Trong tiềm thức người dân Việt Nam luôn thể hiện sự tôn kính đối với các Vua Hùng, những người có công dựng nước. Từ đó, ở nhiều địa phương, chính quyền và người dân đã lập đền thờ Vua Hùng nhằm thể hiện sự tri ân đối với các bậc tiền nhân.
Khuôn viên trước cổng đền Vua Hùng tại ấp Giao Khẩu
Tại Cà Mau, vào khoảng năm 1870, người dân ấp Giao Khẩu dùng cây lá địa phương dựng đền thờ Vua Hùng. Theo lời nhiều hộ dân lớn tuổi kể lại, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngôi đền đã nhiều lần bị bom đạn giặc thù tàn phá. Người dân có lúc phải dời đền đi nơi khác để tránh bom đạn nhưng vẫn giữ nguyên lễ giỗ tổ vào ngày 10-3 (âm lịch) hằng năm.
Ngày đất nước giải phóng, sau nhiều lần tu sửa ngôi đền trở nên khang trang hơn. Tuy không ai bảo ai nhưng người dân nơi đây vẫn tự nguyện lo khói hương và dọn dẹp đền Vua Hùng. Qua đó, giúp cho ngôi đền luôn "ấm lửa" và trang nghiêm.
Khuôn viên trước sân đền vua Hùng tại ấp Giao Khẩu
Ông Trần Văn Thêm (75 tuổi; ngụ ấp Giao Khẩu), cho biết lúc còn nhỏ nghe cha mẹ kể những câu truyện về quá trình dựng nước của các Vua Hùng. Việc lo khói hương cho các vua Hùng là trách nhiệm của thể hệ con cháu đối với những bậc tiền nhân có công dựng và giữ nước.
"Người dân ấp Giao Khẩu đến đền Hùng thấp hương và dọn dẹp vào mỗi buổi sáng và chiều. Đối với tôi việc dựng đền thờ Vua Hùng có ý nghĩa rất lớn trong văn hóa tín ngưỡng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn", ông Thêm chia sẻ.
Người dân tập trung về đền Vua Hùng vào mỗi buổi chiều
Tiếp lời ông Thêm là ông Trần Văn Thuận, ông Thuận cho hay hằng ngày người dân ấp Giao Khẩu tập trung về đền thờ đông nhất vào buổi chiều và tối. Sau những giờ lao động vất vả, ông cùng người dân tập trung về đền Hùng để chia sẻ những kinh nghiệm đồng áng. Đồng thời, kể cho thế hệ trẻ nghe những câu chuyện về tinh thần tự lực tự cường, tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Một dân tộc luôn hướng mình ra biển lớn và quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.
Người dân đến dọn dẹp và dâng hương tại đền vua Hùng
Ông Phan Văn Thông, Phó Ban quản lý di tích đền thờ vua Hùng cho biết hằng năm vào khoảng tháng 2 (âm lịch) người dân bắt đầu dọn dẹp, trang trí khuôn viên đền thờ để chuẩn bị cho ngày giỗ tổ. Theo đó, lễ giỗ diễn ra từ ngày 8 đến10-3 (âm lịch) hằng năm. Trong đó, ngày 8,9 sẽ tổ chức các trò chơi, lễ hội dân gian để mọi người giao lưu và thắt chặt sự đoàn kết trong người dân. Trong đó, ngày 10-3 là ngày lễ chính. Lúc này, các thành viên trong Ban quản lý đền đưa các lễ vật gồm: bánh chưng, bánh giầy, trà hoa quả, xôi, heo quay, dưa hấu An Tiêm… lên kiệu để dâng lên Vua Hùng. Ngoài những lễ vật trong ban quản lý còn có các lễ vật của người dân kính dâng lên Vua Hùng bằng tất cả lòng thành.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau đến dự và chụp hình lưu niệm vào ngày giỗ tổ Hùng vương trước đó
Các năm trước, vào ngày giỗ quốc tổ có hơn 1.000 hành khách trong và ngoài tỉnh tìm về đền thờ Vua Hùng tại ấp Giao Khẩu để dâng hương. Khi buổi lễ kết thúc, các chị em phụ nữ sẽ đảm nhận việc nấu nướng để làm cỗ chiêu đãi hành khách, còn những thanh niên trong ấp sẽ lo việc dựng rạp, bàng ghế….cùng nhau chung vui ngày giỗ tổ.
"Tuy nhiên, năm nay trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, có thể ngày giỗ quốc tổ sẽ được tổ chức gọn nhằm hạn chế tập trung đông người để bảo vệ sực khỏe của người dân", ông Thông nói.
Bình luận (0)