Bác sĩ (BS) Phùng Phước Nguyên, 45 tuổi, trông rất trẻ chỉ đáng tuổi anh của mấy cậu sinh viên, nói giọng miền Trung đặc sệt nhưng họ nói chuyện với anh thân tình như bố con. Có sinh viên nhận xét thầy có khuôn mặt trắng hồng đẹp như con gái, vóc dáng mảnh khảnh, thư sinh, còn đôi mắt rất hiền.
"Lo cho hàng ngàn đứa con"
BS Phùng Phước Nguyên tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Cần Thơ năm 2001 và viết đơn tình nguyện về công tác ở Bệnh viện Châu Thành A (Hậu Giang). "Tôi vốn là con nhà nghèo nên rất đồng cảm với người nghèo khó nên mong muốn làm việc ở một trong những huyện nghèo khó của Hậu Giang" - BS Nguyên tâm sự.
Một thời gian sau, anh chuyển về Phòng Y tế huyện Phong Điền (TP Cần Thơ). Ngoài thời gian làm việc, anh còn làm giảng viên tại Khoa Y Trường ĐH Võ Trường Toản từ tháng 6-2015. Trên chiếc xe máy cọc cạch, mỗi tuần, BS Nguyên xuống Hậu Giang 3-4 lần để giảng dạy với quãng đường cả đi lẫn về trên 40 km. Công việc khá bận rộn nhưng anh vẫn đều đặn viết bài cảnh báo cho nông dân những bệnh nguy hiểm dễ gặp ở nông thôn mà người dân ít để ý; khám chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân nghèo. Mỗi tháng, anh lại trích lương mua gạo cho người già neo đơn hay tập sách cho trẻ bất hạnh, côi cút. Người ta còn nhớ hình ảnh nhiều bệnh nhân huyện Châu Thành A khi đến trung tâm khám bệnh cứ nằng nặc đòi được BS Nguyên đích thân khám.
Bác sĩ Phùng Phước Nguyên đang khám bệnh
Sức khỏe không tốt do bị chứng rối loạn nhịp tim nhưng anh chưa bao giờ quá để ý đến. Học viên và sinh viên Trường ĐH Võ Trường Toản luôn bắt gặp thầy giáo có mặt trên giảng đường rất đúng giờ bất kể nắng hay mưa với nụ cười đôn hậu. Chị Hà Như Thủy, học viên khối Y2 liên thông, nói: "Thầy Nguyên chỉ dẫn cho học viên rất tận tâm, chu đáo, có kiến thức tay nghề sâu, bài giảng phối hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và lâm sàng thực tế nên những học viên đã có thời gian công tác trong nghề y như chúng tôi tiếp thu rất nhanh".
BS Nguyên hiện có nhà mua trả góp ở Phong Điền. Cuộc sống hôn nhân không suôn sẻ và cũng chưa có con nên anh thường nói vui: "Tôi có hàng ngàn đứa con ở Trường ĐH Võ Trường Toản. Không chỉ danh xưng mà chúng tôi có mối đồng cảm nào đó thật đặc biệt, có lẽ là sự vươn lên của những người sinh viên nghèo khó mà tôi một thời cũng như họ. Tôi tham gia giảng dạy với mong muốn truyền đạt kiến thức cùng những kinh nghiệm thực tế cho thế hệ trẻ. Đó còn là niềm vui, niềm đam mê của bản thân tôi".
Hoàn thành chương trình chuyên khoa I (năm 2009) rồi chuyên khoa II (năm 2014), đến nay, BS Nguyên đã có hơn 10 sáng kiến cấp cơ sở đang được áp dụng vào thực tiễn khám chữa bệnh ở Phong Điền. Đồng nghiệp thường nói vui rằng BS Nguyên là cuốn từ điển sống mà bất kỳ lúc nào họ cũng có thể tham vấn. Y sĩ Nguyễn Thị Mỹ Ba, hiện công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền, đánh giá: "BS Nguyên là tấm gương sáng về đức lẫn tài để chúng tôi phấn đấu học tập, làm theo. BS rất có năng lực, chuyên môn vững vàng, nhạy bén trong công việc điều hành lẫn khám chữa bệnh. Đặc biệt, anh rất tận tình hướng dẫn sinh viên thực tập, cán bộ mới về nhận nhiệm vụ, luôn tiên phong nhận những việc khó về phần mình…".
