Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng dự án BT rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm - Ảnh: Thanh Tùng
Tại hội thảo khoa học "Cơ chế đầu tư BT-Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện" do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng 19-10 tại Hà Nội, những bất cập của hình thức đầu tư này đã được nhiều chuyên gia nêu ra.
PGS-TS Nguyễn Đình Hòa, Phó giám đốc Trường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, cho rằng BT (xây dựng-chuyển giao) là một dạng hợp đồng của hình thức đầu tư PPP (đối tác công-tư). Dự án BT nếu thực hiện đúng cũng là một phương thức hiệu quả thu hút vốn đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng, nhất là trong bối cảnh vốn ngân sách hạn hẹp, quỹ đất của địa phương còn dư địa, có thể khai thác. "Tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa"- PGS-TS Nguyễn Đình Hòa, nhấn mạnh.
Theo ông Hòa, do thiếu tính công khai dẫn đến các thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, các dự án, lĩnh vực cần kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi để kêu gọi đa dạng các thành phần kinh tế tham gia, hạn chế số lượng các nhà đầu tư tiềm năng có thể tham gia vào các dự án, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.
Về giá cả đối với bên bán, sẽ không thể có giá bán thị trường bởi nó được xác định theo quy trình dự toán và quyết toán của một dự án đầu tư, vốn rất phức tạp để xác định, lại dễ bị thay đổi theo hướng tăng lên bởi nhiều yếu tố phi thị trường, do đó, con số cuối cùng luôn luôn phụ thuộc vào các quyết định chủ quan của cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền phê duyệt. "Đây là lỗ hổng lớn nhất và là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực tham nhũng"- PGS Hòa nói.
Đối với hầu hết dự án BT hiện nay, tiền sử dụng đất đã được tạm tính ngay tại thời điểm kí hợp đồng (nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện song song cả 2 dự án - dự án BT và dự án đối ứng). Khi dự án hoàn thành, lẽ ra phải thực hiện kiểm toán kĩ thuật và kiểm toán tài chính để xác định chính xác chất lượng, giá trị làm cơ sở cho thanh toán bằng quỹ đất, tuy nhiên thực tế chưa có dự án BT nào được kiểm tra, kiểm toán mà chỉ là quyết toán.
"Thông thường một dự án đầu tư dù dưới hình thức nào cũng phải qua 2 thủ tục pháp lý, đó là các quy trình, thủ tục và thẩm quyền phê chuẩn. Đối với BT, do thiếu công khai minh bạch nên sự lách luật xảy ra trên cả 2 phương diện này và dễ dẫn đến lợi ích nhóm"- ông Hòa bày tỏ.
Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90, Việt Nam đã thu hút nguồn lực từ nước ngoài thông qua hình thức (gọi tắt là BT hay đổi đất lấy hạ tầng). "Sau một thời gian tạm lắng xuống của hình thức đầu tư này, đặc biệt là khi thị trường bất động sản hết cơn "sốt nóng", hàng loạt doanh nghiệp, nhà đầu tư đã bộc lộ sự hạn chế về nguồn lực, dẫn đến không ít dự án trong tình trạng triển khai dở dang, kém hiệu quả"-ông Phớc nói.
Theo ông Hồ Đức Phớc, so với dự án BOT thì dự án BT hiện ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn do người dân không phải bỏ tiền túi một cách trực tiếp để thanh toán cho dự án BT và cũng ít thông tin hơn về các dự án này. "Tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương"-ông Phớc nhận định.
Bà Trương Hải Yến, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước, cho biết một bất cập khác nữa của BT cũng cần được làm rõ đó là vấn đề về tổng mức đầu tư. Qua kiểm toán một dự án cho thấy tổng mức đầu tư được lập và phê duyệt chưa đảm bảo theo quy định làm tăng vốn cho dự án. "Một số chi phí trong tổng mức đầu tư lập cao so với thực tế và quy định, thiếu căn cứ, chưa chú trọng cắt giảm chi phí những hạng mục không cần thiết làm tăng tổng mức đầu tư không hợp lý nhằm chiếm dụng tiền của ngân sách nhà nước"-bà Yến nói.
Theo TS Phạm Quang Tú, chuyên gia thuộc Tổ chức Oxfam Việt Nam, cho rằng vừa qua Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra 15 dự án BT trên địa bàn Hà Nội thì chỉ có tới 14 dự án là chỉ định thầu, nhiều nhà đầu tư yếu kém và cả 15 dự án BT này đều có sai phạm ở mức độ khác nhau.
Bình luận (0)