Ngày 11-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tại tổ 12 (gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Quảng Ngãi), nhiều đại biểu (ĐB) đồng tình với việc tách lĩnh vực giao thông đường bộ để ban hành hai luật chuyên ngành như trên là cần thiết. Tuy nhiên, các ĐB đề nghị xem xét kỹ hơn về tên gọi của 2 dự thảo luật và phạm vi điều chỉnh.
Tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) cho rằng việc tách lĩnh vực giao thông đường bộ ra làm 2 dự thảo luật nhằm giải quyết 2 vấn đề lớn, đó là phát triển hạ tầng giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thảo luận tại tổ về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ - Ảnh: Minh Chiến
Về sự cần thiết phải xây dựng Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết vi phạm giao thông hiện diễn ra phổ biến, ra đường là có thể nhìn thấy thực trạng. Trong khi đó, hậu quả mà vi phạm giao thông để lại là rất lớn, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
"Đảng và Nhà nước đã xác định, trật tự an toàn giao thông là một bộ phận quan trọng của trật tự an toàn xã hội, nên ngành công an không thể đứng ngoài việc này"- Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh. Từ đó, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ và nhận được sự đồng thuận của các cơ quan có liên quan. Đồng thời, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hai cơ quan chủ trì soạn thảo, đã nhiều lần làm việc với nhau để thống nhất các nội dung.
Đối với ý kiến các ĐB Quốc hội còn băn khoăn khi tách làm 2 luật thì có đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí được hay không, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định đã đánh giá, tổng kết và nhận thấy tiết kiệm được rất nhiều từ nguồn nhân lực đến kinh phí.
Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh nếu giao ngành công an chịu trách nhiệm trong trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ không làm phát sinh nhân sự mới, thậm chí còn rút gọn hơn. "Tôi nghĩ không đến mức độ phải thành lập một Cục quản ý về lái xe, một Cục Quản lý về đăng kiểm. Bộ máy sẽ không nảy sinh, con người thực tế trên mặt đường không nảy sinh"- Bộ trưởng Tô Lâm nêu quan điểm.
Theo Đại tướng Tô Lâm, thực tế trong những năm vừa qua đã phát sinh những tình huống chồng chéo khi kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường. "Không có nước nào trên thế giới mà cảnh sát giao thông (CSGT) giữ xe lại, rồi thanh tra giao thông (TTGT) đi kiểm tra, hết sức là chồng chéo, khó khăn trong công tác kiểm tra. Trước đây, từng có các trường hợp lái xe họ dừng lại, khóa cửa bỏ đi, TTGT nhờ CSGT đánh xe này vào khu vực khác, rất bất cập"- Bộ trưởng nêu thực tế và cho biết, nếu quy định Bộ công an quản lý về trật tự án toàn giao thông thì sẽ không còn lực lượng TTGT trên đường nữa.
Đối với các ý kiến băn khoăn khi Bộ GTVT đầu tư rất nhiều, các nơi đầu tư nhiều vào các cơ sở sát hạch, đào tạo giấy phép lái xe (GPLX), nay chuyển về Bộ Công an sẽ nảy sinh bất cập. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định "không đụng chạm" đến hoạt động của các cơ sở này.
Người đứng đầu ngành công an phân tích, hiện việc đào tạo, sát hạch, đào tạo lái xe là xã hội hoá, công an chỉ kiểm soát việc cấp GPLX, quản lý việc cấp phải đúng tiêu chuẩn, quy định, chống tình trạng làm giả, gian lận, ngành công an chỉ quản lý những vấn đề đó.
"Còn các cơ sở được đầu tư vẫn hoạt động bình thường theo những quy định của pháp luật. Công an chỉ quản lý việc cấp bằng, nếu anh đi học nhiều lần nhưng thì không đỗ thì vẫn phải học lại, ở đây là tập trung quản lý về chất lượng"- Bộ trưởng nói.
Bình luận (0)