Vào đầu thập niên 90, thị trường báo chí sống động của TP HCM (tôi nhấn mạnh khái niệm "thị trường", từ cấm kỵ khi nói đến báo chí thời bấy giờ) dường như đã hoàn tất việc phân ngôi thứ. Một Sài Gòn Giải Phóng thống lĩnh thị trường báo ngày ở phía Nam, một Tuổi Trẻ đang là leader, một Thanh Niên đang định hình mạnh mẽ.
Sứ mệnh nặng nề
Thời điểm này, Công Nhân Giải Phóng vẫn còn trong chế độ bao cấp, in báo theo chỉ tiêu đầu công nhân và Công đoàn cơ sở trích quỹ mua. Trong bối cảnh đó, anh Phan Hồng Chiến từ Ban Tuyên huấn Thành ủy, Thẩm Tuyên từ Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM được điều về cùng chị Nguyễn Thị Hằng Nga hình thành Ban Biên tập mới với sứ mạng "Làm sao để tờ báo xứng đáng là tiếng nói của giai cấp công nhân của một TP lớn nhất nước" như Chủ tịch LĐLĐ TP Hoàng Thị Khánh giao phó. Sáu tháng sau, báo đổi tên thành Người Lao Động.
Lực lượng mỏng, cơ sở vật chất không có, kể cả trụ sở cũng tạm bợ, Ban Biên tập chưa có kinh nghiệm, dù được sự hỗ trợ nhiệt tình của nhiều đồng nghiệp, tờ báo trải qua 4 năm loay hoay tìm chỗ đứng mà không xác định nổi được đường lối biên tập. Chân dung mờ nhạt.
1994, tôi trúng tuyển vào Trường Báo chí Bordeaux (Pháp), 1 trong 7 trường đào tạo nhà báo chuyên nghiệp quan trọng nhất của Pháp liên thông với hệ thống đào tạo chuẩn châu Âu, được các hiệp hội nghề nghiệp ký thỏa ước công nhận chất lượng.
Gánh nặng đè trên lưng trở thành nỗi lo thường trực: Vực dậy tờ báo và thực hiện sứ mạng "tổ chức bộ máy, xây dựng đường lối, quản trị phát triển tờ báo".
Tác giả làm việc với Tổng Biên tập báo Sud-Ouest (Pháp) năm 1995 trong thời gian làm thực tập sinh ở các báo Pháp
Bước ngoặt
Một năm nghiên cứu ở Pháp cung cấp cái nhìn bao quát về truyền thông hiện đại mà báo chí chỉ là một bộ phận; quy trình và các mô hình tổ chức tòa soạn, tổ chức dây chuyền sản xuất tin bài, xuất bản; đường lối báo chí thực hành "tin tức vừa phải có giá trị sử dụng vừa có giá trị giải trí" trước khi nói đến tính chất và bản chất của thông tin; ý nghĩa và phương pháp tổ chức các chiến dịch truyền thông, tạo sự kiện báo chí, tự tạo đề tài dẫn dắt dư luận; các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quản trị - điều hành sự khác biệt, liên tục phát triển các điểm hội tụ cung - cầu thông tin giữa tờ báo và độc giả; các mô hình dàn trang chức năng và quản lý nội dung cận điểm… Có thể những điều này ngày nay không mới nhưng lúc đó, trong không khí giáo điều, nhiều thứ bị xem là cấm kỵ, là theo đuôi thị trường, mất tính giai cấp…
Tháng 9-1995, tôi từ Tân Sơn Nhất trở về, tirage (số báo phát hành) chỉ còn 13.000 số, có thể gọi đó là đáy chưa? Chỉ biết tình hình thắt lưng buộc bụng đã được thực thi. Trong hoàn cảnh này, mọi đổi mới rất dễ gây xáo trộn tâm lý và cũng khó biết bắt đầu từ đâu so với bài bản nghiên cứu. Trực giác chỉ đạo: Phải bỏ qua tất cả mọi bài bản. Tôi đề xuất với Tổng Biên tập một sáng kiến bất chợt đến: Tạo ra trang Việc làm, một nội dung mà ai cũng cần trong thời điểm đổi mới này, từ những điều tai nghe mắt thấy bên Tây: Có việc làm là có tất cả, mất việc thậm chí cả vợ cũng không còn.
