Ngày 19-4, Thành ủy TP HCM tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, 1 năm thực hiện Thông báo số 30-TB/TW và Kết luận số 17-KT/TW của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế (TGBC) của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015-2016, mục tiêu nhiệm vụ giải pháp giai đoạn 2017-2021. Dự hội nghị có Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang.
Giải thể, sắp xếp lại các đơn vị kém hiệu quả
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, các cơ quan, đơn vị của TP đã xây dựng đề án TGBC và đề ra lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2015-2021 và từng năm. Trong đó, xác định tỉ lệ TGBC đến năm 2021 tối thiểu là 10% so với biên chế được giao năm 2015. TP cũng thực hiện nghiêm việc tuyển dụng không quá 50% biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã tinh giản và không quá 50% biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc thôi việc.
Ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, phát biểu tại hội nghị
Theo đó, sau 3 năm TP HCM tinh giản 472 trường hợp. Trong số này, công chức là 93 trường hợp, viên chức là 170 trường hợp, hợp đồng theo Nghị định 68 là 142 trường hợp, khối Đảng - đoàn thể là 67 trường hợp. TP HCM cũng khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng nguồn thu sự nghiệp. Đến giữa năm 2018 có 40 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên, giảm giao biên chế hơn 23.510 người.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Hồ Hải cũng chỉ ra những hạn chế như số lượng biên chế thực tế còn khá cao so với số biên chế của trung ương giao. Ngoài ra, vẫn còn một số cấp ủy lúng túng trong tổ chức thực hiện TGBC nên việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chủ yếu về TGBC chưa chú trọng đúng mức đến việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ gắn với việc xây dựng vị trí việc làm, sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy nên tổ chức bộ máy chưa thật sự tinh gọn, số lượng TGBC ít, hiệu quả công tác chưa cao.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy cho biết sắp tới TP sẽ rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, HĐND, UBND, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; giảm bớt khâu trung gian, giảm thiểu sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Đặc biệt, giải thể, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị hoạt động không hiệu quả. Phân loại rõ đối tượng công chức, viên chức và lao động hợp đồng theo Nghị định 68 trong cơ quan đơn vị để quản lý thống nhất.
Lấy kết quả tinh giản để đánh giá công việc
Tại hội nghị, lãnh đạo các quận - huyện ủy cùng lãnh đạo một số Đảng ủy trực thuộc Thành ủy TP HCM đã nêu các giải pháp, kinh nghiệm cụ thể trong việc TGBC hiệu quả. Một trong những giải pháp đáng quan tâm là việc lấy kết quả thực hiện TGBC làm tiêu chí đánh giá, xếp loại kết quả công việc của người đứng đầu. Qua đó, một số nơi đã không đề bạt, bố trí hoặc bổ nhiệm lại người đứng đầu và cấp phó phụ trách thực hiện TGBC không hiệu quả. Bằng sự quyết liệt này, TGBC ở một số nơi kết quả tốt, như 3 năm qua, quận 2 giảm trên 540 người (hơn 18%).
Ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đánh giá cao những giải pháp thực hiện TGBC gắn với những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP HCM. Đặc biệt là TP đã chuyển đổi hàng loạt đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang tự thu, tự chi. "Đây là hướng đi tạo chuyển biến tốt" - ông Mai Văn Chính nhìn nhận nhưng cũng cho rằng việc sắp xếp tổ chức bộ máy, TGBC ở TP chưa đạt yêu cầu đề ra. Bởi số lượng biên chế hành chính của TP HCM vẫn còn chênh lệch lớn so với số Bộ Nội vụ giao… Do đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, HĐND và MTTQ của TP HCM cần tăng cường kiểm tra, giám sát, qua đó đôn đốc, nhắc nhở để đẩy nhanh kết quả TGBC.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang cho biết để thực hiện tốt việc TGBC, Thành ủy cũng chủ động giao biên chế giảm dần hằng năm, từ đó cắt giảm biên chế để từng bước tiệm cận với biên chế trung ương giao. "Các cơ quan, đơn vị của TP đã khởi động tích cực, tạo chuyển biến tốt. Một số đơn vị đã giảm được hơn 10% nhưng đáng tiếc khi đây chỉ là những trường hợp cá biệt" - ông Trần Lưu Quang nêu.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nhìn chung kết quả TGBC vẫn chưa đạt yêu cầu. Chẳng hạn, biên chế hành chính năm 2018, Bộ Nội vụ giao cho TP là 8.000 người nhưng biên chế thực hiện lên đến 11.000 người. Do đó, ông Trần Lưu Quang yêu cầu các đơn vị quyết liệt và chủ động trong thực hiện TGBC theo Nghị quyết 39.
Về giải pháp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trực thuộc Thành ủy cũng như các đoàn thể chính trị xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập của TP cần sự tập trung chỉ đạo quyết liệt và tổ chức kiểm tra, giám sát trong việc tổ chức thực hiện. "Thời hạn thực hiện Nghị quyết 39 không còn nhiều, nên cần tập trung hơn" - Phó Bí thư Thường trực Trần Lưu Quang nhấn mạnh và yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc lấy kết quả thực hiện TGBC để đánh giá, xếp loại cá nhân, tập thể có liên quan.
Kiến nghị giao biên chế theo quy mô dân số
Theo ông Nguyễn Hồ Hải, TP HCM có vị trí, vai trò, đặc điểm của đô thị đặc biệt cùng với khối lượng công việc giải quyết ngày càng nhiều và có xu hướng ngày càng tăng lên, mức độ phức tạp của công việc càng cao. Do đó, TP kiến nghị trung ương nghiên cứu giao biên chế theo quy mô dân số và tính đa dạng, phức tạp của TP trên mọi lĩnh vực.
Bình luận (0)