Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị giảm đại biểu Quốc hội thuộc cơ quan hành pháp và nên tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách
Sáng nay 29-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026.
Phát biểu tại tổ về cơ cấu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong Luật Tổ chức Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đánh giá vẫn chưa thực sự đổi mới khi nhiều bộ trưởng, thậm chí một số chủ tịch UBND tỉnh, làm đại biểu QH, dẫn đến thực tế là gặp khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành, do các đại biểu kiêm nhiệm này phải dành thời gian cho việc thực hiện nhiệm vụ làm ĐBQH.
"Quốc hội có quyền yêu cầu Bộ trưởng giải trình, yêu cầu đến để chất vấn nhưng phải chăng Bộ trưởng, Chủ tịch UBND không nên là ĐBQH? Do đó đề nghị tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, giảm số lượng ĐBQH là người thuộc cơ quan hành pháp"- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói và cho biết ông đồng tình với quan điểm nâng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách không chỉ 35% như hiện nay mà cần tăng lên với tỉ lệ 50 - 60% để đội ngũ QH có vai trò khác đi.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách từ 35% hiện nay lên 37-40%
Tại tổ TP HCM, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, cho biết với đại biểu chuyên trách không thấp hơn 35% như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ QH cũng hợp lí, tuy nhiên nếu chúng ta có ý chí và yêu cầu thực tiễn, muốn bố trí số lượng đại biểu cao hơn, thì sao ta không có cơ chế để tăng đại biểu chuyên trách quy định ngay trong lần sửa đổi này.
Theo bà Quyết Tâm, trong thực tiễn hoạt động QH, đa phần ĐBQH chuyên trách hoạt động tương đối có hiệu quả, bởi họ có toàn thời gian hoạt động, nghiên cứu chuyên sâu, bồi dưỡng kỹ năng nên đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra, thể chế của mình khiến cán bộ có nhiều ràng buộc, nên nếu không phải đại biểu chuyên trách thì mỗi khi phát biểu phải cân nhắc xem có "động chạm" đến cá nhân, tập thể nào không, nên sẽ cân nhắc nói hay không. Vì vậy sẽ ảnh hưởng đến chính kiến của đại biểu. "Tôi cũng có nghe đại biểu nói (dù không nhiều) là lãnh đạo tỉnh khuyến cáo đại biểu không nói cái này, cái kia vì ảnh hưởng đến địa phương"- bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, công việc của mỗi địa phương ngày càng nhiều, do đó nếu đại biểu vừa làm công việc chuyên môn ngập đầu, lại vừa làm công việc ĐBQH, thì rất khó làm tốt trách nhiệm ở cả hai vị trí. Để QH hoạt động ngày càng có tính chuyên nghiệp, cần tăng đại biểu chuyên trách, để bố trí đại biểu chuyên trách cho các cơ quan của QH cũng như ở các đoàn ĐBQH.
"Thời gian qua, có nhiều luật phải sửa liên tục, có những sai sót về mặt kỉ luật lập pháp. Vai trò đầu tiên là cơ quan soạn thảo nhưng sau đó là vai trò của các cơ quan thẩm tra luật. Vậy các cơ quan của QH cần đánh giá lại xem có đủ sức làm việc đó không? Tôi tha thiết để nghị QH đưa tỷ lệ đại biểu chuyên trách vào trong Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi lần này. Đề nghị tăng từ 35% hiện nay lên 37-40% "- ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ.
Bình luận (0)