Cũng bằng trực giác, Tổng Biên tập Phan Hồng Chiến và Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thị Hằng Nga ủng hộ tuyệt đối và đề nghị thêm trang Đời sống để chuyển tải các thông tin "sử dụng được" như tôi trình bày. Ngân sách eo hẹp được dốc vào cuộc chơi để in thêm 2 trang không tăng giá, tặng bạn đọc, chúng tôi muốn tránh mọi xáo trộn nội bộ khi phải xào xáo các "lãnh địa".
Ngày 13-10-1995, Báo Người Lao Động ra 2 trang Việc làm - Đời sống song song với việc thay đổi manchette. Đáp ứng của bạn đọc hết sức tích cực. Từ LĐLĐ, góp ý đầu tiên là: "Đúng hướng rồi! Đúng hướng rồi!". Tirage phục hồi và vượt gấp rưỡi mức cũ.
Một tháng sau, Tuổi Trẻ ra trang Tuổi Trẻ và Việc làm. Phụ Nữ TP HCM cũng ra trang Phụ nữ và Việc làm. Lao Động cũng tiến về phương Nam với một chiến dịch Việc làm đúng bài bản để cạnh tranh…
Có thể khẳng định Báo Người Lao Động là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam đưa việc làm - một loại rao vặt, trở thành một lĩnh vực thông tin lớn, ngang hàng với chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa văn nghệ... và khẳng định thị trường lao động đã hiện hữu chứ không phải chỉ do nhà nước phân công.
Những thành công đó giúp chúng tôi điều kiện cải tổ toàn diện, hình thành diện mạo một Người Lao Động chuyên nghiệp. Tôi đề xuất bỏ tờ Cuối tuần dạng tạp chí và đổi khổ để thống nhất đường lối ngôn luận, báo ra 2 kỳ/tuần.
Ngày 1-4-1996, khi Báo Người Lao Động chính thức xuất bản 2 kỳ/tuần, trang Việc làm và Đời sống được chuyển vào cơ cấu của 8 trang nội dung chính thức. Nhiều vấn đề nghiệp vụ được tiến hành đào tạo tại chỗ, liên tục qua thực tế.
Từ kinh nghiệm của Ouest-France, Le Parisien, Sud Ouest, chẻ nhỏ địa bàn thông tin, xác định những tiểu phân khúc…, Ban Biên tập quyết định tiến hành cải tiến nội dung (ra mắt trang Sài Gòn (thứ hai), Chợ Lớn (thứ tư), Gia Định (thứ sáu).
Nhà báo Thẩm Tuyên tham gia Hội đồng Xét duyệt các dự án báo chí quốc tế Pháp ngữ tại Liban năm 2015
Dấu ấn nghiệp vụ
Thời điểm này, chúng tôi áp dụng phương pháp cực đoan. Đặt ra đề tài phải trả lời câu hỏi: Ai đọc? Đem lại lợi ích gì cho độc giả? Tin tức phải sử dụng được trong đời sống như thế nào thì mới gọi là tin.
Trong chiều hướng đó, tòa soạn tập trung làm 2 trang chuyên đề Giáo dục và Sức khỏe là 2 trang chuyên đề mạnh bên cạnh trang Chính trị - Công đoàn để hoàn thiện định hướng ngôn luận - biên tập nói trên: Giúp công dân Tự bảo vệ - Làm chủ - Phát triển cá nhân.
Tuy nhiên, việc làm chưa phải là cú đột phá đúng bài bản, cần một scandale báo chí đúng nghĩa, hoặc tìm ra một sự kiện inédit (chưa được công bố), một scoop để tự quảng bá, mở đường vươn xa trên các vùng miền.
