Ngày 21-12, đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã có buổi làm việc với UBND huyện Bình Chánh giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bành TP HCM kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.
Nhiều bất cập về quy hoạch
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn huyện trong những năm qua tăng tương đối nhanh, dân số tăng khoảng 30.000 người/năm. Do đó, cần sớm xem xét, điều chỉnh lại cơ cấu sử dụng đất và chức năng sử dụng đất tại các khu vực còn bất cập để phù hợp với thực tiễn phát triển đô thị huyện Bình Chánh và định hướng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố trong thời gian tới.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã có buổi làm việc với UBND huyện Bình Chánh vào ngày 21-12
Bên cạnh đó, hầu hết đồ án quy hoạch chi tiết đều được xây dựng từ năm 2013 trở về trước, thậm chí một số đồ án đã được kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt từ năm 1997, đã bộc lộ nhiều bất cập về định hướng không gian kiến trúc, về bố trí chỉ tiêu dân số cho từng đồ án. Những đồ án này không còn phù hợp để thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, chưa tạo sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện các quyền của người dân.
Nêu ý kiến tại buổi giám sát, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng quy hoạch của huyện lạc hậu so với phát triển chung của thành phố. Ngoài ra, các quy hoạch còn chồng chéo, xung đột; thực hiện quy hoạch chậm… Điều này khiến người dân và cả doanh nghiệp cùng chờ và "cùng khổ". Những tồn tại trên dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép, người dân nhập cư mua nhà, đất không hợp pháp của các "đầu nậu". Những vấn đề trên có trách nhiệm của nhiều bên liên quan và phải cùng nhau giải quyết.
Tại buổi giám sát, các đại biểu, thành viên đoàn cũng đề cập vấn đề xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bởi đây được xem lại lời giải bài toán chỗ ở và phát triển khu công nghiệp trên địa bàn huyện.
Đất rộng, dân đông nhưng chưa phát triển
Hồi đáp ý kiến các đại biểu, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đào Gia Vượng cho biết trước đây có những khu đất chưa biết làm gì nên huyện Bình Chánh để chức năng đất hỗn hợp. Người dân cũng bức xúc vì nguồn lực thực hiện các quy hoạch còn hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng. Do đó, thời gian tới, huyện sẽ xem xét giải quyết cho người dân có nhu cầu trước mắt.
Ông Đào Gia Vượng cũng thẳng thắn nhìn nhận sau bao nhiêu năm, Bình Chánh không phát triển như mong muốn. Các vùng lân cận như quận Bình Tân, quận 7 sử dụng đất hiệu quả, thu ngân sách cao. Trong khi đó, Bình Chánh đất rộng, dân đông nhưng sử dụng đất không hiệu quả, thu ngân sách từ đất thấp hơn. Để trở thành quận hoặc thành phố, Bình Chánh cần hoàn thành danh mục 583 dự án thực hiện trong 5-10 năm tới, với nguồn vốn khoảng 50.000 tỉ đồng. Huyện sẽ báo cáo lên thành phố để xin phê duyệt đầu tư, những dự án còn lại Bình Chánh sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư" - ông Đào Gia Vượng nói.
Kết luận buổi giám sát, ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cho biết sẽ ghi nhận tất cả kiến nghị của huyện Bình Chánh và thống nhất với các nội dung trọng tâm về sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch chung. Ông đề nghị huyện Bình Chánh tập trung làm theo định hướng xây dựng vùng Bình Chánh là nét đột phá, đi tiên phong xây dựng mô hình huyện lên thành phố.
Phát triển không gian ngầm khu trung tâm
Chiều cùng ngày, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tiếp tục giám sát nội dung trên tại UBND quận 1.
Về quy hoạch không gian ngầm tại khu vực trung tâm thành phố, ông Phan Văn Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch khu trung tâm (Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố), cho biết sở này vừa tham mưu cho UBND thành phố tổ chức thi ý tưởng không gian ngầm khu 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trên cơ sở đó, lấy ý tưởng tại cuộc thi này cập nhật vào nội dung không gian ngầm khi điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040 và tầm nhìn 2060. Dự kiến cuối quý I/2022 sẽ hoàn thành cuộc thi ý tưởng quy hoạch không gian ngầm khu vực trung tâm.
Xây nhà ở xã hội, khu lưu trú công nhân
Sáng 21-12, HĐND TP Thủ Đức khóa I, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ ba.
Tại kỳ họp, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho hay hiện nay TP Thủ Đức đang triển khai xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 1, đã khởi công và đang thực hiện xây dựng dự án nhà ở xã hội tại phường Long Trường do Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành đầu tư với diện tích 1,43 ha, số lượng 726 căn hộ. TP Thủ Đức đã có văn bản xin chủ trương UBND TP HCM dự kiến quy hoạch xây dựng các khu nhà lưu trú công nhân tại 3 vị trí gần Khu Công nghệ cao. UBND TP Thủ Đức trình HĐND TP Thủ Đức xem xét quyết định chủ trương đầu tư 43 dự án với tổng mức đầu tư là 279,829 tỉ đồng. Đây là các dự án cấp bách cần sớm triển khai thực hiện để chống ngập, cải tạo các cơ sở bị ảnh hưởng.
S.Hưng
Bình luận (0)