Theo số liệu của BHXH Việt Nam, đến cuối năm 2017, mức lương hưu bình quân là 4,26 triệu đồng/người/tháng; mức lương hưu cao nhất: 101,3 triệu đồng/tháng; có hơn 4.100 người hưởng mức lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng; hơn 3.989 người hưởng mức từ 13 triệu đồng/tháng trở lên. Bình quân mỗi năm có khoảng 600.000 người nhận BHXH một lần và rời khỏi hệ thống BHXH.
Ảnh minh họa
Trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương sẽ tiến tới việc bãi bỏ mức lương cơ sở, trong khi đó Luật BHXH có đến 11 nội dung gắn với mức lương cơ sở. Do vậy, phải sửa Luật BHXH và hoàn thiện các chế độ BHXH hiện hành, khuyến khích người tham gia BHXH có mức tiền lương thấp bảo lưu thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Theo dự thảo đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất 2 phương án. Một là điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp từ ngày 1-7-2021 với mức tăng dự kiến là 10%. Hơn 2,15 triệu người được thụ hưởng từ nguồn quỹ BHXH với mức dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 144.585 tỉ đồng. Hai là điều chỉnh tăng từ ngày 1-1-2022 với mức dự kiến là 15%. Hơn 2,28 triệu người được điều chỉnh từ nguồn quỹ BHXH chi trả với mức dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 168.045 tỉ đồng.
Phân tích của các chuyên gia lao động cho thấy nếu tăng theo tỉ lệ % sẽ đơn giản, dễ hiểu; đóng góp nhiều sẽ được điều chỉnh tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, tăng theo phương án này không bù được trượt giá. Đối với một bộ phận người về hưu trước năm 1995, do không tính về số năm đóng BHXH mà phụ thuộc vào mức lương khi về hưu, cho nên nhiều người có mức lương hưu quá thấp, không bảo đảm mức sống tối thiểu. Bên cạnh đó, sẽ xảy ra tình trạng người hưởng lương cao sẽ cao mãi và người hưởng lương thấp suốt đời vẫn khó khăn.
Trường hợp tăng theo giá trị tuyệt đối có ưu điểm là khi điều chỉnh tăng, người được hưởng lương hưu sẽ đều đạt mức lương hưu trên mức tối thiểu. Tuy nhiên, nếu tăng theo giá trị tuyệt đối sẽ khó tính toán, có thể gây ra tâm lý người đóng góp ít được điều chỉnh nhiều, người đóng góp nhiều lại được điều chỉnh ít.
Do vậy, nên thấu suốt quan điểm tăng lương hưu có ý nghĩa bù chi phí trượt giá; điều chỉnh tăng theo chiều tăng của mức sống và tăng trưởng kinh tế, cần thiết tăng mức tiền lương tối thiểu cho những người có lương hưu thấp. Một phương án có thể chậm hơn một chút nhưng tỉ lệ được hưởng cao hơn, có lợi hơn cho người hưu trí thì sẽ hợp lý, một chuyên gia lao động nói.
Là khoản chi phí trả cho những nhu cầu sống cơ bản và chăm sóc sức khỏe, lương hưu luôn phải đạt 2 yêu cầu: phải bảo đảm trang trải được cho những nhu cầu thiết thân nhất và phải bảo đảm công bằng. Vì vậy, phải cải cách thực sự để không có tình trạng lương hưu quá thấp, người lao động không muốn tham gia, rời hệ thống BHXH khi tuổi đời còn trẻ.
Bình luận (0)