Sáng 5-11, ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - đã chủ trì hội nghị đánh giá tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong thời gian qua và triển khai phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Theo Ban ATGT tỉnh Bình Dương, trong 10 tháng của năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 1.103 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 226 người, bị thương 1.139 người, hư hỏng 2.020 phương tiện. Số vụ và số người bị thương giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng số người chết tăng 15 người. Trong đó có 4 địa phương, gồm TP Dĩ An, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên có số vụ TNGT tăng.
Thượng tá Trương Minh Cảnh, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Bình Dương, cho biết tình hình TNGT trên địa bàn trong thời gian qua rất đáng báo động, có ngày diễn ra 3 vụ khiến đến 5 người chết. Nguyên nhân do thời gian qua, lưu lượng phương tiện lưu thông qua các tuyến đường trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Hầu hết các phương tiện có tải trọng lớn, xe khách đi từ các tỉnh Tây Nguyên, Long An, Bình Phước về TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh miền Tây và ngược lại đều đi qua các tuyến đường trên địa bàn tỉnh để tránh trạm thu phí, rút ngắn thời gian thông qua Tỉnh lộ 8 (nối Long An - TP HCM - Bình Dương), Huỳnh Văn Cù (TP Thủ Dầu Một), N2 (Mỹ Phước, Bến Cát)…
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An, chỉ ra các nguyên nhân: tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, các bãi container tự phát, phân luồng giao thông, biển báo chưa hợp lý. Riêng tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn xuống cấp, mặt đường bị bong tróc, vạch sơn mòn, đường bị lún đã dẫn đến nhiều vụ TNGT. Tuyến ĐT 743 đang thi công tạo nên sự ngổn ngang, khói bụi đã trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ TNGT chết người…
Nhằm kéo giảm TNGT trên địa bàn, ông Lê Thành Tài, Chủ tịch UBND TP Dĩ An, đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; đồng thời, kiến nghị Tổng Công ty Becamex Bình Dương đẩy nhanh tiến độ dự án ĐT 743; tiến hành nâng cấp, sửa chữa mặt đường tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, lắp đèn tín hiệu tại một số điểm, tu sửa tuyến Quốc lộ 1K. Về lâu dài, nghiên cứu thông tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn hướng về tỉnh Đồng Nai), cho mở một số tuyến đường. Ngoài ra, kiến nghị với trung ương để địa phương tiếp nhận đoạn đường dẫn lên cầu Đồng Nai nhằm thuận tiện trong việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật với một số tuyến đường trong khu làng ĐHQG TP HCM và một số khu vực lân cận; xây dựng hầm chui, đường kết nối với đường Phạm Văn Đồng của TP HCM…
Bên cạnh những giải pháp trên, đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, đề xuất tính toán đến việc đầu tư trung tâm chỉ huy giám sát giao thông, tăng cường xử lý qua hình ảnh…
Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Hoàng Thao yêu cầu các đơn vị phải nghiên cứu các giải pháp để kéo giảm TNGT, ùn tắc giao thông. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương sắp xếp lại biển báo, phân luồng giao thông hợp lý. Công an tỉnh xây dựng kế hoạch đề án phối hợp với các đơn vị để tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh để có cơ chế tài chính hoạt động. Hằng ngày, Ban ATGT tỉnh phải báo cáo tình hình cụ thể TNGT diễn ra trên địa bàn để có hướng giải quyết, điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, các cơ quan chức năng nghiên cứu, sắp xếp lại khung giờ lưu thông của các container vừa thuận tiện cho doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm ATGT cho người dân.
Ông Nguyễn Hoàng Thao cũng yêu cầu chủ đầu tư các dự án BOT trên địa bàn phải xả trạm khi cần thiết để các phương tiện lưu thông, không để ùn tắc cục bộ, kéo dài.
Bình luận (0)