Mời bạn cùng chúng tôi ra Huế mùa xuân này. Cánh cửa bí mật ấy nằm ngay trên sân Thế Miếu trong Thành Nội, nơi đặt 9 chiếc đỉnh bằng đồng khổng lồ uy nghi, tên gọi kính trọng là Cửu Đỉnh.
Sông biển bao la, tàu chiến oai hùng
Tổng cộng có đến 153 hình chạm khắc đầy sống động, miêu tả đất trời. Điều chú ý đầu tiên, sông và biển là đề tài chạm khắc nhiều nhất trên Cửu Đỉnh. Có 27 hình khắc diễn tả các đại dương và cửa biển, các dòng sông và những kênh đào. Số lượng vượt trội này cho thấy tiền nhân rất tự hào về giá trị và thế mạnh của một quốc gia sông biển, trải dài từ Bắc chí Nam. Bạn không khỏi rưng rưng khi thấy trên Tuyên Đỉnh có hình khắc dòng sông Hồng - con sông Cái - nơi người Việt dựng nước từ hàng ngàn năm trước. Kế đến, trên Nghị Đỉnh là dòng sông Bạch Đằng đã đi vào sử sách với ba trận thủy chiến lừng lẫy, đánh bại quân ngoại xâm. Và kìa, không phải ngẫu nhiên, trên chiếc đỉnh lớn nhất, đặt ở vị trí trung tâm, gọi tên là Cao Đỉnh, có ba hình khắc Đông Hải, Ngưu Chữ Giang và Vĩnh Tế Hà!
Toàn cảnh Thế Miếu và Cửu Đỉnh
Hình khắc Đa Sách Thuyền và Khổng Tước Gò Công
Đông Hải là danh xưng mới để chỉ đại dương bao la phía Đông Việt Nam, thay vì Nam Hải - tên gọi từ thời nhà Lê về trước, để chỉ vùng biển nằm ở phía Nam Trung Hoa. Còn Ngưu Chữ Giang chính là dòng sông Bến Nghé, còn gọi là sông Sài Gòn, nơi người Việt chinh phục vào thế kỷ XVII. Trong khi ấy, Vĩnh Tế Hà là kênh Vĩnh Tế do Thoại Ngọc Hầu cùng dân quân đồng bằng sông Cửu Long xây đắp để bảo vệ biên giới Tây Nam, cách đây 200 năm. Cả ba hình khắc đều là đường nét tượng trưng nhưng rất sắc sảo, diễn tả đầy đủ chi tiết mây trời, sóng nước và dải đất hùng vĩ.
Một hình ảnh tiêu biểu khác của đất Sài Gòn được khắc trên Thuần Đỉnh là Cần Giờ Hải Khẩu Bức hình khắc phác họa dòng nước cuộn sóng mạnh mẽ, luồn vào nhiều ngả. Không đâu khác, đấy chính là hình ảnh của Thất Kỳ Giang - Ngã Bảy sông hiểm yếu của cửa biển Cần Giờ. Tại đây, nhà Nguyễn đã cho xây đồn và pháo đài lớn, gọi là Bảo Tấn Cần Giờ, trấn giữ cửa vào sông Lòng Tàu. Cùng lúc, còn có Bảo Tấn Soi Rạp (sông Xoài Rạp) và Tấn Đồng Ninh (sông Đồng Tranh) canh gác các ngả sông kế cận. Rất mong mai này, hình khắc Cần Giờ Hải Khẩu được tái tạo làm logo cho huyện Cần Giờ của TP HCM!
Đồng hành với sông biển, trên cả 9 chiếc đỉnh đều có hình các loại tàu thuyền viễn dương và gần bờ thời ấy. Nhìn hình khắc, chúng tôi nhớ đến các chiến thuyền theo hình mẫu "Tây dương" đầu tiên đã được đóng trên đất Sài Gòn. Năm 1790, đích thân nhà vua trẻ Nguyễn Ánh chỉ huy xây dựng Thủy Xưởng Chu Sư ở ngã ba sông Bến Nghé và rạch Thị Nghè của Sài Gòn. Ba mươi năm sau, khi đến thăm Thủy Xưởng, thuyền trưởng Mỹ John White chứng kiến nhiều chiến thuyền to lớn ra đời tại đây. Trong hồi ký của mình, John White ca ngợi chất liệu gỗ tuyệt hảo cũng như tài năng đóng tàu của người Việt Nam mà ông gọi một cách thán phục là các "Naval Architect" - nhà kiến trúc hải quân. Sau này, vào thời hiện đại, Thủy Xưởng được biến cải thành Nhà máy Đóng tàu Ba Son nổi tiếng Đông Nam Á.
