đang sống trong một giai đoạn đặc biệt của nhân loại, thế giới đang thay đổi nhanh, khó đoán định, phức tạp và mơ hồ. Nhân loại đang bước vào một không gian sống mới. Sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc di chuyển này, thách thức lớn và cơ hội lớn luôn song hành.
"Công nghệ số, chuyển đổi số (CĐS) và báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự chuyển đổi này" - Bộ trưởng nói và cho biết ngành TT-TT chưa bao giờ có sứ mệnh lớn như bây giờ. Đây cũng là cơ may hiếm có để ngành TT-TT định vị lại mình; nhìn rõ các thách thức và xác định đúng không gian sống mới đóng vai trò quyết định cho mọi sự phát triển.
Lễ ra mắt Trung tâm Xử lý tin giả Việt NamẢnh: Bình Minh
Khơi dậy khát vọng Việt Nam
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu, Việt Nam có những bước tiến rất ngoạn mục. Trong khi cả thế giới tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn tăng trưởng dương với mức 2,91%. Trong thành công đó có sự đóng góp của ngành TT-TT.
Nhớ lại 2 năm trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết chúng ta đã từng rất căng thẳng về tin xấu độc và sự lấn lượt của các công ty nước ngoài trên thị trường internet Việt Nam, nhưng nay đã cơ bản khống chế được những thông tin xấu, độc và một loạt các nền tảng ứng dụng của Việt Nam ra đời.
"Nếu khơi dậy được sự sáng tạo, sự quyết tâm, khát vọng thì chúng ta có thể làm được. Nếu chúng ta không thay đổi, không đổi mới mạnh mẽ hơn thì không chỉ không tận dụng được cơ hội mà sẽ tụt hậu, thậm chí nhiều ngành sẽ chết" - Phó Thủ tướng bày tỏ.
Dù biểu dương những kết quả của việc phát động "Make in Vietnam" nhưng Phó Thủ tướng khẳng định chúng ta còn cần phải làm mạnh hơn nữa, kỳ vọng 5 năm nữa trên bản đồ các nhà sản xuất viễn thông lớn nhất thế giới có Việt Nam.
Tại hội nghị, Bộ TT-TT đã ra mắt Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam. Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, cho biết năm 2021, Bộ TT-TT sẽ hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí CĐS, gồm: Quản lý tòa soạn điện tử; nắm bắt kịp thời xu hướng thông tin, dư luận xã hội; hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho các hệ thống thông tin của cơ quan báo chí.
Bộ TT-TT cũng khai trương Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả, ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108, góp phần làm lành mạnh không gian mạng.
Phát triển mang tính đột phá
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, CĐS là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng công nghệ thông tin nhưng là sự phát triển mang tính đột phá. Nếu lĩnh vực công nghiệp ICT vẫn là lắp ráp, gia công, làm thuê thì vẫn như cũ. Nếu công nghiệp ICT là "Make in Vietnam", là phát triển các DN công nghệ số Việt Nam, là làm chủ công nghệ, là thiết kế, là sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, là giải bài toán Việt Nam giúp Việt Nam phát triển và từ đây đi ra chinh phục thế giới, là biến Việt Nam thành quốc gia công nghệ, là tăng trưởng gấp 2-4 lần tăng trưởng GDP cả nước; là động lực, là lời giải đưa Việt Nam thành hùng cường thịnh vượng, trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045, thì lĩnh vực công nghiệp ICT đã nhận về mình một sứ mệnh hoàn toàn mới.
Bình luận (0)