xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bung mở đường ra - vào Thủ Thiêm

GIA MINH - PHAN ANH

Bên cạnh việc mở cầu kết nối Thủ Thiêm, các chuyên gia đô thị kiến nghị nên kết hợp với hệ thống giao thông công cộng để Thủ Thiêm bung mở

Hiện tại, khu trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM) đang triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như 4 tuyến đường chính, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam… Tuy nhiên, điều đáng nói là sự kết nối về giao thông giữa khu Thủ Thiêm và các vùng lân cận chưa đầy đủ, liền mạch.

Áp lực giao thông ngày càng lớn

Tốc độ phát triển đô thị kéo theo nhu cầu đi lại từ các quận 2, 9, Thủ Đức và nhiều khu vực lân cận như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương... ra vào khu trung tâm TP HCM ngày càng tăng cao. Thế nhưng, các trục đường kết nối ở cả vùng trên hiện không chỉ thiếu mà còn dần quá tải nặng nề. Phía Đông TP ra vào khu trung tâm hiện ngoài các trục chính là xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 13, lưu lượng xe liên tục tăng cao trên đường Mai Chí Thọ - tuyến "xương sống" trên hành lang Đông - Tây. Tuy nhiên, từ tuyến đường này hiện cũng chỉ vài hướng lưu thông chính kết nối với khu trung tâm như qua đường hầm sông Sài Gòn hoặc các tuyến Trần Não, Lương Định Của, Nguyễn Cơ Thạch, cầu Thủ Thiêm... Trong đó, hầu hết các tuyến đường trên đều chạy "vòng" và không có sự kết nối trực tiếp giữa khu Thủ Thiêm và trung tâm TP.

Bờ Đông là vậy còn phía bờ Tây, các tuyến đường dọc sông Sài Gòn qua các quận 1, 4, 7..., lại trong tình trạng ngày càng quá tải. Hàng loạt tuyến đường như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát..., áp lực giao thông đang liên tục tăng cao. Đơn cử như tuyến Tôn Đức Thắng, sự căng thẳng ngày càng nặng nề bởi hiện là con đường kết nối với nhiều tuyến khác có mật độ xe dày đặc như Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Hữu Cảnh, Hai Bà Trưng…, qua lại giữa các quận Bình Thạnh, 1, 7... Chưa kể, các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành còn tập trung nhiều trường đại học lớn, các công trình thi công..., dẫn đến kẹt xe thường xuyên xảy ra. Vào giờ cao điểm mỗi ngày, dòng xe luôn ken đặc mặt đường, chen nhau nhích từng chút. Các tuyến xe buýt cũng liên tục chịu cảnh bị... "bao vây" bởi dòng ôtô con, xe máy dày đặc.

Đánh giá về tình hình giao thông ở khu vực trên, các chuyên gia kinh tế - đô thị nhìn nhận để giảm áp lực và tạo đà phát triển kinh tế, ít nhất cần 3 cây cầu và phải nhanh chóng thực hiện.

Khởi động gần như cùng lúc 2 dự án kết nối

Theo quy hoạch, sẽ có 5 cây cầu và một hầm chui nối các khu vực khác của TP với khu đô thị Thủ Thiêm. Hiện đã có cầu Thủ Thiêm 1 và hầm vượt sông Sài Gòn nối quận 2 và quận 1. Đầu năm 2015, cầu Thủ Thiêm 2 với tổng số vốn gần 3.100 tỉ đồng. Mới đây, UBND TP đã khởi động dự án cầu Thủ Thiêm 4 khi ban hành quyết định về "Phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Thủ Thiêm 4". Cầu Thủ Thiêm 4 được xác định là một trong các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, cần ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung toàn khu vực. Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) TP được giao chủ trì việc tổ chức thi tuyển để làm cơ sở triển khai dự án. Theo yêu cầu của UBND TP, cầu Thủ Thiêm 4 phải có kiến trúc mang tính biểu tượng, độc đáo, góp phần tạo dựng nét đẹp của TP. Do vậy, yêu cầu đặt ra phải bảo đảm hài hòa với cảnh quan sông Sài Gòn, các công trình lân cận và quy hoạch đô thị hai bên bờ sông.

Cầu Thủ Thiêm 4 là cầu vượt sông Sài Gòn kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc quận 2 với quận 7. Điểm đầu dự án bắt đầu từ trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh (khoảng 200 m về phía giao lộ trục đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập). Điểm cuối dự án giao giữa đường trục Bắc Nam với tuyến R4 thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu đô thị mới Nam Sài Gòn được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông từ khu Nam TP về trung tâm, đồng thời sẽ giúp khu đô thị này phát triển nhanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.

