Trạm BOT Đức Hòa (Long An) cũng như những trạm BOT khác sẽ không còn gọi là "trạm thu giá" Ảnh: QUÝ LÂM
Ngày 20-8, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công bố Dự thảo thông tư nhằm thay thế Thông tư 49/2016 của Bộ GTVT Quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Dự thảo thông sẽ được lấy ý kiến đến giữa tháng 10-2019, sau đó sẽ được Bộ trưởng phê duyệt.
Thông tư này quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc cho phép thành lập, tổ chức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ trên hệ thống đường bộ ở Việt Nam.
Theo định nghĩa tại dự thảo này, "trạm thu phí" là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông.
Như vậy, sau thời gian thay đổi tên gọi "trạm thu phí" BOT thành "trạm thu giá" rồi "trạm thu tiền", trong dự thảo đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ GTVT đã chính thức trả lại tên "trạm thu phí".
Trước đó, vào đầu năm 2018, Bộ GTVT sử dụng tên gọi "trạm thu giá" thay cho "trạm thu phí" để phù hợp với Luật giá đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, cụm từ "trạm thu giá" bị phản đối vì không có nghĩa, làm mất sự trong sáng của tiếng Việt.
Ở lần công khai dự thảo hồi tháng 5 vừa qua, Bộ GTVT đưa ra tên gọi "trạm thu tiền", thay thế cho tên gọi "trạm thu giá" dịch vụ sử dụng đường bộ.
Cả 2 lần đổi tên trạm thu phí của Bộ GTVT thành "trạm thu giá" hay "trạm thu tiền" đều gặp phản ứng gay gắt của dư luận vì nhiều ý kiến cho rằng đặt tên lãng phí, vô nghĩa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, không sử dụng tên "trạm thu giá".
Cũng liên quan đến tên gọi trạm thu giá, tại phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội (QH) thứ 5, QH khóa XIV, mở đầu phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết tiếp thu ý kiến dư luận, bộ đang nghiên cứu sửa đổi tên gọi "trạm thu giá" để trình Chính phủ.
Tuy nhiên, ngay lập tức, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ: "Việc này không cần nghiên cứu, tôi thấy Bộ GTVT cứ dùng lại tên gọi cũ là trạm thu phí, vì tên gọi này đã đúng bản chất". Chủ tịch QH cho rằng "trạm thu phí" là cái tên rất đúng và quen gọi, không có lý do gì để đổi. "Nếu Bộ GTVT cứ nghiên cứu rồi trình thì sẽ rất mất thời gian, không cần thiết" - chủ tịch QH nhấn mạnh.
Tới đầu tháng 7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư các dự án BOT đường bộ đổi tên trở lại thành trạm thu phí.
Dự thảo mới đang lấy ý kiến cũng quy định rõ hơn về công khai và lấy ý kiến người dân về vị trí đặt trạm thu phí BOT.
Theo đó, vị trí trạm thu phí phải được công khai khi công bố dự án và được xác định trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của nhà nước; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng); phải thuận lợi cho việc thu tiền, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án đối với dự án đối tác công tư.
Đối với các trạm thu phí thu theo hình thức thu hở, vị trí trạm thu phí phải được công khai cho chính quyền cấp quân (huyện) và nhân dân địa phương trong thời gian 30 ngày trước thời điểm quyết định duyệt dự án xây dựng trạm thu phí. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức công bố công khai vị trí trạm thu phí tại trụ sở Ủy ban nhân dân quận (huyện), phường (xã) nơi dự kiến đặt trạm thu phí.
Đối với quốc lộ, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án và được lấy ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trạm thu phí.
Đối với đường địa phương đấu nối vào quốc lộ, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông vận tải. Trường hợp đường địa phương không đấu nối vào quốc lộ, vị trí trạm thu phí do cấp quyết định đầu tư chấp thuận sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận.
Bình luận (0)