Chiều tối 25-9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN-PTNT) Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác chỉ đạo ứng phó bão Noru tại cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng).
Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bên phải) cùng Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra phòng chống bão tại cảng cá, âu thuyền Thọ Quang
Báo cáo đoàn công tác, đại tá Hồ Sĩ Hậu - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng - cho biết tất cả các tàu đã được hướng dẫn neo đậu an toàn trong âu thuyền, 18 chiếc tàu dầu đã được đưa ra ngoài để phòng chống cháy nổ. Đối với các tàu nhỏ, ghe, thúng không vào neo đậu trong âu thuyền, các đồn biên phòng huy động lực lượng cùng ngư dân đưa lên bờ để tránh bão.
Đến hiện tại, công tác chuẩn bị phòng chống bão đối với tàu trong bờ đã cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo thì còn 35 tàu cá của Đà Nẵng đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 7 tàu gần bờ, số còn lại đã liên lạc được, hướng dẫn cho ngư dân thoát khỏi vùng nguy hiểm và đang di chuyển vào bờ.
Bên cạnh đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng kêu gọi người dân ở tàu lên bờ khi có bão vào. Đối với các tàu công suất nhỏ thì các đồn biên phòng dọc biển hỗ trợ ngư dân đưa tàu vào bờ.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thông tin các khu vực miền núi như huyện Hòa Vang, vùng ven biển đã có các phương án di dân từ vùng trũng, vùng nguy hiểm, vùng sạt lở đến nơi an toàn. Thành phố cũng đã bố trí các địa điểm, lương thực phục vụ người dân sơ tán.
Kiểm tra hệ thống radar bắt tín hiệu của các tàu cá địa phương đang hoạt động trên vùng biển nguy hiểm
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu Ban quản lý cảng cá nắm chắc số lượng tàu thuyền neo đậu trong âu thuyền, nhắc nhở ngư dân kiểm tra, bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, không để ngư dân ở lại tàu cá.
Đồng thời, Bộ trưởng chỉ đạo Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai TP Đà Nẵng sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão; tổ chức kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho các tàu thuyền di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, hoặc không đi vào khu vực có khả năng ảnh hưởng của bão. Đặc biệt, rà soát các phương án sơ tán dân tại các vùng xung yếu ven biển quận Sơn Trà và quận Liên Chiểu, các vùng có nguy cơ sạt lở ở huyện Hòa Vang.
Hà Tĩnh: Tăng cường trực ban chống bão
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải ký ban hành công điện khẩn về việc tập trung ứng phó bão Noru.
Chủ tịch tỉnh đề nghị các đoàn công tác về phòng chống bão trực tiếp xuống cơ sở để đôn đốc, chỉ đạo, hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với bão, mưa lũ.
Các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường lực lượng trực ban để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Công điện nêu rõ địa phương, đơn vị nào không tổ chức kiểm tra và triển khai các biện pháp phòng chống bão, nếu để xảy ra sự cố do thiếu trách nhiệm thì chủ tịch UBND cấp huyện và thủ trưởng đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh.
Các cô, thầy tại các trường trên địa bàn huyện Thạch Hà chuẩn bị các phương án để đảm bảo an toàn trong bão lũ
Đến tối 25-9, tại khu neo đậu tránh trú bão cảng Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, có 185 tàu thuyền nội tỉnh, 38 tàu thuyền ngoại tỉnh vào bờ an toàn. Huyện Kỳ Anh có 559/559 tàu thuyền lớn nhỏ trên địa bàn toàn huyện đã về nơi trú ẩn.
Bình luận (0)