Ngày 13-5, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, 3 nước Việt Nam, Mỹ và Thái Lan đồng tổ chức Hội thảo Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về quản lý rác thải nhựa ở đại dương nhằm bảo đảm đánh bắt cá bền vững và an ninh lương thực ở khu vực Đông Nam Á.
8 triệu tấn nhựa đổ xuống đại dương
Hơn 90 quan chức và chuyên gia từ 27 nước thành viên ARF đã tham gia với gần 20 tham luận nêu bật thực trạng, ảnh hưởng của rác thải nhựa và giải pháp mở nhằm bảo vệ đại dương.
Ông Vũ Hồ - Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Việt Nam - cho biết mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác đổ xuống đại dương, tương đương với một xe chở rác đầy nhựa đổ xuống đại dương mỗi phút. Nằm trong số 10 quốc gia gây ô nhiễm toàn cầu hàng đầu là thành viên ASEAN. Cuộc khủng hoảng trên biển đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp cũng như hợp tác giữa các quốc gia để có giải pháp hiệu quả và bền vững.
Người nước ngoài dọn dẹp rác thải ven biển ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Trong tham luận của mình, bà Ingrid Giskes, Giám đốc Global Ghost Gear Initiative Ocean Conservancy (Sáng kiến Ghost Gear toàn cầu bảo tồn đại dương), cho biết mỗi năm ước tính 640.000 tấn ngư cụ bị mất hoặc bị bỏ rơi trong thế giới đại dương. Các mảnh vụn liên quan đến câu cá chiếm tới 70% các mảnh vụn nổi trong đại dương.
"Những thiết bị "ma" này gây hại đến các động vật hoang dã và làm hỏng môi trường sống ở biển và gần bờ. Việc xử lý chúng rất tốn kém, nguy hiểm cho ngư dân và cộng đồng biển" - bà Ingrid Giskes nhấn mạnh.
Đổ tiền xử lý rác nhựa
Tại hội thảo, ông Vũ Hồ khẳng định Việt Nam nhận ra tầm quan trọng của đại dương và các nguồn lực trong tương lai. Việt Nam đã thành lập 15 khu kinh tế biển để phát triển hậu cần thủy sản, cảng biển, du lịch trên biển và nghiên cứu khoa học hàng hải. Nhiều khu bảo tồn biển ra đời ở Việt Nam, trong đó Khu Bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang được coi là một mô hình thành công của việc bảo tồn và quản lý hệ sinh thái.
Chính phủ Việt Nam cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương và cũng sẽ có giải pháp, chính sách liên quan đến ô nhiễm nhựa. Nỗ lực bảo tồn, quản lý bền vững sinh vật biển, đại dương không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà ASEAN trong tầm nhìn 2025 cũng đã cam kết ngăn chặn và giảm đáng kể ô nhiễm biển, bao gồm các mảnh vụn biển.
Bà Caryn McClelland, Phó Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, cho rằng để giảm chất thải nhựa đại dương đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, bao gồm việc giảm nhu cầu đối với nhựa sử dụng một lần, khuyến khích tái chế, tăng cường thu gom rác thải địa phương, đầu tư vào các giải pháp quản lý chất thải dài hạn.
Mỹ đã xúc tiến, ủng hộ việc hình thành một công ty đầu tư tác động vào việc ngăn chặn nhựa đại dương ở Nam Á và Đông Nam Á. Khu vực tư nhân đã cam kết 100 triệu USD cho liên doanh quan trọng này. Hãng đồ ăn nhanh McDonald đã thông báo rằng 100% bao bì sẽ đến từ nguồn tái tạo, tái chế hoặc chứng nhận vào năm 2024. Hãng Coca-Cola đang định hình lại cách tiếp cận của mình đối với bao bì để giảm chất thải.
Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cũng tài trợ 20 dự án ở các thành phố trên khắp Indonesia, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam thông qua Chương trình tái chế chất thải thành phố. "Chúng tôi cũng mong muốn hợp tác với khu vực tư nhân để giải quyết những thách thức này, tận dụng kiến thức kỹ thuật và nguồn tài chính của họ, bao gồm cả gần đây công bố cam kết 1,5 tỉ USD để giải quyết các mảnh vỡ biển" - bà Caryn McClelland nhấn mạnh.
Bài học từ Thái Lan
Tại Thái Lan, Hiệp hội Khách sạn Phuket và Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok đã thống nhất giảm thiểu rác thải nhựa. Hiệp hội Khách sạn Phuket (khách sạn gồm 65 thành viên) giảm đáng kể khối lượng và loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần; loại bỏ việc sử dụng hàng triệu chai nước bằng nhựa từ phòng khách vào cuối năm 2019. Đây là mô hình hay và bài học kinh nghiệm với các hiệp hội khách sạn khắp ASEAN để nhân rộng thành công này.
Bình luận (0)