Mỗi năm người dân gửi về khoảng 500 tỉ đồng
Những ngày cận Tết Kỷ Hợi 2019, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Đi tới đâu chúng tôi cũng cảm nhận được không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết của người dân xã ven biển này. Những dãy nhà cao tầng, khang trang được người dân tất bật dọn rửa, sơn sửa lại. Đường làng, khắp nẻo rợp cờ, đèn trang trí. Chợ xã Cương Gián những ngày cận Tết đông đúc, tấp nập, xe máy, ô tô để tràn ra cả lề lòng đường. Hàng hóa chợ Tết ở đây rất phong phú, các loại đồ gia dụng, trang trí, thực phẩm, cây chưng Tết quất đào, các loài hoa được bày bán khắp nơi.
Người dân chen nhau đi sắm Tết, gặp ai gương mặt, nụ cười đều rạng rỡ. Chị Nguyễn Thị Hà, trú xã Cương Gián, đang đi sắm Tết, không giấu được niềm vui, chia sẻ: "Trước đây không riêng nhà mình mà cả làng đều chạy ăn từng bữa, nghèo khó thì cứ nghĩ đến Tết là lại lo. Giờ có chồng đi làm ở Hàn Quốc, không phải lo kinh tế nữa, Tết đến đi sắm ít đồ về chơi. Ở đây không riêng gì nhà em mà cả làng đều rộn ràng đi mua sắm".
Chợ Cương Gián ngày Tết
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào những năm 90 của thế kỷ trước, cũng như nhiều xã ven biển miền Trung khác, người dân xã Cương Gián quanh năm bám biển, bám ruộng đồng vẫn không đủ ăn. Nghèo khổ, từ khoảng năm 1995 trở đi, người dân Cương Gián tỏa đi khắp nơi làm ăn, trong đó có nhiều người đã mạnh dạn đi sang Hàn Quốc và một số nước khác lao động. Có tiền, họ gửi về quê, đưa người thân ra nước ngoài làm việc, đời sống của người dân khá hẳn lên. Cương Gián trở thành xã có số lượng người dân xuất ngoại làm việc đứng đầu trên cả nước.
Người dân xã Cương Gián tổ chức ăn tất niên trên đường xóm.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cương Gián, cho biết người dân trên địa bàn xã hiện đi xuất khẩu lao động ở nhiều nước trên thế giới, xã có 15.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 2.700 người đang làm việc tại nước ngoài. Bình quân mỗi năm người dân đi xuất khẩu lao động, sinh sống ở nước ngoài gửi về khoảng 500 tỉ đồng.
Xã Cương Gián ngày càng có nhiều nhà cao tầng.
Trên 2.500 dân đón Tết ở xứ người
Xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân đã "thay da, đổi thịt", người dân nơi đây đã trở nên no đủ, giàu có nhờ "xuất ngoại". Về Cương Gián những ngày cuối năm, ngoài việc thấy người dân có đời sống vật chất đầy đủ thì chúng tôi vẫn cảm nhận thấy nỗi buồn man mác vì ngày Tết nhưng mẹ cha phải xa con, vợ xa chồng, con thiếu vắng bố mẹ. Ông Nguyễn Văn Năm, xóm Cầu Đá, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, cho biết: "Nhà tôi cũng có con đang làm việc ở Hàn Quốc, ngày Tết ai làm cha, làm mẹ không mong được sum vầy với con cái. Tết giờ không thiếu thốn nhưng nghĩ tới con cái phải ăn Tết ở xa cũng thấy buồn và tủi thân".
Rời nhà ông Năm, chúng tôi đến nhà bà Hồ Thị Mai trú cùng thôn. Căn nhà vắng vẻ một mình bà Mai đang cặm cụi nhặt rau ở cuối vườn. Tâm sự với chúng tôi, bà cho biết chồng bà mới mất, bà ở với đứa con trai út nhưng 4 năm nay cháu đi làm ở nước ngoài không về. "Tết đến, nghĩ đến con ở xa buồn lắm. Giờ chỉ mong sao cho cháu có sức khỏe, có công việc ổn định, đi làm khi nào có kinh tế rồi về với mẹ cũng được".
Bà Hồ Thị Mai cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ tới đứa con trai phải ăn Tết nơi xứ người.
Ở xã Cương Gián, hầu như gia đình nào cũng có người thân ăn Tết ở xứ người. Tết đến, vật chất không thiếu nhưng không ít gia đình vui buồn đan xen. "Trong số 2.700 lao động ở nước ngoài có rất ít người về quê với gia đình ăn Tết. Vì mưu sinh nên hầu hết họ chấp nhận ăn Tết ở nước ngoài"- ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch xã Cương Gián, cho biết thêm.
Bình luận (0)