Theo TS Nguyễn Hữu Hiểu, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - Kiểm toán Nhà nước, cùng với hình thức đầu tư xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), BT là hình thức đầu tư cơ bản của hoạt động hợp tác công - tư (PPP).
Khoảng trống lớn về pháp lý
GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng" được coi là sáng kiến của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ nửa đầu những năm 1990, sau đó nhiều địa phương đã đua nhau áp dụng.
"Độ mù mờ về giá trị quy định trong những văn bản pháp lý ban đầu đã để nảy sinh tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện. Hệ quả là tham nhũng đã làm nhiều lãnh đạo Bà Rịa - Vũng Tàu bị kỷ luật sau khi thanh tra việc thực hiện đổi đất lấy hạ tầng" - ông Võ nói.
Theo phân tích của GS-TSKH Đặng Hùng Võ, đến nay, các dự án BT được quy định ở khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng lại đang tồn tại khá nhiều khoảng trống pháp luật và chồng chéo. Cụ thể, Luật Đất đai 2013 chỉ có khoản 3 điều quy định về việc nhà nước giao cho nhà đầu tư (NĐT) quản lý diện tích đất để thực hiện dự án; ngoài ra, không có quy định cụ thể nào về đất đai, loại đất, giá trị đất để trả cho NĐT khi thực hiện các dự án BT.
Dự án đường Lê Đức Thọ kéo dài (Hà Nội) dài 3,5 km, được triển khai theo hình thức BT nhưng địa phương phải thanh toán quỹ đất khoảng 70 ha cho nhà đầu tư
Về nguyên tắc, đất đai trả cho NĐT chỉ được thực hiện sau khi công trình hạ tầng hoàn thành, nghiệm thu về chất lượng, quyết toán tài chính và kiểm toán độc lập vì lúc đó mới biết rõ giá trị cụ thể. Tuy nhiên, Nghị định số 15/2015 cho phép thực hiện ngay trong lúc đang triển khai xây dựng công trình hạ tầng tùy thuộc vào thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và NĐT dự án BT.
"Quy định như vậy chứa đựng nguy cơ tham nhũng rất lớn và khả năng thất thoát tài sản đất đai hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế. Tại sao không đấu giá đất để lấy tiền xây dựng công trình hạ tầng?" - ông Võ đặt vấn đề.
Điều 44, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho NĐT khi thực hiện dự án đầu tư hình thức BT, trong đó được sử dụng không chỉ đất đai mà cả các loại tài sản công khác. "Nhưng trên thực tế, các NĐT dự án BT chỉ đòi trả bằng đất ở được sử dụng vô thời hạn" - ông Võ nhấn mạnh.
PGS-TS Nguyễn Đình Hòa, Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - Kiểm toán Nhà nước, dẫn ví dụ ở Hà Nội, tháng 1-2008, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường khởi công xây dựng tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông (dài hơn 5 km, tiếp nối đường Lê Văn Lương kéo dài) với tổng mức đầu tư hơn 700 tỉ đồng. Cùng năm, Hà Nội đã bố trí hơn 197 ha để NĐT thực hiện dự án đối ứng là khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội). Tại thời điểm bàn giao quỹ đất, cơ quan chức năng áp giá đất với NĐT khoảng 8,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông được hoàn thành, giá đất tại đây đã lên mức 30-40 triệu đồng/m2.
"Qua thực tiễn nhiều dự án không nằm trong quy hoạch, chưa xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng và xã hội mà trước hết nhằm phục vụ lợi ích của NĐT và lợi ích nhóm" - ông Hòa cho biết; đồng thời nhấn mạnh do thiếu tính công khai, minh bạch trong triển khai, thực hiện nên đây là lỗ hổng lớn nhất và là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực.
Tạo cơ chế để dân giám sát
PGS-TS Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V, khẳng định các dự án BT triển khai đã góp phần huy động được nguồn lực khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, nhiều dự án thực hiện hợp đồng BT không hiệu quả và tạo cơ hội cho lợi ích nhóm, tham nhũng. Một số dự án sau khi hoàn thành theo hình thức BT lại trở thành biểu tượng cho sự lãng phí nguồn lực của nhà nước.
"Tại sao các hình thức đầu tư này được áp dụng đã làm thay đổi bộ mặt về cơ sở hạ tầng và kêu gọi được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển tại nhiều quốc gia nhưng khi được triển khai ở Việt Nam thì lại là mảnh đất cho tham nhũng?" - ông Trọng nêu vấn đề. Theo ông, nguyên nhân là do chúng ta đã áp dụng một hình thức quản lý tiên tiến trong khuôn khổ các hành lang pháp lý chưa đủ mạnh, còn nhiều chồng chéo và kẽ hở để các nhà đầu tư thao túng.
Điều cần làm hiện nay, theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, phải hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức BT. Mặt khác, việc thực thi pháp luật cũng cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Hình thức BT chỉ nên được áp dụng tại những địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách ít mà ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư; còn các địa phương khác phải thực hiện cơ chế nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ cũng đề nghị phải quy định cụ thể việc công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án BT, tạo cơ chế để người dân địa phương tham gia giám sát và quy định trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước có liên quan khi nhận được ý kiến giám sát của người dân.
PGS-TS Nguyễn Đình Hòa cho rằng Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm toán, đặc biệt đối với quá trình thực hiện các dự án BT ngay từ những khâu lập thẩm định, phê duyệt và công bố dự án, hình thức lựa chọn nhà đầu tư, quỹ đất mà nhà nước dùng để thanh toán cho NĐT.
"Chỉ kiểm toán sau khi đã thực hiện xong dự án BT, nếu phát hiện sai sót thì việc khắc phục cũng sẽ không hiệu quả, không phòng ngừa được những hạn chế, rủi ro và thất thoát tiền, tài sản công" - ông Hòa kiến nghị.
Cạn kiệt nguồn lực đất đai
Theo TS Nguyễn Hữu Hiểu, xét trên bình diện tổng thể nền kinh tế, việc triển khai các dự án BT tiềm ẩn không ít rủi ro: thất thoát nguồn lực tài sản công; công trình kết cấu hạ tầng được bàn giao với chi phí cao hoặc với chất lượng thấp; cạn kiệt nguồn lực đất đai do nhiều dự án được triển khai nhưng gắn với đó là sự yếu kém trong quản lý các quỹ đất công. "Dự án đường Lê Đức Thọ kéo dài (Hà Nội) là một ví dụ. Công trình chỉ dài 3,5 km, được triển khai theo hình thức BT nhưng chính quyền địa phương phải thanh toán quỹ đất khoảng 70 ha cho NĐT" - TS Hiểu dẫn chứng.
Bình luận (0)