Hết lòng cho người nghèo
Với nhiều người, họ chỉ vận động những người khá giả để làm từ thiện, còn BS Nguyên có cơ hội là vận động hết bởi anh hiểu rằng người nghèo còn quá nhiều thiếu thốn ngoài chuyện thuốc men. Hơn 10 năm qua, BS Nguyên đã vận động bạn bè, người thân, các bệnh viện, các tấm lòng vàng… hơn 1,5 tỉ đồng để mua tặng hàng ngàn phần quà cho người nghèo. Đó là chưa kể đến hàng chục ngàn quyển tập, dụng cụ học tập, quần áo và hàng chục chiếc xe đạp nghĩa tình cho học sinh nghèo vượt khó, hàng ngàn suất thuốc cấp miễn phí cho bệnh nhân khó khăn…
"Được phục vụ người bệnh, nhất là người bệnh nghèo là hạnh phúc của tôi. Tôi có hoài bão đứng trên bục giảng truyền thụ tri thức, kinh nghiệm thực tế mà bản thân đã trải qua, đến với các sinh viên, học viên để có thêm những BS giỏi trong tương lai phục vụ tốt cộng đồng" - BS Nguyên nói.
BS Nguyên sống giản dị, đạm bạc về các khoản ăn, mặc nhưng với "hàng ngàn đứa con" của mình thì anh rất hào phóng. Sinh viên ở Hậu Giang vẫn hay kể về việc thầy Nguyên sống hết sức tiết kiệm để dành tiền mua sắm sách quý, ống nghe… tặng sinh viên xuất sắc hay những em có gia cảnh nghèo khó vươn lên. Tôi nhớ lời anh nhắc đi nhắc lại chính mình trong một lần thăm bệnh dù trời mưa gió, đường lầy lội: "Phải đến với thằng Tuấn trong chiều nay để xem lại bệnh sốt xuất huyết của nó đến đâu, sẵn ghé thăm sức khỏe mấy đứa nhỏ ở cái xóm nghèo "ba không": không điện, không nước, không đường".
Công việc này cứ lặp đi lặp lại nhiều tháng qua, anh không hề nhận một đồng thù lao nào! Mỗi tháng khi lĩnh lương, BS Nguyên đều trích một phần tiền đóng góp vào quỹ nhân đạo của hội chữ thập đỏ huyện để giúp đỡ học sinh nghèo dù cuộc sống của anh cũng đang chật vật. Có người bạn khuyên chân thành rằng anh nên suy nghĩ chín chắn nên tìm cơ hội khác để đổi đời bằng cách chuyển sang bệnh viện tư nhân, lương nhà nước ba cọc ba đồng biết bao giờ mới khá được... song Nguyên chỉ mỉm cười. Anh nói số đông bệnh nhân nghèo khó với anh đã trở thành nỗi ám ảnh không dứt ra được.
Hiện anh đang nỗ lực vận động để hết tháng 7-2017 sẽ xây xong một căn nhà và sửa một căn nhà cho 2 cụ nghèo, neo đơn ở huyện Phong Điền. Đây là căn nhà thứ 5 và thứ 6 mà anh đóng góp và vận động xây dựng trong những năm qua.
15 năm tận tụy
BS Phùng Phước Nguyên đã vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2010-2014. Anh còn nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các ngành, các cấp, 2 kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp người cao tuổi" và "Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ". Ông Tạ Quang Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phong Điền, đánh giá: "BS Nguyên luôn là tấm gương sáng về y đức, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-2
Kỳ tới: Bệnh viện tuyến tỉnh làm chủ kỹ thuật cao
Bình luận (0)