Cây rừng ngã xuống ở Khu BTTN Tà Cú
Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị lực lượng công an lập chuyên án tập trung đấu tranh phòng, chống tình trạng phá rừng, hủy hoại cây rừng bằng hóa chất tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Cú để điều tra xử lý nghiêm minh đối tượng vi phạm. Đặc biệt xem xét đưa ra xét xử những vụ án điểm tại những khu vực có tình hình phức tạp để nâng cao tính răn đe, tạo tác dụng ngăn ngừa chung trong xã hội. Công văn cũng yêu cầu đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý Khu BTTN Tà Cú tăng cường phối hợp lực lượng kiểm lâm xác định, phân loại rõ từng đối tượng để quản lý, yêu cầu các hộ dân đang canh tác ven rừng ký cam kết không cơi nới, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp bám rừng để quản lý, bảo vệ có hiệu quả, phù hợp với tình hình, tính chất hoạt động của các đối tượng phá rừng nhằm xử lý, khắc phục tốt nhất tình trạng vi phạm xảy ra nhưng không bắt được quả tang; chú ý có phương án tổ chức lực lượng tuần tra rừng, mai phục ban đêm tại các khu vực có nguy cơ cao hoặc bị phá nhưng chưa xác định được đối tượng.
... và các trụ thanh long mọc lên
Trước đó, như báo Người Lao động phản ánh, cuối tháng 4-2020, Ban Quản lý Khu BTTN Tà Cú ghi nhận 2 vụ phá rừng do đơn vị này quản lý, trong đó có tình trạng đầu độc cây để chiếm đất sản xuất tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam. Vụ thứ nhất xảy ra vào tháng 1, tại khoảnh 5, Tiểu khu 302a, với diện tích rừng bị phá hơn 3.200 m². Trong đó có gần 100 cây rừng bị khoan vào thân cây, sau đó dùng thuốc diệt cỏ đổ vào cho cây chết. Nhiều gốc cây có đường kính từ 15 - 30 cm chết khô, thân cây có dấu khoan. Vụ thứ 2 xảy ra tại khoảnh 3, Tiểu khu 305a. Khu vực này có 29 gốc cây to chết khô do đầu độc. Trong năm 2019, Ban Quản lý Khu BTTN Tà Cú ghi nhận 41 trường hợp trồng thanh long, xây nhà trong khu bảo tồn với diện tích 24,5 ha. Hành vi đầu độc cây rừng để lấy đất sản xuất tại đây đã xảy ra từ 3 năm qua.
Khu BTTN Tà Cú là rừng đặc dụng của tỉnh Bình Thuận, thuộc diện được bảo vệ nghiêm ngặt, diện tích khoảng 10.000 ha, có thảm thực vật đa dạng cùng nhiều loại động vật hiếm, nhưng nay đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Bình luận (0)