Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết so với Luật GTĐB năm 2008, dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) không còn quy định các nội dung về: quy tắc GTĐB, người điều khiển phương tiện, đăng ký phương tiện và đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX). Luật GTĐB (sửa đổi) chỉ điều chỉnh về kết cấu hạ tầng GTĐB, hệ thống báo hiệu, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về GTĐB.
Trình bày thẩm tra dự án Luật Bảo đảm TTATGTĐB, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cũng nhấn mạnh một số ý kiến nêu việc tách lĩnh vực GTĐB để ban hành 2 luật chuyên ngành là cần thiết và nhất trí với các lý do được nêu trong Tờ trình số 399/TTr-CP của Chính phủ. Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với đa số ý kiến trên và cho rằng khi tách ra thành 2 luật thì nội dung đào tạo sát hạch, cấp GPLX thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm TTATGTĐB là phù hợp.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX (khoản 4 điều 66), Bộ Công an sẽ thống nhất quản lý về cả phương tiện và người tham gia giao thông xuyên suốt từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX. Việc chuyển đổi này chỉ thay đổi về quyền quản lý, còn các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe đã được xã hội hóa vẫn tiếp tục hoạt động, không có sự thay đổi về vị trí, tổ chức, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1-8-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước và gây lãng phí.
Cần thiết có luật về bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đánh giá về sự cần thiết xây dựng, ban hành luật, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở…
Bình luận (0)