Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đề xuất xe taxi công nghệ như Grab phải gắn hộp đèn "xe hợp đồng" trên nóc xe
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng dự thảo lần thứ 9 nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (gọi tắt là Nghị định 86), sau khi đã thống nhất một số nội dung với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) và Bộ Công an.
Sáng nay 27-6, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, cho biết Chính phủ đang tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành vào dự thảo lần thứ 9 Nghị định 86. "Việc có phải trình lại dự thảo lần thứ 10 hay không thì chưa biết, tuy nhiên hiện Chính phủ đang tiếp tục lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ và các đơn vị, cơ quan có liên quan"- ông Ngọc nói.
Đáng chú ý, dự thảo lần thứ 9 này, ban soạn thảo (Bộ GTVT) tiếp tục bảo lưu đề xuất xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ (như xe Grab, Vato, Be) phải gắn hộp đèn "Xe hợp đồng" cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 x 30 cm.
Theo Bộ GTVT, dự thảo nghị định lần này đã tiếp thu và được sự đồng thuận của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, Hiệp hội Taxi TP HCM, một số doanh nghiệp taxi lớn và một số sở GTVT. Đặc biệt, các nội dung, quy định này cũng được nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế. Nhiều nước hiện nay như: Thái Lan, Singapore... xe ứng dụng công nghệ cũng phải gắn hộp đèn trên nóc xe. Ví dụ ở Thái Lan đã quy định hai loại hình là taxi meter và taxi app có gắn hộp đèn trên nóc xe.
Bộ GTVT khẳng định, đối với quy định trên, Bộ GTVT, Bộ Công an và các TP lớn như: Hà Nội, TP HCM đều đồng thuận để tăng cường công tác quản lý vận tải, cũng như tổ chức giao thông đô thị và phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát trên đường.
Ban soạn thảo cho rằng việc bổ sung nội dung gắn hộp đèn cho xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ nhằm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi. Đồng thời, phân biệt xe cá nhân (xe không kinh doanh vận tải) và xe có kinh doanh, tránh tình trạng xe cá nhân trá hình gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Việc gắn hộp đèn cũng đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, đánh giá lắp hộp đèn cho xe công nghệ là cần thiết, vì cần quản lý xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử giống như taxi.
Theo ông Quyền, nhiều nước đã phân biệt giữa xe kinh doanh và không kinh doanh vận tải thông qua màu sơn của biển số xe, song ở Việt Nam chưa thực hiện được. Nếu dán logo trên xe để phân biệt thì dễ bị bóc, cất đi. Trong khi ở Việt Nam chưa có cách phân biệt khác thì việc gắn hộp đèn là hình thức nhận diện phù hợp.
Do đó, việc lắp hộp đèn nóc giúp phân biệt giữa xe kinh doanh vận tải với xe cá nhân, việc này đặc biệt cần thiết không những đối với cơ quan quản lý nhà nước mà đối với cả khách hàng. Thực tế thời gian qua hoạt động của loại hình vận tải khách bằng xe ôtô dưới 9 chỗ cực kỳ lộn xộn: Tình trạng xe dù, bến cóc, xe trá hình hoạt động tràn lan. Mỗi ngày có hàng ngàn xe hoạt động qua các ứng dụng đặt xe (hiện có hàng trăm ứng dụng khác nhau), qua Zalo, Facebook nhưng cơ quan nhà nước không quản lý được vì không phân biệt được xe kinh doanh với xe cá nhân, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng, thất thu thuế, quyền lợi khách hàng không được đảm bảo.
Xét yếu tố bình đẳng trong kinh doanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh hoạt động của xe dưới 9 chỗ kinh doanh như Grab hiện chính nay là kinh doanh vận tải taxi, việc này đã được TAND TP HCM phán quyết. Ngoài phán quyết của tòa, còn có các Bộ GTVT, Công an, Ủy ban ATGT quốc gia; các Sở GTVT Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thanh Hóa,… đều khẳng định như vậy.
"Vậy thì không có lý do gì mà cùng một loại hình kinh doanh taxi lại để tồn tại hai điều kiện kinh doanh khác nhau"- ông Quyền nêu vấn đề.
Bình luận (0)