Khi ngày càng nhiều người muốn sở hữu các danh hiệu sắc đẹp để làm bàn đạp nhanh chóng tiến thân thì các cuộc thi nhan sắc cũng mọc ra ngày càng nhiều.
Ra ngõ gặp... hoa hậu
Chỉ trong 2 tháng 10 và 11-2017, khán giả cả nước đã bội thực với các cuộc thi nhan sắc. Trong nước là cuộc thi Hoa hậu Đại dương với sự lên ngôi gây nhiều tranh cãi của Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh. Suốt cả tuần sau đó, trên các trang mạng xã hội, báo chí, từ khóa "Ngân Anh" hay "Hoa hậu Đại dương" luôn chiếm vị trí hàng đầu. Chưa có hoa hậu nào đăng quang lại bị chê bai dữ dội về nhan sắc như Ngân Anh.
Khi độ "hot" của cuộc thi Hoa hậu Đại dương vừa hạ nhiệt cũng là lúc cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017 gánh vô số "gạch đá". Hành động cố tổ chức đêm bán kết trong thời điểm nhạy cảm của cơn bão số 12, phớt lờ đề nghị dừng thi của UBND tỉnh Khánh Hòa bị chính lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) nhận xét là sai lầm. Mọi việc còn như bị đổ thêm dầu vào lửa khi 2 giám khảo cuộc thi là MC Phan Anh và Á hậu Hoàng My đăng đàn lên tiếng bênh vực ban tổ chức. Dù ngay sau đó, 2 giám khảo này đã phải xin lỗi khán giả nhưng quá muộn. Một phút vạ miệng của người nổi tiếng đã lấy đi rất nhiều thiện cảm trong lòng khán giả mà họ dày công tạo dựng thời gian qua.
Ở đấu trường quốc tế, những cái tên như Huyền My, Đỗ Mỹ Linh, Hà Thu, Khánh Ngân, Thùy Dung, Nguyễn Thị Loan... cũng phủ sóng liên tục trên báo chí. Lúc là hình ảnh Huyền My khóc lóc, không chúc mừng tân hoa hậu khi dừng chân ở top 10 Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2017 trong đêm chung kết 25-10. Khi thì Khánh Ngân đoạt giải Hoa hậu Hoàn cầu 2017 (Miss Global), Thùy Dung lọt top 3 bình chọn thí sinh được yêu thích nhất trên chuyên trang nhan sắc Missosology ở cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2017...
Những người ít theo dõi các cuộc thi sắc đẹp sẽ không thể nào phân biệt được nhan sắc này với nhan sắc nọ, cuộc thi này với cuộc thi khác, dù mỗi cuộc thi đều có những tiêu chí, sứ mệnh riêng.
Quá nhiều cuộc thi, quá nhiều danh hiệu hoa hậu, nữ hoàng, hoa khôi... dành cho các người đẹp khiến công chúng bị bội thực với các cuộc thi sắc đẹp.
Thí sinh dự đêm bán kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Ảnh: Đại Ngô
Hoa hậu Đại dương 2017 Lê Âu Ngân Anh Ảnh: nhân vật cung cấp
"Chợ" nhan sắc
Trước đây, việc cấp phép cho các cuộc thi cấp quốc gia có phần chặt chẽ. Cuộc thi cấp quốc gia đầu tiên là Hoa hậu Việt Nam (tên trước đó là Hoa hậu Báo Tiền Phong) đã tạo được lòng tin và dấu ấn trong lòng khán giả. Hiện nay, rất nhiều công ty tư nhân không mấy khó khăn để xin cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp quốc gia, thậm chí quốc tế. Có thể dẫn chứng: cuộc thi Hoa hậu Đại dương được cấp phép cho Công ty MTV Võ Việt Chung của nhà thiết kế Võ Việt Chung, cuộc thi quốc tế Hoa hậu Biển toàn cầu được cấp phép cho Công ty Cổ phần Thiết kế và Đào tạo Phương Nam...
Việc các công ty cho ra lò hàng loạt danh hiệu hoa khôi, người đẹp chẳng những khiến các cuộc thi nhan sắc trở nên dễ dãi mà còn biến giải thưởng thành trò hề. Cách đâu không lâu, Công ty Mỹ thuật truyền thông Ngôi sao Việt kết hợp với một tạp chí tổ chức cuộc thi Duyên dáng Doanh nhân. Tại cuộc thi này, có đến... 33 người nhận được các danh hiệu như hoa khôi, á khôi 1, á khôi 2 (2 giải), á khôi 3 (10 giải); 26 giải phụ với đủ các vẻ đẹp như: Hoa khôi có mái tóc đẹp, hoa khôi có làn da đẹp, hoa khôi vì cộng đồng...
Năm nay, Công ty TNHH Truyền thông Topstar cũng đứng ra tổ chức cuộc thi "Nữ hoàng doanh nhân đất Việt 2017" với lời quảng cáo "mong muốn quảng bá hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trẻ trung, rạng ngời và tài năng đang quản lý, điều hành các doanh nghiệp". Những cuộc thi tạo ra các "danh hiệu ao làng" đã khiến nhiều người nhận xét chỉ cần có tiền thì nhà nhà đều có thể có danh hiệu sắc đẹp!
Sự dễ dãi trong tổ chức các cuộc thi nhan sắc đã khiến nhiều cuộc thi bị biến thành "chợ". Lúc thì bị tố mua bán giải, phẫu thuật thẩm mỹ, vi phạm quy chế; lúc thì trưởng ban tổ chức cuộc thi sẵn sàng đăng đàn mắng hoa hậu là "vô ơn" gây sóng gió trên báo chí.
Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Biển toàn cầu thì tự ý in logo của nhiều cơ quan báo chí lớn như VOV, VTV là "đối tác truyền thông" trên phông họp báo hôm 5-11. Ngay lập tức, 2 tờ báo điện tử của VOV và VTV cùng ra thông báo khẳng định các cơ quan này không phải đối tác của cuộc thi. Ngay sau đó, Công ty CP Truyền thông Đa phong cách đã có văn bản gửi tới báo điện tử VOV thừa nhận đã dùng logo của VOV để "quảng bá và nâng cao chất lượng chương trình mà chưa được sự đồng ý".
Hành động chộp giật ở một số nơi như thế đã làm xấu xí hình ảnh của các cuộc thi sắc đẹp, làm xã hội mất đi cái nhìn đẹp đẽ với các cuộc thi này.
Siết lại việc cấp phép
Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết theo quy định hiện hành, mỗi năm, bộ chỉ cấp phép cho 2 cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia. Các cuộc thi có yếu tố nước ngoài thì không quy định cụ thể nên tùy theo tính chất từng cuộc thi mà bộ sẽ quyết định cấp phép.
Trên thực tế, số cuộc thi được cấp phép dao động từ 2-3 cuộc/năm. Năm 2017 có khoảng 8 hồ sơ xin cấp phép tổ chức thi hoa hậu quốc gia nhưng Bộ VH-TT-DL chỉ cho phép tổ chức 2 cuộc thi là Hoa hậu Đại dương và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, 2 cuộc thi quốc tế là Hoa hậu Hòa bình Thế giới và Hoa hậu Hữu nghị ASEAN.
Riêng với các cuộc thi hoa khôi, người đẹp vùng miền, ngành thì 3 cuộc/năm, người đẹp thì mỗi tỉnh một cuộc tại địa phương. Tuy nhiên, năm 2017 không chỉ ghi nhận sự lên ngôi của 4 hoa hậu ở Việt Nam mà còn rất nhiều nữ hoàng, hoa khôi... khác, như: hoa khôi du lịch, nữ hoàng trang sức (dự kiến chung kết từ ngày 4 tại 9-12 tại TP Đà Nẵng) của Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam.
Bên cạnh mặt tốt của các cuộc thi sắc đẹp, nhiều người đã lợi dụng tổ chức các cuộc thi nhan sắc để kiếm tiền. Có công ty đứng ra tổ chức chỉ nhằm mục đích thương mại mà không tập trung đến mục đích cao cả là tôn vinh cái đẹp. Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết thời gian tới, Bộ VH-TT-DL sẽ siết chặt hơn việc cấp phép tổ chức thi hoa hậu, xử lý nghiêm những cuộc thi sai phạm.Chẳng hạn, ban tổ chức cuộc thi sẽ bị phạt thật nặng nếu sai phạm, thậm chí sẽ dừng tất cả các cuộc thi mà ban tổ chức đó xin cấp phép.
TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển:
Cứ thi là có kiện cáo!
Tôi thấy có nhiều cuộc rất tào lao, cứ thi là có khiếu kiện, năm nào cũng có đơn tố cáo mua bán giải. Có doanh nghiệp tổ chức thi sắc đẹp chỉ để làm hình ảnh phục vụ mục đích cá nhân hoặc doanh nghiệp. Họ không tôn vinh cái đẹp mà vì nhiều thứ khác. Các cuộc thi người đẹp ở ta ngày càng bị thương mại hóa và trở thành sân chơi của các thương hiệu, nhãn hàng mỹ phẩm, thời trang…
Bây giờ hoa hậu, người đẹp đã loạn rồi! Chưa bao giờ mà cứ đọc báo là thấy nói đến hoa hậu, người đẹp nhiều như bây giờ.
Bà Hoàng Yến, ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội:
Hoa hậu phục vụ gì cho cộng đồng?
Mỗi tuần, mỗi tháng, thông tin về các cuộc thi này nhan nhản trên các phương tiện truyền thông. Chưa kể các cuộc thi doanh nhân, quý bà, sinh viên, thì đã có hàng chục cuộc thi nhan sắc diễn ra như: Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017, Hoa hậu Hữu nghị ASEAN, Người đẹp xứ Trà, Nữ hoàng trang sức 2017, Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2017…
Liệu nước ta có cần quá nhiều cuộc thi người đẹp đến vậy, có cần nhiều người đẹp mang các danh hiệu cuộc thi và các danh hiệu ấy phục vụ gì cho cộng đồng?
Tôi đề nghị Bộ VH-TT-DL cũng như các cơ quan quản lý kiểm soát, răn đe, xử lý mạnh tay những người sai phạm trong các cuộc thi sắc đẹp.
Ông Dương Xuân Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, nhiều năm là trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam:
Không biết tin vào đâu
Chưa bao giờ danh hiệu hoa hậu, á hậu, hoa khôi, á khôi lại nhiều như hiện nay. Tình trạng "loạn" các cuộc thi nhan sắc thời gian qua đã khiến những người yêu cái đẹp không biết tin vào đâu, trong khi xã hội mất niềm tin vào các cuộc thi sắc đẹp. Hoa hậu, người đẹp bước ra từ các cuộc thi nghiêm túc cũng bị ảnh hưởng vì tốt - xấu lẫn lộn.
Bình luận (0)