Ngày 17-10-1996, diễn viên Lê Công Tuấn Anh qua đời. Biết thông tin diễn viên này được nhiều người hâm mộ yêu mến trong khi báo đang cần một sự kiện để phát triển. Cái khó là tìm cách thể hiện sự kiện này như thế nào vì báo chí chưa bao giờ làm lớn sự kiện liên quan đến diễn viên như vậy. Anh Phan Hồng Chiến xin ý kiến của chị Hoàng Thị Khánh (Chủ tịch LĐLĐ TP - cơ quan chủ quản), được chị đồng ý với điều kiện không được đụng đến đời tư. Vậy là chúng tôi quyết định tăng thông tin về Lê Công Tuấn Anh lên 1 trang (khổ lớn) trong nhiều số báo liên tiếp, thi triển đủ các bài bản làm scandale, thật sự tạo nên một scoop có tác dụng "địa chấn". Chỉ trong vài ngày, tirage tăng lên liên tục, 40.000, 70.000 rồi 120.000, 180.000 tờ. Chúng tôi dự kiến sau sự kiện, tirage rớt xuống mức 70-80.000 tờ là vừa đủ. Bởi, thời điểm đó, nguồn nhân lực của Người Lao Động chưa đủ sức duy trì một tirage cao và chưa đủ sức quản trị phát triển dài hạn. Mọi việc diễn ra đúng dự kiến.
Thừa thắng xông lên, Báo Người Lao Động tăng 4 kỳ/tuần theo một cách thức không giống ai: Thứ hai, tư, sáu, bảy để tập dượt làm nhật báo. Tháng 1-1998, từ thông tin tổng kết có 40.000 công nhân bị mất việc trong năm 1997 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, Báo Người Lao Động quyết định tung "Chiến dịch 15 ngày giúp bạn bước vào thế giới việc làm" ở TP HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và Cà Mau. Trên bình diện xã hội, chiến dịch này thực sự là cú đấm mạnh vào tình hình "đóng băng ảo" của thị trường việc làm. Nó khẳng định: Vũ khí thông tin khi sử dụng đúng mục tiêu sẽ tạo ra hiệu năng cần thiết thúc đẩy sự phát triển.
Chiến dịch Việc làm, Hội chợ Việc làm, Đưa trường học đến thí sinh đã trở thành thương hiệu của Người Lao Động.
Cần nhấn mạnh ở đây phương pháp trình bày gắn chặt với nội dung, tờ báo đã áp dụng cách dàn trang chức năng và phân trang theo luật cận điểm, ban đầu trang nhất "tủ kiếng trưng bày" gây ra nhiều phản ứng chống đối trong nội bộ cũng như chỉ trích của đồng nghiệp về sự "lãng phí diện tích". Nhưng không lâu sau đó đã trở thành xu thế chính cho đến nay.
Ngày 12-9-1998, "Đường dây nóng chống lạm thu trong nhà trường" được chính thức phát động và kéo dài đến tháng 11-1998. Trong chiến dịch này, báo sử dụng đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ cơ bản: bình luận, xã luận, ký sự, phỏng vấn, phóng sự, điều tra… và đã nhận được phản ứng tích cực từ các nhà quản lý, thu hút sự hưởng ứng rộng rãi của báo chí TP và Trung ương. Hội tụ đủ những yếu tố chuyên môn nghiệp vụ báo chí hiện đại, mang ý nghĩa phương pháp luận, thông qua chiến dịch này, báo rút ra được bài học kinh nghiệm về các yếu tố dẫn đến thành công của một chiến dịch thông tin. Cũng từ thành công của chiến dịch này, báo phát động nhiều chiến dịch thông tin khác, ví dụ TP HCM trong "tâm bão" ma túy, Hộp thư mật phòng chống ma túy, TP HCM: Làng hay đô thị… Mỗi chiến dịch đều tạo nên hiệu ứng xã hội.
Giai đoạn 1996-2003, Báo Người Lao Động tăng lên 4 rồi 6 kỳ xuất bản/tuần, đồng thời ngày 28-7-2000 báo chuyển từ khổ lớn A2 sang khổ nhỏ A3 cho đến ngày nay, bên cạnh đó là chuyên san Thế giới @. Website Người Lao Động Online cũng là một trong những website đầu tiên nhưng không đủ nguồn lực nhân sự và tài chính để phát triển, chỉ báo hiệu sự có mặt của thương hiệu Người Lao Động trên xa lộ thông tin toàn cầu. Năm 2005, báo ra ấn bản màu Người Lao Động Chủ nhật phủ sóng đủ 7 ngày trong tuần.
