Người dân đã khổ với các cung đường BOT lắm rồi. Khổ từ giá thu trên trời, thời gian thu dài đằng đẵng, đặt trạm phi lý... thì nay khổ vì chất lượng thảm hại trên những con đường tiền núi. Làm sao có thể chấp nhận QL mà cứ vá chằng vá đụp, mặt đường hằn lún, bong tróc, ổ gà ổ voi chằng chịt trong khi đi đoạn nào phải bóp bụng trả tiền đoạn ấy. Đó là chưa kể những con đường rách nát này luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn chết người và thực tế chứng minh đã có hàng trăm vụ tai nạn chết người xảy ra do chất lượng những con đường quá kém.
BOT bản chất là bán dịch vụ. Bên bán là chủ đầu tư và bên mua là người lưu thông trên đường. Quan hệ mua bán này phải sòng phẳng và bình đẳng để mỗi bên thực hiện được lợi ích của mình. Vậy hàng loạt chủ đầu tư của các con đường BOT kém chất lượng được báo chí phản ánh có sòng phẳng với người dân theo nguyên tắc mua bán trên? Xin trả lời là không có gì sòng phẳng cả, thậm chí là đầy khuất tất. Giá thu phí, thời gian thu phí do doanh nghiệp đưa ra nhưng người sử dụng không hề được lựa chọn sử dụng hay không bởi BOT được đặt trên QL và cả những con đường đã có từ trước. Còn sản phẩm cung cấp - chính là con đường thì chất lượng phập phù và người dân không thể từ chối.
Những con đường đau khổ trên nào ít, nằm đầy rẫy ở nhiều tỉnh, thành có vai trò huyết mạch kết nối vùng để phát triển kinh tế - xã hội và tiền xây dựng thì nghe đã chóng mặt. Nâng cấp tuyến QL 1 qua Bình Định, Phú Yên dài 120 km có giá tới 7.800 tỉ đồng. Nâng cấp, mở rộng QL1 qua tỉnh Quảng Nam chỉ có 27,7 km nhưng ngốn hơn 1.600 tỉ đồng... Đầu tư nhiều thì thu lại của người dân nhiều nhưng đường mới làm đã hư hỏng thì chẳng khác nào bán một món hàng dỏm mà bất chấp người mua nói gì.
Trong buổi làm việc về vấn đề này vào ngày 8-10, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng phải đóng cửa trạm thu phí nếu để đường hư hỏng, chậm sửa chữa khắc phục. Nói nghe rất khí thế nhưng điều quan trọng là người dân muốn nhìn thấy bộ trưởng thực hiện lời nói của mình.
Về nguyên tắc, đường không bảo đảm chất lượng thì không được thu phí. Điều này đã được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật liên quan đến BOT. Ngay từ khi đưa vào vận hành, nhiều tuyến đường đã được các cơ quan chức năng chỉ rõ không an toàn, kém chất lượng nhưng đã có trạm BOT nào bị đóng cửa? Ngay cả những BOT đầy tai tiếng như Cai Lậy (Tiền Giang), Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), Yên Lệnh (Hưng Yên)... đến nay còn chưa giải quyết rốt ráo nữa là...
Trong những ngày này, chính bộ trưởng cũng đang khảo sát và tận mắt chứng kiến những con đường BOT kém chất lượng ở nhiều tỉnh miền Trung đấy thôi. Vậy ông hãy thực hiện lời hứa của mình, cho đóng cửa những trạm BOT này đến khi đường bảo đảm chất lượng, vì lời hứa của mình, còn nếu vì sự công bằng đối với người dân thì càng tốt.
Bình luận (0)