Tổng thống Donald Trump hôm 5-8 đã đưa ra lời cáo buộc như vậy đối với Trung Quốc. Tôi cho rằng việc Trung Quốc đối phó với chính sách đánh thuế vào các mặt hàng của nước này xuất khẩu sang Mỹ bằng cách phá giá đồng NDT được coi như bắt đầu một cuộc "so găng" tiền tệ. Đây là bước đi rất nghiêm trọng trong cuộc chiến thương mại - kinh tế giữa hai cường quốc này.
Với động thái nói trên, hàng hóa Trung Quốc sẽ rẻ hơn một cách đáng kể, khiến cho Mỹ dù có tiếp tục đánh thuế vào hàng Trung Quốc thì việc xuất khẩu từ nước này sang Mỹ vẫn có thể tăng lên do lợi thế về giá. Chưa kể, năng lực cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc trên thị trường thế giới sẽ mạnh hơn rất nhiều. Từ đó, hoàn toàn có khả năng xuất hiện một làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ tràn sang Việt Nam, cạnh tranh gay gắt với hàng nội địa, tạo ra những thách thức hết sức nghiêm trọng cho nền sản xuất trong nước của chúng ta.
Đáng lưu ý, ngoài nhập khẩu chính ngạch, Việt Nam còn có quan hệ giao thương biên mậu, tức nhập khẩu không chính thức từ Trung Quốc, trong nhiều năm qua. Với đường biên giới dài đến gần 1.500 km và đội ngũ người Việt "cõng" hàng qua biên giới rất đông đảo, hàng Trung Quốc giá siêu rẻ càng rộng đường vào thị trường nội địa Việt Nam, len lỏi đến từng ngõ ngách, xóm làng. Con số nhập khẩu này gần như không thể thống kê, tính toán được, đồng nghĩa rằng mức ảnh hưởng đến nền kinh tế là vô cùng khó lường. Các cơ quan chức năng cần tính ngay đến giải pháp ứng phó cấp bách là kiểm soát biên mậu một cách rất nghiêm túc, không được nhân nhượng trước tình trạng một số địa phương tiếp tay cho kinh tế biên mậu do có những lợi ích riêng.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Với việc Trung Quốc phá giá đồng NDT đến mức kỷ lục, tương ứng đồng tiền Việt Nam sẽ mạnh lên, dẫn đến giá hàng Việt xuất khẩu không còn cạnh tranh nữa. Như vậy, không chỉ hàng hóa nội địa bị ảnh hưởng mà hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Đồng NDT của Trung Quốc vốn không được thả nổi trên thị trường mà luôn được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kiểm soát chặt. Bước đi lần này của Trung Quốc cho thấy bản thân cường quốc này cũng chấp nhận mạo hiểm và chấp nhận rủi ro về phía chính họ. Dự báo, Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá đồng tiền của họ tới mức 7,2 NDT/USD. Từ đây, chính sách tiền tệ của không ít quốc gia sẽ biến động. Chẳng hạn, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng đã có động thái hạ giá đồng tiền của họ.
Thị trường toàn cầu cũng sẽ có phản ứng mạnh mẽ bởi tác động của việc ứng xử qua lại giữa hai quốc gia dẫn đầu thế giới này. Việt Nam không tránh khỏi áp lực khi tỉ giá biến đổi trong cuộc "so găng" tiền tệ đang có nguy cơ lan rộng vùng ảnh hưởng sang nhiều nước như hiện nay. Các ngành nông - lâm - thủy sản vốn có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ chịu nhiều bất lợi trong diễn biến khó lường từ hai nước lớn. Động thái đó cũng có thể gây áp lực lên đồng tiền Việt Nam dù thúc đẩy xuất khẩu không phải là trọng tâm chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tiền tệ.
Bình luận (0)