Giang sơn cẩm tú, muôn vật tốt tươi
Cửu Đỉnh đưa ta thưởng ngoạn từ sông biển đến núi cao và đồng bằng trên cả ba miền đất nước. Trên các đỉnh có khắc chín ngọn núi lớn đều là núi thiêng, đồng thời vẫn là thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam cho đến tận bây giờ. Chẳng hạn núi Tản Viên - vùng Tam Đảo, ở miền Bắc; ẩn chứa sự tích Sơn Tinh - Thủy Tinh và Hải Vân - "đệ nhất hùng quan" ở miền Trung. Cửu Đỉnh còn có hình khắc tôn vinh các loại cây trái là thực phẩm và cũng là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ bao đời nay. Dẫn đầu là lúa canh (gạo tẻ) và lúa nhu (gạo nếp), tuy chúng có hình ảnh đơn sơ nhưng lại là sản vật quý báu, ra với thế giới rất sớm.
Ngoài lúa gạo, Cửu Đỉnh khắc hình nhiều loại nông sản đặc sắc của nước Việt như đậu khấu, địa đậu (đậu phộng), thông (hành), toán (tỏi), uất kim (nghệ), tử tô (tía tô), ba la mật (mít), súc sa mật (sa nhân), lệ chi (vải)… Rất lý thú, ba đặc sản riêng của Gia Định và Nam Bộ đã được tuyển chọn đưa lên Cửu Đỉnh là am la (xoài), nam trân (lòn bon) và miên (cây gòn). Trong đó, cây gòn là khởi thủy của tên gọi Sài Gòn thân thương!
Bên cạnh rau trái thơm thảo, Cửu Đỉnh giới thiệu với ta nhiều loại hoa kiều diễm như hải đường, trân châu (hoa hòe), mai khôi (hoa hồng), quỳ hoa (hoa dã quỳ) và liên hoa (hoa sen). Đặc biệt, các loại thảo mộc lâu năm và quý hiếm như trầm hương, kỳ nam, quế, sâm và các loại gỗ thượng hạng như thiết mộc (gỗ lim), nam mộc (gỗ sao), tất mộc (cây sơn), tùng (gỗ thông) và bách (trắc bá diệp).
Trên Cửu Đỉnh, ta tìm thấy hình khắc của nhiều sinh vật ngày nay thuộc vào loại "sách Đỏ" như tê giác, voi, cọp, beo, bò tót, cá voi, mãng xà. Ngoài ra, có các loài riêng biệt của đất phương Nam như khổng tước (những con chim công nổi tiếng làm nên tên vùng Gò Công), ngạc ngư (cá sấu Gia Định)…
Trách nhiệm gìn giữ và duy tân đất nước
Ngày trước, khu vực Thế Miếu và Cửu Đỉnh chỉ dành cho các vua đương nhiệm và hoàng tộc nhà Nguyễn vào bái vọng tổ tiên. Ngày nay, con cháu nước Việt đến đây không chỉ chiêm ngưỡng một kỳ quan về nghệ thuật và văn hóa, mà Cửu Đỉnh trở thành một trong những nơi tưởng nhớ công lao của đời đời thế hệ tiền nhân khai phá và vun đắp nên nước Việt!
Qua đấy, những hình ảnh tiêu biểu của Sài Gòn và đất phương Nam xưa trên Cửu Đỉnh còn là món quà bất ngờ cho du khách đến từ miền đất trù phú và trẻ trung của Tổ quốc. Nhất là khi mùa du lịch đã hồi phục tươi vui, sau những ngày đại dịch Covid-19 u ám, tất cả chúng ta càng thích thú ngắm xem Sài Gòn và nước Việt xưa giàu đẹp như thế nào thì hẳn càng cảm nhận sâu nặng trách nhiệm gìn giữ và duy tân đất nước.
Bình luận (0)