Chiều 30-1, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp
Đánh giá về tình hình dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng các trường hợp lây nhiễm hiện nay đều rất nhanh, có trường hợp tiếp xúc ngắn nhưng đã dương tính. Các trường hợp mắc của Hà Nội đều liên quan đến nguồn lây từ Hải Dương.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay Bộ rất quan tâm tới tình hình dịch tại Hà Nội. Vì vậy, Bộ Y tế muốn làm việc với Hà Nội trên quan điểm bảo vệ Thủ đô để người dân hưởng Tết an lành.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tình hình hiện nay khó khăn, phức tạp hơn và khác hẳn trường hợp Đà Nẵng do tốc độ lây nhiễm cao. Ông Long lưu ý, với các đợt dịch trước đây, các chuyên gia tính toán chu kỳ lây nhiễm khoảng 4-5 ngày (chu kỳ lây rất rõ ràng), nhưng lần này rút ngắn hơn. Hơn nữa, thời gian khởi phát của bệnh cũng rất nhanh. Ở các đợt dịch trước, bệnh nhân phải mất 5-7 ngày thời gian ủ bệnh nhưng đợt dịch này, chỉ tới ngày thứ 2 đã xuất hiện virus vùng hầu họng, từ đó khả năng nhân lên của virus và đào thải mầm bệnh rất cao.
Một điểm đặc biệt về đợt dịch lần này được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích, đó là trước đây, virus SARS-CoV-2 lây từ người này qua người khác, nhưng với đợt dịch này, virus lây theo đường không khí. "Thực tế, chỉ trên một xe, 10/11 người lây nhiễm", hệ số lây nhiễm rất cao, trước đây chuyên gia tính toán là 4-5 (nghĩa là 1 người có thể lây cho 4-5 người) nhưng giờ là hơn 10.
"Quá trình phân tích dịch tễ cho thấy nhiều nguy cơ dịch lây lan nên phải hành động vừa nhanh vừa quyết liệt vì nếu không thì "tốc độ lây nhiễm của virus nhanh hơn hành động của chúng ta"- GS-TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Hà Nội phải thay đổi và nâng cao hơn trong phương thức ứng phó
Lo ngại trong tình hình lây nhiễm Covid-19 ở Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo Thủ đô phải thay đổi trong phương thức và phải nâng cao hơn một mức trong ứng phó với dịch này so với trước đây.
Trong đó, Hà Nội cần nhanh chóng truy vết nhưng không chờ truy vết xong mới khoanh vùng mà cần phải khoanh vùng càng nhanh, càng rộng càng tốt.
Trước đây chúng ta có thể khoanh vùng diện hẹp (có trường hợp chỉ khoanh nhà đó và 2 căn liền kề), với dịch lần này, có bệnh nhân là khoanh vùng mạnh hơn, rộng hơn và lấy mẫu triệt để người dân khu dân cư đó cho xét nghiệm ngay. Khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì dỡ giãn cách dần khu vực đó, phong tỏa diện nhỏ hơn. Còn nếu có ca dương tính là phải "phong tỏa cứng".
Bộ trưởng nhấn mạnh tất cả trường hợp F1 bắt buộc phải cách ly tập trung, lần này phải coi đây là trường hợp nghi mắc bệnh Covid-19, nghĩa là nâng lên. Từ đó, khi truy F1 phải truy ngay F2 và coi đây là F1. "Có thế mới chạy đua nhanh với tốc độ của dịch".
Các quận, huyện, thị xã chưa có ca bệnh hay trường hợp tiếp xúc vẫn cần áp dụng Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ ở mức độ thấp.
Huy động tất cả các đơn vị xét nghiệm có công suất cao
Bộ Y tế sẽ tập huấn cho đội ngũ lẫy mẫu xét nghiệm. Riêng với các quận, huyện, cần huy động lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường; rà soát, sàng lọc với một số khu vực đặc biệt như các bệnh viện và các đối tượng nghi ngờ. Bộ Y tế cũng cam kết sẽ hỗ trợ Hà Nội, cử chuyên gia phối hợp trong công tác điều phối và vận chuyển mẫu xét nghiệm.
Bộ sẽ huy động tất cả các đơn vị làm công tác xét nghiệm có công suất cao như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương… Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương sẽ nhận điều trị toàn bộ bệnh nhân Covid-19 của Hà Nội. Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội khởi động ngay Bệnh viện dã chiến sẵn sàng triển khai khi cần thiết.
Với đề xuất của Hà Nội đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 40.000 mẫu xét nghiệm, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã giao 12 đơn vị phối hợp hỗ trợ Hà Nội là: Đại học Y, Đại học Y tế công cộng, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhi, bệnh viện Phổi, bệnh viện 103, bệnh viện 108, Viện Y học dân tộc...
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đều cho biết cam kết hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm các trường hợp theo yêu cầu. Đại học Y Hà Nội cam kết hỗ trợ xét nghiệm 5.000 mẫu cho Hà Nội, sẵn sàng hỗ trợ chuyên gia khi Hà Nội cần. Bệnh viện Bạch Mai cho biết hỗ trợ Hà Nội 2.000 mẫu xét nghiệm.
Về công tác chống dịch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết TP đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng tinh thần là phải nhanh hơn, quyết liệt hơn. Vì vậy, ngay sau buổi họp này UBND TP sẽ yêu cầu đơn vị liên quan xây dựng ngay Chỉ thị 02 để tăng cường tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn. TP cũng đã có 5 đoàn kiểm tra do Thường trực Thành ủy làm Trưởng đoàn với tinh thần yêu cầu sự vào cuộc của tất cả các cấp ủy, chính quyền chống dịch.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá cao và cảm ơn Bộ Y tế đã cử 12 đơn vị phối hợp với Hà Nội hỗ trợ xét nghiệm trên 40.000 mẫu cho Thủ đô và mong muốn tiếp tục có sự hỗ trợ của các đơn vị của Bộ Y tế trong truy vết các trường hợp mắc bệnh.
Tiếp thu các ý kiến của Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết TP sẽ nâng cao năng lực xét nghiệm, tăng cường đầu tư năng lực điều trị để nhanh nhất kiểm soát được tình hình dịch bệnh…
Bình luận (0)