Thêm một động thái nữa từ chính quyền TP để thúc đẩy khu đô thị mới Thủ Thiêm khi Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan vừa giao Sở QH-KT hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức tuyển chọn và nhiệm vụ thiết kế tổ chức tuyển chọn "phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn" kết nối trung tâm quận 1 với khu Thủ Thiêm.

Ông Võ Văn Hoan cho rằng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có vị trí dự kiến gần Quảng trường Hồ Chí Minh và đặc biệt gần Cột cờ Tổ quốc tại quảng trường. Vì vậy, ông đã yêu cầu Sở QH-KT cần nghiên cứu tính toán vị trí cầu cho hợp lý, hài hòa với tổng thể chung của quảng trường. Sở QH-KT cũng cần nghiên cứu thêm phương án tổ chức giao thông (kể cả phương án bố trí chỗ đậu xe) tại hai chân cầu ở quận 1 và quận 2 nhằm tránh xung đột giao thông tại đây. Ngoài ra, cần có nhiều phương án, giải pháp tiếp cận giao thông cho công trình (hướng lên xuống cầu), kết hợp giữa hệ thống giao thông hiện nay và hệ thống giao thông trong tương lai khi đường Tôn Đức Thắng và công viên Bạch Đằng được xây dựng hoàn chỉnh.

Bung mở đường ra - vào Thủ Thiêm - Ảnh 1.

Hiện tại, tình trạng “chôn chân” ở khu vực cầu Thủ Thiêm thường xuyên xảy ra vì hướng ra - vào đang bị hạn chế kết nối. Ảnh: GIA MINH

Phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - đô thị, nhìn nhận dự án cầu Thủ Thiêm 2 và 4 thực sự cấp bách bởi sẽ mở bung việc kết nối giữa các khu vực trong điều kiện tốc độ đô thị ở quận 2, 7 và 1 đang rất nhanh. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng các dự án này đều liên quan rất lớn đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng cùng các lợi ích về bất động sản. Do đó, TP cần phải tính toán để có phương án khả thi, trong đó xác định và tận dụng những giá trị, lợi ích liên quan có thể mang lại.

Đồng tình việc xây dựng các cây cầu, mở tuyến kết nối giữa trung tâm TP và Thủ Thiêm là phù hợp nhưng KTS Ngô Viết Nam Sơn khuyến cáo trong bài toán tổng thể, TP HCM cần xem lại quy hoạch và xác định rõ việc xây cầu phải tạo ra sự kích thích phát triển ở hai bên, nhất là Thủ Thiêm.

Ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng giá trị cao nhất của Thủ Thiêm là nằm ở vị trí bên kia sông Sài Gòn so với trung tâm TP. Thế nhưng, suốt nhiều năm qua, sự phát triển rất chậm do thiếu kế hoạch thực hiện quy hoạch thiếu tầm nhìn kết nối với khu trung tâm. "Vấn đề trên cho thấy cần "nắn" lại những quy hoạch này cũng như sự kết nối, kích thích phát triển ở cả 2 bên" - ông Sơn nói.

Trong bối cảnh đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận vấn đề chính đối với việc thực hiện các dự án như xây dựng cầu đi bộ, cầu Thủ Thiêm 2, 3 và 4, đầu tiên là phải nghiên cứu lại quy hoạch, trong đó đặc biệt là khả năng kết nối. Theo ông, ngoài cầu Thủ Thiêm 2 đã khởi công những cây cầu còn lại cần tính toán, có đánh giá phù hợp về vị trí cũng như những tác động để phát triển. Với riêng kế hoạch xây dựng cầu đi bộ, dù đánh giá việc xây dựng là phù hợp nhưng ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần có thêm sự kết hợp với hệ thống giao thông công cộng bởi nếu chỉ phục vụ đi bộ sẽ rất lãng phí. Vì vậy, TP nên nghiên cứu mở thêm các tuyến xe buýt điện lưu thông qua thì khả năng kết nối sẽ tăng thêm, đồng thời thuận tiện hơn trong việc đi lại. 

Nên sớm khởi động dự án cầu Thủ Thiêm 3

Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng sự kết nối quận 2 với quận 1, quận 7 đã được đẩy mạnh với dự án cầu Thủ Thiêm 2, 4 nhưng về phía quận 4 thì vẫn chưa có động thái gì đáng kể. Do đó, cũng cần quan tâm, đẩy mạnh dự án cầu Thủ Thiêm 3 kết nối quận 2 với quận 4.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, khi xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 cũng cần xác định phải chỉnh trang đô thị ở quận này. "Khi xây cầu, giá trị ở 2 bên đầu cầu sẽ tăng lên. Vì thế cần có kế hoạch để kích thích và phát triển. Nếu các dự án kết nối với Thủ Thiêm xây dựng đồng bộ, phù hợp theo định hướng quy hoạch thì không chỉ đóng góp rất lớn cho ngân sách TP mà còn tự kích thích sự phát triển ở khu vực này" - KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo