Vấn đề trên được nhiều ý kiến nêu ra tại diễn đàn chuyên đề "Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long", tổ chức ngày 18-6.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cùng chủ trì diễn đàn này.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 là 67.552 tỉ đồng (chiếm 12,2% cả nước), giai đoạn 2016-2020 là hơn 65.000 tỉ đồng (chiếm 15,5% cả nước).
Việc đầu tư như trên được xem là hạn chế, dẫn đến nhiều dự án trọng điểm chưa hình thành, nhất là các trục kết nối giữa khu vực trên với TP HCM còn nhiều điểm nghẽn.
Tại khu vực ĐBSCL, vận tải đường thủy được đánh giá nhiều lợi thế, tuy nhiên việc đầu tư còn quá hạn chế và khả năng kết nối giữa đường thủy nội địa với đường bộ, đường biển cũng đang bị nhiều nút thắt.
TP HCM và vùng ĐBSCL có nhiều lợi thế về giao thông thủy nhưng việc đầu tư lại có nhiều hạn chế
GS-TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng đầu tư cho đường thủy, đường bộ cho khu vực ĐBSCL không tương xứng với sức đóng góp của vùng. Một số luồng vận tải đường thủy của khu vực như luồng Định An, Quan Chánh Bố... chưa phát huy hết tiềm năng.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cũng đánh giá luồng tuyến giao thông thủy tại khu vực ĐBSCL dày đặc nhưng không đồng cấp, nhất là về độ sâu. Tuyến giao thông thủy huyết mạch từ TP HCM đi các tỉnh vùng ĐBSCL phải qua kênh Chợ Gạo, tuy nhiên tuyến kênh này chưa đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng ngày càng tăng. Hệ thống logistic rất yếu kém, hầu như chưa hình thành.
Mặt khác, ông Võ Văn Hoan cũng cho biết theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, quy hoạch mạng lưới cao tốc, vành đai quốc lộ, đường sắt, luồng thủy phải được đầu tư hoàn thành vào năm 2020. Song, hiện nay một số trục kết nối chỉ mới được đầu tư giai đoạn 1 hoặc đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư.
Dòng người "chôn chân" trên tuyến "huyết mạch" Quốc lộ 1 từ miền Tây về TP HCM dịp sau Tết Nguyên đán 2019
Cơ sở hạ tầng tại ĐBSCL trong thời gian vừa qua mặc dù có được cải thiện, nhưng thiếu đồng bộ, nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Các tuyến đường kết nối giao thông, vận tải đường sắt, đường thủy... vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Do cơ sở hạ tầng giao thông hạn chế nên ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, đặc biệt là các dịp lễ, Tết, chi phí vận tải hàng hóa tăng cao, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của khu vực ĐBSCL.
Các tuyến giao thông đường bộ về miền Tây đang trong tình trạng quá tải
UBND TP đã kiến nghị đẩy nhanh các thủ tục để hình thành tuyến quốc lộ 50 mới song song - trục động lực (quốc lộ 50B). TP HCM đã thống nhất với tỉnh Long An đầu tư đoạn thuộc địa phận TP HCM đến huyện Cần Giuộc dài 8 km theo hình thức PPP, giai đoạn 2021-2025.
Tại hội nghị, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đánh giá TP HCM và đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng kinh tế quan trọng nhưng hiện việc đầu tư hạ tầng còn nhiều hạn chế. Trước những thực trạng trên, ông Thể khẳng định phía Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ để có giải pháp huy động và phát triển hệ thống giao thông, nhất là đường thuỷ. Trong đó, sẽ hình thành các tập đoàn, công ty lớn về vận tải thủy, nâng cao một số cây cầu có độ tĩnh không thấp, nạo vét mở rộng các luồng kênh quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu tại hội nghị
Ngoài ra, ông Thể cũng cho biết thời gian tới, Bộ GTVT sẽ kiến nghị, đề xuất các giải pháp ưu tiên phát triển hạ tầng các trục dọc lớn như cao tốc TP HCM - Cần Thơ, Quốc lộ 60… Các trục dọc này khi hoàn thành, cùng với Quốc lộ 1 sẽ tạo kết nối với cho TP HCM cũng như thúc đẩy kinh tế vùng ĐBSCL.
Đối với việc nối thông tuyến tuyến hành lang phía Đông của vùng ĐBSCL, Bộ GTVT cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Đại Ngãi bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản. Kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư cầu Rạch Miễu 2 và nâng cấp Quốc lộ 60 qua địa phận tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025.
Bình luận (0)