Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây ra những tổn hại nghiêm trọng lên mọi mặt đời sống xã hội. TP HCM là nơi thực hiện giãn cách dài nhất, bị thiệt hại nặng nề nhất về người và nhiều thứ khác.
Lan tỏa tình người. Thảm họa của đại dịch lần này có thể nói là chưa từng có nhưng những nỗ lực để đẩy lùi đại dịch, vượt qua thương đau và khó khăn chồng chất đã tô đậm truyền thống kiên cường, tinh thần đại đoàn kết, tình yêu thương con người và những giá trị nhân văn.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê đến thăm và tặng quà các hộ gia đình khó khăn do dịch Covid-19 tại phường 5, quận 3, TP HCM. Ảnh: QUỐC THẮNG
Có thể nói trách nhiệm, tình thương, những nghĩa cử cao quý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các chiến sĩ lực lượng vũ trang - những người thực thi công vụ - cùng đội ngũ doanh nhân, các tầng lớp, các dân tộc, tôn giáo, các giới đồng bào trong nước, ngoài nước được thể hiện sinh động qua bức tranh đầy sắc màu về sự kề vai sát cánh cùng TP HCM chống dịch. Tất cả đã làm cho không gian trầm lặng của TP HCM trong những ngày giãn cách bớt khắc nghiệt, bức bối, như tiếp thêm năng lượng, thêm nguồn ôxy và cả điều kỳ diệu… làm cho nhịp sống và sự phục hồi tăng nhanh trở lại.
Dịch Covid-19 với biến thể Delta lan nhanh, trong thời gian ngắn đã ăn sâu vào ngóc ngách, ngõ hẻm, nhất là các khu nhà trọ - nơi tập trung đông người - làm cho hệ thống y tế TP HCM (trong điều kiện bình thường là rất mạnh, có thể điều trị cho bệnh nhân trong vùng và một số nước trong khu vực) rơi vào tình trạng quá tải. Ngành y tế TP HCM đã trải qua những tháng ngày khốc liệt. Các "chiến binh" áo trắng phải làm việc cật lực, có lúc 200% - 300% công suất trong lằn ranh sinh tử.
Nhờ sự chỉ đạo, điều hành của Trung ương, Chính phủ, sự chi viện kịp thời của các bộ, ngành, nhất là của đội ngũ y - bác sĩ cả nước, của lực lượng quân y nên tình hình sớm được cải thiện. Với 16 bệnh viện dã chiến, hơn 500 trạm y tế lưu động được thành lập cùng hệ thống các "pháo đài" chống dịch được củng cố tại phường/xã nên dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Các "chiến sĩ áo trắng" từ khắp nơi đã cùng tham gia chữa trị, thực hiện xét nghiệm diện rộng và triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin thần tốc. Hơn 80.000 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có gần 25.000 nhân viên y tế đến từ khắp nơi trên cả nước đã cùng chung sức trong cuộc chiến này. Khi kết thúc đợt công tác, nhiều người cho rằng đã trưởng thành lên rất nhiều về bản lĩnh và khả năng điều trị bệnh. Có người còn nói mấy tháng của đợt dịch lần thứ 4 như có được kinh nghiệm bằng cả đời làm bác sĩ.
Lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ, với hàng trăm ngàn chiến sĩ đã cùng sát cánh nơi tuyến đầu chống dịch tại TP HCM và để lại ấn tượng đẹp về tinh thần, thái độ phục vụ, quân phong, quân kỷ và sự tận tụy với công việc. Vì lợi ích của nhân dân, lực lượng vũ trang đã xung trận thực hiện những nhiệm vụ: tổ chức chốt kiểm soát, tuần tra, tổ chức các tổ xét nghiệm, tiêm vắc-xin, tổ quân y tư vấn, điều trị F0, cùng cán bộ phường/xã lo việc bảo đảm an sinh cho 10 triệu dân - vận chuyển hàng thiết yếu, "đi chợ giúp dân" và đảm nhận việc xử lý tử thi, tro cốt bệnh nhân Covid-19… Nhiệm vụ nào cũng thể hiện trách nhiệm và tấm lòng người lính.
Bài học về lòng dân. Dịch bệnh đã cướp đi hàng chục bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế, chiến sĩ lực lượng vũ trang, lực lượng tuyến đầu, tình nguyện viên, cán bộ cơ sở trong khi làm nhiệm vụ. Dịch bệnh đã cướp đi hơn 17.000 người dân sinh sống và làm việc tại TP HCM là tổn thất nặng nề và chưa từng có. Nỗi đau không cứu nổi đồng bào, người thân là nỗi day dứt không nguôi của những người có trách nhiệm và của những người thân.
Trong cuộc chiến sinh tử với đại dịch, sự ưu việt của chế độ, của một nhà nước lo cho dân đã được thể hiện rõ nét. Bao nhiêu thời gian, công sức, nhân tài, vật lực dành cho phòng chống dịch. Riêng TP HCM có khoảng 10 triệu lượt người nhận hỗ trợ với số tiền khoảng 12.000 tỉ đồng.
Trong cuộc chiến sinh tử với đại dịch, TP HCM đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của đồng bào cả nước, của kiều bào ở nước ngoài, của các tổ chức quốc tế. Đó là nguồn lực vật chất, là nguồn động viên tinh thần to lớn. Lãnh đạo TP HCM đã thay mặt người dân cảm ơn tất cả những nghĩa cử cao đẹp, những ân tình sâu nặng ấy.
Nhiều bài học sâu sắc có được qua đại dịch. Bài học về lòng dân, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết luôn là bài học lớn, có giá trị thiêng liêng. Xả thân, dâng hiến vì cộng đồng luôn là hình ảnh cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ và của con người Việt Nam. Cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, trong đó vai trò chỉ đạo điều hành của Đảng bộ, chính quyền TP HCM thể hiện sự gắn bó, sâu sát với cơ sở, cầu thị lắng nghe… là bài học có ý nghĩa trong chỉ đạo thực tiễn.
Để thích ứng an toàn với dịch bệnh cần có sự chủ động, dự báo với tinh thần "chuẩn bị trước một bước, trên một mức". Cùng với tiếp tục thực hiện 5K + vắc-xin và những giải pháp hiệu quả với việc nâng cao ý thức tự bảo vệ mình và cộng đồng của toàn thể người dân.
Với những chỉ báo của đại dịch đòi hỏi chúng ta phải thay đổi nhiều trong tư duy và hành động từ lãnh đạo cho tới người dân để phát triển bền vững. Sự chung sức đồng lòng, năng động, sáng tạo là sức mạnh giúp TP HCM vượt qua gian khó, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước.
Huy động sức dân chăm lo cho dân
Hơn 2,4 triệu túi an sinh xã hội đã được MTTQ TP HCM chuyển đến những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn cùng các gói hỗ trợ của nhà nước. "Quỹ vắc-xin ngừa Covid-19" tiếp nhận hơn 315 tỉ đồng và 2.700 tỉ đồng giá trị vật tư y tế; gần 25.000 tổ Covid-19 cộng đồng đã gắn bó sớm hôm với các hộ gia đình, kịp thời phát hiện các trường hợp cần hỗ trợ bằng việc làm thiết thực, giúp giảm tải cho chính quyền cơ sở…
Bình luận (0)