Từng tiên phong trong tiến trình công nghiệp hóa ngành trứng gia cầm Việt Nam từ năm 2006, năm 2022 tiếp tục đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Công ty CP Ba Huân (sở hữu thương hiệu trứng Ba Huân) khi bắt tay với Tập đoàn FPT để thực hiện chuyển đổi số toàn diện, mục tiêu hiện thực hóa tầm nhìn trở thành công ty công nghệ cao và bền vững, hướng đến mô hình chuẩn về chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp.
Bước ngoặt chuyển đổi số
Theo thỏa thuận hợp tác được ký kết vào cuối tháng 9-2022, FPT sẽ tư vấn cho Công ty Ba Huân các giải pháp số phù hợp cho tất cả các lĩnh vực hoạt động, gồm chăn nuôi, sản xuất, cung ứng. Bên cạnh đó, tư vấn cho công ty xây dựng sản phẩm, số hóa sản phẩm; quản trị sản xuất tự động; quản trị nguồn lực; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu…
Trong vòng 8 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, FPT sẽ cùng Công ty Ba Huân hoàn thiện các giải pháp vận hành, giúp công ty nâng cao tính hiệu quả trong việc lập kế hoạch và quản lý vận hành mọi hoạt động. "Đây là giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp (DN) có thể phát triển nhanh, mạnh gấp nhiều lần hiện tại và vươn ra khỏi phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Tôi đã ấp ủ tầm nhìn chiến lược này từ nhiều năm nay nhưng với đặc thù công ty gia đình, do anh chị em tôi quán xuyến thì chưa đủ nguồn lực để triển khai" - bà Phạm Thị Huân (tên thường gọi là bà Ba Huân) cho hay.
Trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ngày càng gay gắt, các tập đoàn nước ngoài không ngừng đầu tư mở rộng, tham gia sâu vào tất cả các khâu và đưa sản phẩm ra thị trường nhiều hơn, nếu DN nội chậm thay đổi sẽ đi lùi, chấp nhận mất thị phần vào tay DN ngoại. Điều này buộc Công ty Ba Huân phải hành động. "Năm 2020, tôi bàn với anh Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, về việc đưa công nghệ vào phát triển công ty. May mắn là tôi tìm được cộng sự ưng ý tham gia điều hành công ty nên đẩy nhanh tiến độ số hóa" - bà Huân thông tin.
Người mà bà Huân nhắc đến chính là ông Trần Việt Hưng - cổ đông vừa nhận chuyển giao hơn 25% cổ phần Công ty Ba Huân và nắm quyền điều hành công ty khoảng 1 năm nay.
Bỏ ngoài tai mọi đồn đoán về tỉ lệ cổ phần đã bán và quyết định chuyển giao quyền điều hành, bà Huân cùng ban điều hành mới xây dựng chiến lược cho công ty. Một số nhân sự giỏi công nghệ, marketing được tuyển dụng, các phòng, ban chuyên môn được thành lập để chuyên nghiệp hóa hoạt động. Hợp đồng số hóa với Tập đoàn FPT được đẩy nhanh tiến độ thương thảo, ký kết để đi đến triển khai thực hiện.
Theo chiến lược đề ra, trong tiến trình số hóa mọi hoạt động, Công ty Ba Huân tập trung cải tiến sản xuất, tối ưu hóa hiệu quả chăn nuôi. Tỉ lệ hao hụt trong chăn nuôi giảm thiểu nhờ kết hợp giữa kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống và ứng dụng công nghệ. Số liệu thống kê trên 1 đàn gà 20.000 con đến 70 tuần tuổi cho thấy số gà chết chỉ 7-10 con.
"Đây là con số hao hụt cực kỳ thấp. Hiện tại, Công ty Ba Huân đã tăng đàn 20%-30% so với năm 2021. Các trang trại tự động của công ty có thể đo lượng thức ăn, thức uống, vắc-xin, chỉ số môi trường… cho từng lồng gà. Công ty đang cân nhắc đầu tư thêm 1 dự án số hóa để có thể kiểm soát được sức khỏe con gà theo từng lồng nuôi" - bà chủ Ba Huân hào hứng cho biết.
Ở khâu phân phối, nhờ thay đổi cách vận hành bán hàng mà gần như công ty không có thành phẩm trứng tươi. Thay vì xe giao hàng chở trứng từ nhà máy đến thẳng các kênh tiêu thụ như trước đây, công ty mở 5 hub (trung tâm kết nối) ở TP HCM và Bình Dương để trung chuyển, đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ hàng. Hiện tại, Công ty Ba Huân đang xúc tiến thủ tục để lấy giấy phép xuất khẩu trứng tươi sang thị trường Singapore, Malaysia. Mảng thực phẩm chế biến được tái khởi động, chuẩn bị cho sự ra mắt một số sản phẩm mới và gia tăng sự hiện diện tại các kênh phân phối.
