Sáng 19-8, tại khu vực sông Chà Và, các hộ dân nuôi cá lồng bè xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, phản ánh tình trạng cá bỏ ăn, thi nhau chết số lượng lớn.
Theo ghi nhận, số cá chết đa phần là cá chim sắp đến ngày xuất, một số khác đã bỏ ăn, nổi lừ đừ trên mặt nước. Các hộ dân nuôi cá cho biết cá có hiện tượng bỏ ăn từ nhiều ngày trước, sau đó chết hàng loạt, khiến người nuôi không kịp "trở tay".
Người dân tiếc nuối nhặt cá bỏ vào bao tải mang đi xử lý
VIDEO Cá chết bất thường trên sông Chà Và
Đây không phải lần đầu cá chết nơi đây, tuy nhiên theo người dân thì đây là lần khác lạ nhất, bởi trước đây cá chết từ phía các nhà máy chế biến hải sản (xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ) chết ra hướng biển. Thì nay, cá lại chết từ hướng cửa biển chết vào.
Anh Phạm Quốc Toàn (nuôi tại tiểu khu 3, sông Chà Và) lo lắng: “Chưa bao giờ có tình trạng cá chết từ cửa biển chết vào số lượng lớn như vậy, trước đó chúng tôi phát hiện nước đỏ ngầu, rồi chuyển qua đục, mấy ngày sau đó cá bỏ ăn và chết".
Cá chim sắp đến ngày thu hoạch thi nhau chết trắng lồng
Anh Toàn cho hay đợt này anh thiệt hại 60.000 cá chim với số tiền lên đến 4 tỉ đồng. Đây là số tiền anh vay mượn ngân hàng, người thân để đầu tư nuôi cá nhưng giờ thì trắng tay. “Không riêng tôi mà nhiều hộ dân nơi đây đều vậy, rơi vào cảnh nợ nần sau khi cá chết", anh Toàn tiếc nuối.
Cách đó không xa, một hộ dân khác cũng nghẹn ngào vớt từng bao cá mang lên bờ để xử lý, người này cho biết gia đình ông đã mất trắng hơn 1 tỉ đồng chỉ sau vài đêm.
Ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho hay xã đã cử người đi thống kê ban đầu về số lượng cá chết và hiện đang tiếp tục thống kê theo phản ánh của người dân. Cơ quan chức năng cũng cho người lấy mẫu cá, mẫu nước để kiểm tra. Bước đầu, thống kê 2 hộ thiệt hại đã là 3,1 tỉ đồng.
Cá chim đều đã lớn, một số sắp đến ngày xuất
Theo Chi cục Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời điểm khảo sát, các chỉ tiêu nguồn nước đo tại hiện trường cho thấy độ trong của nước thấp, nước có màu vẩn đục sau nhiều ngày mưa liên tiếp; hàm lượng o-xy hòa tan trong nước thấp so với ngưỡng cho phép, hàm lượng khí H2S vượt ngưỡng cho phép.
Đoàn đã lấy 2 mẫu cá và 2 mẫu nước, kết quả cho thấy cả 2 mẫu đều phát hiện vi khuẩn Vibrio spp, gây bệnh lở loét trên cá và có sự hiện diện của trùng quả dưa với mật độ cao bám vào da, mang, làm mang tiết nhiều nhớt, hạn chế quá trình hô hấp của cá.
Nguyên nhân do mưa nhiều làm các yếu tố môi trường có sự biến động lớn, đặc biệt độ mặn, độ trong của nước và hàm lượng khí H2S vượt ngưỡng là khí độc có hại cho cá, được sản sinh trong quá trình phân hủy chất hữu cơ ở đáy ao. Chất này cản trở cá sử dụng oxy, làm cá stress và giảm sức đề kháng. Cùng với tác nhân vi khuẩn Vibrio spp, gây lở loét, cá bỏ ăn, yếu và chết.
Bình luận (0)