Theo kế hoạch, sáng 27-11, hàng loạt chính khách, nhà khoa học, doanh nghiệp sẽ tham dự phiên hội nghị toàn thể về các mô hình quốc tế và định hướng chiến lược tiếp theo cho TP thông minh Bình Dương. Phiên hội nghị này nằm trong Hội nghị TP thông minh Bình Dương lần 2, diễn ra từ ngày 25 đến 27-11, do UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Lãnh sự quán Hà Lan tổ chức. Đây là dịp để Bình Dương chia sẻ kế hoạch xây dựng TP thông minh và nghe các chuyên gia quốc tế đánh giá, góp ý.
"Thông minh" sau 4 năm
Được sự tư vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia đến từ TP Eindhoven (một trong những TP thông minh nhất thế giới thuộc Hà Lan), Bình Dương đã xây dựng "Đề án TP thông minh Bình Dương". Đề án này được UBND tỉnh phê duyệt cuối năm 2016. Đáng lưu ý, Bình Dương đặt ra khát vọng đến năm 2021 (tức 4 năm sau) sẽ được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) công nhận là một trong 21 "vùng thông minh nhất thế giới".
"Đó là một khát vọng đẹp nhưng liệu có quá sức đối với Bình Dương hay không?" - phóng viên Báo Người Lao Động đặt vấn đề. Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng Ban Điều hành "Đề án TP thông minh Bình Dương" - khẳng định: "Tỉnh có cơ sở khi đề ra khát vọng đó! ICF xem xét một địa phương có thuộc vùng thông minh hay không dựa trên 6 tiêu chí - lĩnh vực gồm: Băng thông rộng, số lượng lao động trí thức, mức độ đổi mới, mức độ bình đẳng của các công dân địa phương khi tiếp cận công nghệ số, phát triển bền vững (môi trường, nguồn nước tốt, ít xâm hại tài nguyên...), mức độ tham gia, ủng hộ của công dân với chính quyền trong việc chung tay xây dựng một tương lai tốt đẹp. Những tiêu chí này phù hợp với đề án TP thông minh mà Bình Dương đang triển khai".
Bình Dương đặt mục tiêu 4 năm sau sẽ vào top "21 vùng thông minh nhất thế giới" Ảnh: TRẦN TÌNH
Về nền tảng để Bình Dương có thể "thông minh nhanh", ông Dũng cho rằng Bình Dương là tỉnh năng động nhất nước, thu hút đầu tư ngày càng nhiều. Chưa hết năm 2017 nhưng 25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Điển hình, thu ngân sách đạt hơn 102%, thu hút đầu tư nước ngoài đặt chỉ tiêu 1,5 tỉ USD mà đến giờ đã 2,2 tỉ USD. Ông Dũng chỉ ra một loạt lợi thế khác như tỉnh có nguồn lao động trẻ dồi dào, gần TP HCM - nơi có nguồn lao động tri thức cao, gần sân bay, cảng biển. "Đặc biệt, Bình Dương nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ TP Eindhoven trong việc xây dựng đề án TP thông minh, xây dựng các phòng thí nghiệm tại các trường đại học với những trang thiết bị hiện đại. Lợi thế này kết hợp với các yếu tố khác là nền tảng tốt để Bình Dương xây dựng TP thông minh" - ông Dũng nói.
Đánh giá về khẳng định của ông Dũng, ông Peter Portheine (đại diện Tập đoàn Brainport của Hà Lan, một trong những chuyên gia hàng đầu về xây dựng TP thông minh) nói hoàn toàn tin tưởng. Ông Peter Portheine dẫn chứng kể từ khi có chiến lược đúng đắn, TP Eindhoven cũng chỉ mất khoảng 5 năm để trở thành một trong những TP thông minh nhất thế giới. Theo ông Peter Portheine, xuất phát điểm của TP Eindhoven tệ hơn Bình Dương hiện tại. "Lúc đó, kinh tế chúng tôi xuống đáy. Thất nghiệp tràn lan, thu hút đầu tư rất thấp chứ không như Bình Dương bây giờ. Vì vậy, Bình Dương đặt mục tiêu 4 năm sau được công nhận TP thông minh là khả thi. Nếu so sánh hiện trạng Bình Dương với các chỉ tiêu về "vùng thông minh" mà ICF đưa ra thì Bình Dương đang ở mức trung bình, vừa phải. Hy vọng sau 4 năm, Bình Dương sẽ đạt được hết các chỉ tiêu ICF" - ông Peter Portheine nói.
