Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 14-1 xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), cùng 21 đồng phạm trong vụ án "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), HĐXX tiếp tục mời các bị cáo lên trước bục tự bào chữa.
Sốc bởi mức án
Tại phiên tòa, bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc PVN, cho rằng giai đoạn trước ngày 28-2-2011 là ngày ký Hợp đồng 33, các tài liệu chứng cứ đã chứng minh việc chỉ định thầu PVC. "Cá nhân bị cáo không đề xuất chỉ định thầu Hợp đồng 33 và bị cáo có văn bản yêu cầu làm đúng theo quy định pháp luật. Ngoài ra, bản thân bị cáo không có bất cứ chỉ đạo nào về việc PVC và PVPower ký hợp đồng trái quy định của pháp luật" - ông Thực nói.
Liên quan đến vốn tạm ứng, bị cáo Thực cho biết trong 4 lần góp vốn thì 3 lần bị cáo không có ý kiến gì. Riêng 1 lần có ý kiến yêu cầu xem xét phù hợp với hợp đồng đã ký nhưng cấp dưới lại không làm đúng và không báo cáo.
Bị cáo Phùng Đình Thực tự bào chữa tại tòa Ảnh: TTXVN
Bị cáo Thực cho rằng bị cáo luôn làm việc công tâm, không tư lợi, không lợi ích nhóm, không ưu ái ai, kể cả PVC và cũng không bàn bạc riêng với cấp trên hay chỉ đạo riêng với cấp dưới. "Khi biết sai phạm, đã chỉ đạo giải quyết thanh lý hợp đồng ngay. Với số tiền tạm ứng được dùng sai mục đích, bị cáo cũng ký văn bản yêu cầu PVC báo cáo rõ ràng và có phương án khắc phục" - bị cáo Thực nêu rõ.
Ông Thực cho rằng trong quá trình điều tra cũng như ở phiên tòa, bị cáo luôn khai báo thành khẩn, không đổ lỗi cho cấp dưới mà chỉ đưa ra những chứng cứ mới để chứng minh mình vô tội, nhất là sự phân công, phân quyền rõ ràng, mỗi người mỗi việc. Bản thân bị cáo gắn bó với ngành dầu khí 40 năm và luôn cống hiến cho ngành. Cá nhân cũng được cấp thẩm quyền đánh giá có đóng góp đặc biệt xuất sắc, nhất là về các công trình khoa học.
Nói về bản luận tội của VKS, bị cáo Thực cho biết rất sốc trước mức án hết sức nặng nề (ông Thực bị đề nghị mức án từ 12-13 năm tù) dù bị cáo luôn thận trọng, trách nhiệm trong làm việc, đóng góp cho ngành dầu khí, giải trình mọi thứ công khai trước tòa.
"Căn cứ vào các chứng cứ mới cung cấp tại phiên tòa, đề nghị VKS xem xét lại tội "Cố ý làm trái", đề nghị HĐXX xem xét áp dụng công minh các hình phạt" - bị cáo Thực đề nghị.
Người nộp tiền, người tố ngược!
Sau bị cáo Phùng Đình Thực, đến lượt bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN, tự bào chữa. Bị cáo Khánh cho biết trong quá trình điều tra ông đã thành khẩn khai báo, trực tiếp giao nộp cả trăm trang tài liệu, góp phần điều tra mau chóng vụ án. Bị cáo cũng bày tỏ sự ân hận nên đã nhờ gia đình chủ động nộp 2 tỉ đồng khắc phục để giúp lương tâm thanh thản dù chưa biết mức thiệt hại về trách nhiệm hình sự lẫn dân sự.
"Đây cũng là bài học cho tất cả người khác rằng trong công việc phải luôn thực hiện đúng quy định pháp luật. Bị cáo mong rằng với sự thành khẩn, ăn năn hối hận, HĐXX, đại diện VKSND TP Hà Nội dành cho bị cáo sự khoan hồng" - bị cáo Khánh nói.
Bị cáo Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, cho rằng suốt thời gian điều tra đã cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan chức năng. Bị cáo có những hành vi chưa bị phát hiện nhưng đã tự nguyện khai báo.
Theo bị cáo Lương Văn Hòa, tại phiên tòa hôm 13-1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có bào chữa ý nói buộc tội cho bị cáo. "Ở đây là phiên tòa công khai, đề nghị bị cáo Thanh trong quá trình phản biện luận cứ không được buộc tội, cáo buộc bị cáo hay các bị cáo khác. Anh có bao giờ nghĩ vì ai mà bao nhiêu con người phải có mặt ở đây chưa?" - bị cáo Hòa trách bị cáo Thanh.
Trước đó, trong phần tự bào chữa chiều 13-1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nhận trách nhiệm đã không đọc Hợp đồng 33, vì vậy việc chuyển tiền là trong trách nhiệm của ban giám đốc. Tuy nhiên, cáo trạng của VKS quy kết bị cáo chỉ đạo chuyển tiền nhưng không có một văn bản nào cho thấy điều này. "Bị cáo cho rằng mình không muốn đổ cho cấp dưới, nếu để nhận mà họ không vào lao lý, bị cáo xin nhận nhưng luật là luật. Bị cáo Thanh mong muốn VKS chỉ ra cho bị cáo xem bị cáo chỉ đạo bằng cách nào?" - bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói.
Theo bị cáo Thanh, các bị cáo khác khai ông chỉ đạo miệng tại các cuộc họp nhưng nếu chỉ đạo miệng thì vẫn phải đưa vào biên bản cuộc họp. Tuy nhiên, trong tất cả nghị quyết không có dòng nào cho thấy bị cáo chỉ đạo chuyển tiền cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Về tội "Tham ô tài sản", bị cáo Trịnh Xuân Thanh khẳng định có các chứng cứ ngoại phạm, các lời khai của các bị cáo khác đối với hành vi này không rõ ràng.
PVN xin giảm án cho các bị cáo
Cùng ngày, người đại diện cho nguyên đơn dân sự của PVN cho biết đã lắng nghe đầy đủ phần tự bào chữa của các bị cáo, nhất trí với quan điểm bảo vệ quyền lợi cho PVN đã được trình bày trước tòa. "Nhiều bị cáo tại phiên tòa hôm nay nguyên là lãnh đạo PVN có nhiều cống hiến cho PVN và đất nước. Do vậy, với tư cách đại diện nguyên đơn dân sự, kính đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt hình sự cho các bị cáo liên quan quyền dân sự của PVN" - đại diện PVN đề nghị.
Tương tự, đại diện của PVC đề nghị HĐXX cân nhắc giữa công và tội của các bị cáo để lượng hình cả về trách nhiệm hình sự và dân sự để các bị cáo sớm có cơ hội sửa chữa sai lầm của mình, quay về với gia đình và xã hội.
Bình luận (0)