Thay lời kết
Nửa đầu thập niên 90, sự xuất hiện của Người Lao Động Chủ nhật với ê-kíp Tống Văn Công - Lý Quý Chung theo tôi là một dấu ấn quan trọng của làng báo, một ê-kíp tập hợp những cây bút cả trong Nam và ngoài Bắc với những cú đấm thông tin đột phá, lần đầu tiên bande dessinée được tái hiện với tài năng của Chóe đã tạo dấu ấn trên báo chí Việt Nam. Nửa sau của thập niên, đó là sự trỗi dậy của Người Lao Động, dù ê-kíp trẻ, không đồng đều như Lao Động nhưng là một minh chứng cho sức mạnh của đường lối biên tập - truyền thông mới, của nghiệp vụ báo chí hiện đại, coi độc giả là tác nhân thời sự: Cả tờ báo là một khối thông tin thực hành giúp bạn đọc có kiến thức đối phó với những biến động xã hội, tự bảo vệ và phát triển năng lực cá nhân làm chủ cuộc sống.
Cũng phải ghi nhận thái độ vô tư của Hiệu trưởng Trường Báo chí Bordeaux Daniel Garrec và Trưởng Khoa Edith Remond, trước các yêu cầu có thể coi là quá đáng, vẫn sẵn sàng lập hội đồng khảo sát và chấp nhận mọi đề xuất, trở thành người giám hộ và tổ chức các hoạt động nghiên cứu riêng của tôi. Nhờ vậy, tôi trở thành thực tập sinh của báo Sud-Ouest, một tập đoàn báo chí vùng Aquitaine xuất bản 22 ấn bản báo hằng ngày với tirage 450.000 bản; tờ Ouest-France, nhật báo 42 ấn bản hằng ngày vùng Bretagne, có tirage cao nhất Pháp, thuộc câu lạc bộ các tờ báo triệu bản của châu Âu; tờ Le Monde nơi tôi được tham dự Hội đồng Biên tập mỗi buổi sáng và trực tiếp bên cạnh Chủ tịch Jean-Marie Colombani. Đặc biệt nhất là tờ Le Parisien 500.000 bản với 10 ấn bản địa phương và một ấn bản quốc gia tên Aujourd’hui, tôi đã tiến hành nghiên cứu suốt từ 1995-2003 và mỗi lần trở lại đều tự do như người nhà… Đó là chưa kể nửa tháng nghiên cứu trong lòng tờ Hamburger Zeitung và Berliner Zeitung của Đức với sự phiên dịch của thầy tôi, PGS-TS Karsten Kurowski, cùng nhiều chuyến tham quan nghiệp vụ mà ấn tượng nhất là lần đến nghiên cứu dây chuyền sản xuất và mô hình quản trị của tập đoàn truyền thông lớn thứ nhì thế giới Bertelsmann. Tìm hiểu lịch sử Báo Người Lao Động không thể bỏ qua ảnh hưởng của những tờ báo này.
Trong những bước đi và bước ngoặt lịch sử của Người Lao Động, dấu ấn Hoàng Thị Khánh mang tính quyết định với tư cách một chủ nhiệm, vai trò dẫn dắt chính trị của Tổng Biên tập Phan Hồng Chiến và sự nhạy bén với cái mới, sự lăn xả vô tư và đoàn kết lực lượng của Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thị Hằng Nga là những điểm son tồn tại mãi trong lịch sử tờ báo.
Những đóng góp nghiệp vụ của Người Lao Động
Khai sinh trang Việc làm và khẳng định lĩnh vực thông tin Việc làm.
Là tờ báo đầu tiên có thiết kế tiếp cận trình độ trình bày nhật báo hiện đại.
Tờ báo đầu tiên địa phương hóa thông tin với phương thức định vị thị trường khu vực.
Hoàn thiện kỹ thuật làm chiến dịch thông tin trong thực tiễn đời sống báo chí.
Đi đầu vận dụng đường lối báo chí thực hành - đại chúng, cá thể hóa thông tin hướng tới phát triển cá nhân trong biến động xã hội đô thị theo quan điểm: Tôn trọng sự thật - Bình luận tự do.
Tờ báo đầu tiên có chuyên trang Bạn đọc viết báo, ngày nay quen thuộc với khái niệm báo chí tương tác.
Tờ báo đầu tiên sử dụng tên trang Sức khỏe với định hướng sức khỏe cộng đồng.
Bình luận (0)