Hàng loạt đòn bẩy
Theo ông Mai Hùng Dũng, Bình Dương có cách làm riêng của mình. Ông chia sẻ: "Khác với cách tiếp cận thông thường về TP thông minh: Thuần túy tập trung vào việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến để giải quyết các vấn đề riêng lẻ như giao thông, chính phủ điện tử... Bình Dương nhấn mạnh tầm nhìn đột phá, đổi mới toàn diện, trong đó con người là trọng tâm. Đối với Bình Dương, TP thông minh có thể được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo kết nối, trong đó tất cả các thành tố đều liên tục cải tiến và tối ưu hóa không ngừng. Chúng tôi không có điểm dừng trong con đường xây dựng TP thông minh".
Vậy trên "đại lộ thông minh" ấy, Bình Dương đã đặt những bước chân đầu tiên như thế nào? Ông Dũng cho biết Bình Dương đang học tập, ứng dụng mô hình được xem là chìa khóa thành công của TP Eindhoven, đó là mô hình "ba nhà". Mô hình này tạo cơ chế hợp tác khăng khít và linh động giữa nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học, viện trường. Tỉnh cũng đã hoàn thành bộ tài liệu theo cách tiếp cận của Eidhoven, gọi là "Bình Dương Navigator 2021". Đây là chương đột phá chiến lược kinh tế - xã hội của tỉnh với gần 50 hành động cụ thể liên quan đến phát triển 4 lĩnh vực: con người, công nghệ, doanh nghiệp, các yếu tố nền tảng.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Becamex IDC (doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương) - cho biết Becamex đang tập trung đầu tư xây dựng một khu công nghiệp khoa học - công nghệ để phục vụ cho các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, các cơ quan, ban, ngành, viện, trường đại học, nhiều công ty, tập đoàn tại Bình Dương đã đưa các chương trình nội dung thuộc đề án TP thông minh vào kế hoạch hành động của đơn vị. "Rất nhiều dự án đã đồng loạt triển khai từ giáo dục, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp cho đến hiện đại hóa đô thị, quy hoạch khu công nghiệp khoa học - công nghệ, đột phá trong quy hoạch giao thông thông minh..." - ông Dũng thông tin và nhấn mạnh thêm rằng Sở Khoa học - Công nghệ đã xây dựng đề án "Không gian sáng tạo mở và hỗ trợ khởi nghiệp". Đề án này đã được UBND tỉnh phê duyệt và đang lựa chọn địa điểm để thành lập. Trường ĐH Quốc tế Miền Đông cũng đã xây dựng Vườn ươm doanh nghiệp. Trường ĐH Thủ Dầu Một thành lập CLB Khởi nghiệp. "Những cái này tôi cho là bước đầu nhưng rất quan trọng" - ông Dũng khẳng định.
Thành phố đáng sống!
UBND tỉnh Bình Dương cho biết 3 đối tượng chính được phục vụ trong TP thông minh là chính quyền - doanh nghiệp - người dân.
Người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, thăng tiến, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội... Đối với doanh nghiệp là môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Đột phá đối với chính quyền là giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, tạo niềm tin nơi chính quyền, bảo đảm phát triển TP bền vững, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí cho người dân.
Ông Dũng nói muốn được thế giới công nhận là TP thông minh thì phải đạt được nhiều tiêu chí. Tuy nhiên, ông gút lại: "Tiêu chí gì thì tiêu chí, rốt cuộc cũng là làm sao cho phát triển kinh tế với tốc độ nhanh hơn, người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn, điều kiện học hành tốt hơn".
Nhiều đối tác quốc tế hỗ trợ
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết Bình Dương luôn ý thức tạo hình ảnh, thương hiệu tốt trong mắt đối tác quốc tế. Đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã liên kết được với hàng loạt đối tác quốc tế để cùng xây dựng TP thông minh Bình Dương.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và lãnh đạo TP Eindhoven ký kết ghi nhớ quan hệ hợp tác vào đầu năm 2015 Ảnh: NHƯ PHÚ
Về mặt "nhà nước" thì có chính quyền TP Eindhoven và tỉnh Emilia-Romagna (của Ý), tổ chức ICF với hơn 160 TP thông minh trên thế giới… Về mặt "nhà doanh nghiệp" có Tập đoàn Philips, Bosch, NXP…Về mặt nhà khoa học, viện trường thì Bình Dương nhận được sự hỗ trợ từ ĐH Portland State University (Mỹ); ĐH Chunghua, Viện Quốc gia ITRI (Đài Loan); Viện Fraunhofer (Đức); ĐH Kỹ thuật Eindhoven (Hà Lan)…
Bình luận (0)