Bà Phạm Thị Huân bên dây chuyền phân loại và đóng hộp trứng hiện đại của công ty Ảnh: Thanh Nhân
FPT huấn luyện nhân viên Công ty Ba Huân chuyển đổi sốẢnh: Tấn Thạnh
Dám buông và dám chấp nhận sự khác biệt
Nói rõ hơn về đối tác góp vốn, bà Phạm Thị Huân cho biết ông Trần Việt Hưng là con của một người bạn và có niềm đam mê lớn với nông nghiệp, từng làm việc ở nước ngoài. "Tôi chuyển nhượng cổ phần, giao quyền điều hành công ty cho Hưng, xem Hưng như con cháu trong nhà và là người nối nghiệp gia đình nên truyền nghề không giấu diếm. Điều kiện tôi đưa ra là Hưng phải giữ thương hiệu Ba Huân ít nhất 50 năm nữa" - bà Huân chia sẻ.
Bà chủ của trứng sạch Ba Huân tâm sự suốt 53 năm gắn bó với nông nghiệp, gầy dựng công ty thành thương hiệu dẫn đầu trong ngành trứng gia cầm, chiếm khoảng 30% thị phần trứng tươi tại Việt Nam, bà luôn đau đáu chuyện làm sao thương hiệu công ty mà mình và các em dày công xây đắp không bị mai một.
"Ai trong ngành cũng biết Ba Huân là công ty gia đình, có những giới hạn nhất định nên khó quản lý theo mô hình hiện đại. Các con, cháu trong nhà cũng không theo nghề này nên khả năng không có người tiếp nối cơ nghiệp. Trong nhiều năm, tôi có ý chọn đối tác góp vốn vào công ty, cũng là tìm kiếm thế hệ kế thừa" - bà Ba Huân nói về lý do đưa người ngoài vào quản lý công ty.
Bà kỳ vọng với kinh nghiệm hơn 50 năm của mình cùng năng lực điều hành, sự linh hoạt, nhanh nhạy, sáng tạo của vị CEO trẻ sẽ tạo nên sức bật cho trứng sạch Ba Huân trong giai đoạn mới.
Lý giải về quyết định chi hơn 1 triệu USD để chuyển đổi số, bà Ba Huân cho biết đây là khoản tiền không nhỏ trong bối cảnh kinh tế chung còn khó khăn nhưng buộc phải chi nhằm tạo nền tảng cho tương lai. "Lâu nay, Ba Huân tham gia thị trường bằng xuồng ba lá, mà xuồng nhỏ chỉ có thể quẩn quanh trong ao nhà chứ không thể vượt đại dương. Muốn ra biển, buộc phải trang bị tàu lớn. Đổi mới công nghệ, thiết bị và cả tư duy chính là con đường tất yếu đưa DN phát triển bền vững" - bà Ba Huân tâm huyết.
Năm 2022, Công ty Ba Huân tái cấu trúc mạnh mẽ nên xác định tăng trưởng "chậm mà chắc", chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 10% so với năm 2021. Trong quá trình chuyển giao giữa cách quản trị DN theo kiểu cũ và mới ít nhiều xảy ra những khác biệt. Chuẩn hóa mô hình hoạt động cũng dẫn đến những phát sinh chi phí ban đầu nhưng đó là khoản phát sinh cần thiết, phải chấp nhận. "Có thể có những bước lùi, những tổn thất nhất định nhưng đó cũng là bước đệm để đi tới. Đã quyết định trao quyền thì phải dám buông, dám chấp nhận sự khác biệt vì mục tiêu chung" - bà Phạm Thị Huân bộc bạch.
Cái chất nông dân của bà chủ Ba Huân không thay đổi, triết lý kinh doanh vì nền nông nghiệp Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam không thay đổi nhưng con người của Công ty Ba Huân phải thay đổi để đi tới, gầy dựng thương hiệu Ba Huân lớn mạnh".
Bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân
"Gái có công thì chồng không phụ"
Bà Phạm Thị Huân cho rằng công ty sống vững với nghề và chinh phục người tiêu dùng không chỉ bằng giá cả bình ổn mà còn ở chất lượng, "nói được làm được" và tinh thần chia sẻ, đồng hành với khách hàng. Tinh thần ấy thể hiện bằng hành động cụ thể trong đại dịch COVID-19: mặc dù chi phí đầu vào tăng cao, UBND TP HCM cho phép điều chỉnh giá trứng bình ổn nhưng Ba Huân quyết định không tăng như một cách đóng góp cùng thành phố chống dịch.
"Gái có công thì chồng không phụ. Ba Huân cũng không ngại cạnh tranh. Thậm chí, khi nghe có đơn vị nào làm là tôi rất vui, vì thị trường có phát triển thì kinh tế mới phát triển" - bà Huân nêu quan điểm và luôn dặn đội ngũ đừng "ngủ quên trong chiến thắng", phải quan sát thị trường và không ngừng học hỏi, chinh phục người tiêu dùng bằng cách cho đi trước, nhận lại sau.
Bình luận (0)