Sau quá trình bàn thảo thận trọng, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, lắng nghe ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, chắt lọc kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, ngày 23-11-2017, UBND TP HCM đã phê duyệt Đề án Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đây là một đề án rất quan trọng, tập trung vào 4 trụ cột: Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội và Trung tâm an toàn thông tin TP HCM.
Dấu ấn
Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết sau hơn 4 năm triển khai Đề án Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh, thành phố đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều sở, ngành và địa phương đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ giúp nâng cao hiệu quả quản lý. Đặc biệt trong năm 2021, nền tảng công nghệ đã giúp thành phố giải quyết nhiều bài toán "khó nhằn" trong phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, TP HCM đã triển khai Cổng thông tin An toàn COVID (http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/) để phục vụ kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Tiếp đó, để đáp ứng nhu cầu của người dân, Cổng thông tin 1022 đã mở rộng đến 10 nhánh, tiếp nhận thông tin trên 14 lĩnh vực; riêng lĩnh vực y tế sử dụng 6 nhánh đến nay vẫn tiếp tục duy trì. Tổng số cuộc gọi Tổng đài 1022 tiếp nhận trong 5 tháng của đợt dịch Covid-19 thứ 4 là hơn 2,1 triệu cuộc gọi, có thời gian cao điểm lên đến 110.000 cuộc gọi/ngày. Để có thể tiếp nhận số lượng lớn cuộc gọi, Sở Thông tin và Truyền thông đã ứng dụng trợ lý ảo vào hệ thống; đồng thời, với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, sở đã huy động có thời điểm lên đến gần 300 tổng đài viên nhận và xử lý các cuộc gọi của người dân.
Bên cạnh đó, hệ thống tổng đài của Trung tâm Cấp cứu 115 được mở rộng, đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ cấp cứu trong tình hình dịch căng thẳng… Rồi ứng dụng quản lý và hỗ trợ tìm giường ôxy "Oxy 247" trên điện thoại di động được thiết kế đơn giản và tiện lợi đã hỗ trợ cho các gia đình, cơ quan y tế nhanh chóng tìm được bệnh viện còn giường ôxy và máy thở để kịp thời cấp cứu bệnh nhân; đồng thời giúp chính quyền các cấp điều phối các nguồn ôxy một cách hiệu quả. Sở Giao thông Vận tải TP HCM cũng đã nhanh chóng xây dựng phần mềm thực hiện cấp giấy ưu tiên phương tiện có mã QR trong giai đoạn giãn cách xã hội, giúp tạo luồng xanh đường bộ và đường thủy cho vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm lưu thông trong nội đô và vận tải liên tỉnh thông suốt.
Trung tâm giám sát, điều khiển giao thông thông minh ở TP HCMẢnh: HOÀNG TRIỀU
Tăng tốc
Nhìn nhận về những khó khăn chồng chất, chưa từng có do đại dịch Covid-19 hồi năm 2021 mà TP HCM phải đối mặt, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Thị Trung Trinh cho rằng đây chính là bối cảnh khách quan cũng là nhu cầu tự thân thúc đẩy thành phố phải chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh nhanh hơn, hiệu quả hơn. Từ thực tiễn đó, TP HCM xác định phải đổi mới tư duy và nhận thức về xây dựng đô thị thông minh theo hướng đô thị thông minh phải gắn với chuyển đổi số. Ngày 28-2-2022, UBND TP HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình "Chuyển đổi số của TP HCM" và Đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh" năm 2022.
Trong chương trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, trên 900 đơn vị của hệ thống chính quyền thành phố đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục và đào tạo, môi trường, quy hoạch đô thị, an ninh trật tự cũng triển khai nhiều ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn và cung cấp dịch vụ cho người dân. Năm 2022, ngành thông tin và truyền thông được kỳ vọng tiếp tục phát triển nhanh, mạnh để thúc đẩy chuyển đổi số trong kiểm soát dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của người dân và doanh nghiệp cũng như khơi thông, phát huy nguồn lực xã hội để phát triển thành phố.
Bảy nhóm đầu việc quan trọng sẽ được TP HCM thực hiện trong thời gian tới về chuyển đổi số và xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh. Một là, nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số. Hai là, hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số. Ba là, phát triển nền tảng số, hạ tầng số (phát triển nền tảng số; phát triển hạ tầng số; triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP HCM giai đoạn 2020-2030" để thúc đẩy trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững). Bốn là, xây dựng chính quyền số (phát triển các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước; xây dựng, triển khai, vận hành Hệ thống cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính TP HCM; mở rộng, phát triển, bổ sung tính năng cho tổng đài 1022 và hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113-114-115). Năm là, hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số (nghiên cứu, đề xuất để phát triển thành phố thành trung tâm công nghệ tài chính - Fintech hub; nghiên cứu đề xuất các chính sách thử nghiệm (sandbox); đề xuất cơ chế để các doanh nghiệp sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ chuyển đổi số; hoàn thiện Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số của thành phố (DXCenter). Sáu là, các trụ cột của Đề án Đô thị thông minh (Kho dữ liệu dùng chung; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; Trung tâm an toàn thông tin thành phố). Bảy là, triển khai chuyển đổi số và đô thị thông minh trong các ngành, lĩnh vực, gồm: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng.
TP HCM thực hiện kế hoạch chuyển đổi số và triển khai xây dựng đô thị thông minh với mục tiêu nhất quán và xuyên suốt là: Người dân làm trung tâm của đô thị, sẽ có chất lượng sống tốt hơn, được phục vụ tốt hơn và có thể tham gia quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.
6 chỉ tiêu khi xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số
- 85% người dân có điện thoại thông minh.
- 70% hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng.
- Tăng 10% tỉ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ được giải quyết (tính theo thủ tục hành chính được đưa vào trực tuyến) so với năm 2021.
- 100% thủ tục hành chính trong Danh mục thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn TP HCM đã được UBND thành phố phê duyệt phải được áp dụng.
- 100% sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện, UBND xã, phường, thị trấn thực hiện ứng dụng thanh toán điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính.
- Kinh tế số đóng góp 15% GRDP thành phố.
Bình luận (0)