Thường trực UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tổ chức cuộc họp với huyện Côn Đảo và các sở, ngành nghe báo cáo đánh giá các phương án xử lý rác tồn đọng tại Bãi Nhát, huyện Côn Đảo.
Hiện nay, khối lượng tồn đọng tại bãi rác Bãi Nhát ước khoảng 70.000 tấn và lượng rác phát sinh hàng ngày khoảng 15 tấn/ngày. Theo báo cáo của huyện Côn Đảo, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt của huyện Côn Đảo được thu gom về bãi rác khu vực Bãi Nhát với diện tích 3.800 m2 chôn lấp đơn giản. Do thời gian sử dụng quá lâu (trên 20 năm) nên bãi rác quá tải, diện tích chứa rác hiện chỉ còn khoảng 300 m2. Ngoài ra, nước rỉ rác đang xâm nhập và làm ô nhiễm nguồn nước, đất tại đây, đe dọa môi trường bãi tắm Bãi Nhát ở gần đó và nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Rác ngày càng chất cao tại Bãi Nhát
Trước thực trạng này, trước đó UBND huyện Côn Đảo đề xuất nhiều phương án, trong đó có phương án vận chuyển toàn bộ số rác này về đất liền để xử lý. Cụ thể, số lượng rác tồn đọng tại Côn Đảo tạm tính đến thời điểm này là khoảng 56.000 tấn. Thời gian thực hiện ép rác dự kiến trong 7 tháng với tổng chi phí bao gồm kinh phí ép rác, vận chuyển về đất liền xử lý, chôn lấp gần 61 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước trả.
Về quy trình vận chuyển, lượng rác sẽ được ép lại thành từng khối với trọng lượng khoảng 800 kg/khối. Sau đó, buộc bằng dây đai tránh phân rã khi di chuyển và vận chuyển ra cảng Bến Đầm (khoảng 8 km) và bốc xuống các tàu chở cát, đá đưa về đất liền tại khu vực cảng Phú Mỹ. Từ đây, rác được bốc lên xe chở về bãi rác tập trung xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ (khoảng 15 km) để xử lý.
Đây từng là phương án khả thi được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều lần họp xem xét bởi sẽ giải quyết được ngay lượng rác đang gây ô nhiễm cho Côn Đảo, tuy nhiên đây cũng là phương án tốn kém, chỉ giải quyết được thực trạng trước mắt. Với lượng rác phát sinh hàng ngày sau đó, Côn Đảo vẫn phải đầu tư thêm nhà máy xử lý rác.
Lượng rác quá lớn, công nghệ đốt hiện tại ở đây không thể xử lý được
Ngoài phương án này, huyện Côn Đảo cũng đề xuất xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại Bến Đầm với diện tích 1,92 ha đất thuộc hợp phần bảo tồn của Vườn quốc gia Côn Đảo, theo quy định phải trình Thủ tưởng Chính phủ xin chuyển mục đích rừng để xây dựng nhà máy rác. Sau khi có chủ trương, huyện sẽ trình duyệt dự án, tổ chức thủ tục đầu tư hạ tầng theo hình thức xã hội hóa hoặc nhà nước đầu tư công. Thời gian hoàn thành dự kiến tháng 9-2020.
Với phương án này, thời gian xử lý hết lượng rác dự kiến từ 6-7 năm, tổng vốn đầu tư khoảng 60-70 tỉ đồng (gần bằng kinh phí vận chuyển rác về đất liền). Quan trọng hơn, ngoài việc giải quyết lượng rác tồn đọng cũng sẽ giải quyết được thêm lượng rác phát sinh hàng ngày sau đó tại Côn Đảo. Nhược điểm của phương án này là thời gian giải quyết hết số rác tồn động bị kéo dài, không thể triển khai ngay được do phải tiến hành các bước thủ tục đầu tư theo quy định.
Bãi Nhát, một trong những bãi biển đẹp ở Côn Đảo, đang bị đe dọa bởi núi rác tồn tại từ 20 năm qua
Thêm phương án nữa, là việc xây dựng nhà máy rác tại chỗ bằng hình thức xã hội hóa, huyện Côn Đảo đã phối hợp với doanh nghiệp tiến hành các bước thủ tục đầu tư, thẩm định đơn giá, công nghệ. Theo đó, công suất xử lý là 115 tấn/ngày, trong đó rác tồn đọng là 100 tấn/ngày, rác phát sinh hàng ngày là 15 tấn. Dự kiến thời gian xử lý khoảng 2 năm 2 tháng. Tuy nhiên, phương án này theo cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn, đến nay không thể thực hiện được do việc xây dựng và phê duyệt định mức, đơn giá; Thêm vào đó, sau khi xử lý xong lượng rác đang tồn đọng thì công suất của nhà máy quá lớn, với lượng rác hàng ngày ở Côn Đảo sẽ không đủ để vận hành xử lý.
Sau khi xem xét, đánh giá kỹ, trên cơ sở ý kiến các sở, ngành, lãnh đạo tỉnh thống nhất bỏ phương án đóng gói rác, vận chuyển bằng tàu về đất liền để xử lý tại Khu xử lý rác Tóc Tiên với lý do chi phí đóng gói, vận chuyển, chôn lấp quá cao. Thay vào đó, tỉnh chọn phương án sẽ lựa chọn công nghệ đốt rác tại Côn Đảo. Trong thời gian chờ lựa chọn dự án với công nghệ đốt phù hợp, rác tồn đọng tại Bãi Nhát sẽ được đóng gói, hút chân không để tại bãi rác nhằm cải thiện ô nhiễm môi trường tại khu vực.
Bình luận (0)