Chiều 5-11, trước khi trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo, giải trình một số vấn đề được ĐB và cử tri quan tâm.
Kinh tế phục hồi tích cực
Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành của Quốc hội; sự nỗ lực của Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương; sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 2,89%; thu ngân sách nhà nước đạt 103,7% dự toán; vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 17,45 tỉ USD, tăng 15,2%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 616 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ; hơn 178.000 DN được thành lập mới và trở lại hoạt động...
Trong thời gian tới, Thủ tướng lưu ý cần kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, dao động. Đồng thời, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ chỉ đạo triển khai quyết liệt giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu ngân sách, giảm chi không cần thiết để có thêm nguồn lực thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; ưu tiên cho cải cách tiền lương, đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, an sinh xã hội...
Về vấn đề xăng dầu, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan có phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục hạn chế, yếu kém, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là “không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải” Ảnh: PHẠM THẮNG
Bài học chống dịch COVID-19
Trong phiên chất vấn Thủ tướng, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm, định hướng đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thái độ của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn bè tốt, đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Đường lối đối ngoại này được thể chế hóa, cụ thể hóa với 3 trụ cột chính là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. "Đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải. Với các vấn đề liên quan quốc tế, quan điểm của Việt Nam là vì hòa bình, hợp tác và phát triển" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan dịch COVID-19, ĐB Hoàng Văn Liên (đoàn Long An) và ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị Thủ tướng nêu bài học kinh nghiệm để ứng phó với tình huống có thể xảy ra trong tương lai và giải pháp sớm phục hồi kinh tế.
Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay 2 năm chống dịch vừa qua là chưa có tiền lệ, không thể dự báo, mất rất nhiều công sức. Tuy chưa thể tổng kết cụ thể song sơ bộ có thể nhận thấy 3 trụ cột chính trong phòng chống dịch là "xét nghiệm - cách ly - điều trị"; công thức chống dịch gồm "5K + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức của người dân".
Với quan điểm "đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết", "chống dịch từ sớm, từ xa", nước ta đã kiểm soát dịch thành công. "Trong thời gian tới, sẽ phải tổng kết để rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên, có thể thấy tinh thần đại đoàn kết dân tộc là rất quan trọng. Trên cơ sở lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy mạnh mẽ, biến nguy thành cơ" - Thủ tướng nói.
Theo lãnh đạo Chính phủ, Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bằng nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.
Cải cách thể chế bám sát thực tiễn
Với câu hỏi về cải cách thể chế của ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang), Thủ tướng cho biết đây là một trong 3 đột phá chiến lược. Chính phủ thực hiện cải cách thể chế theo hướng bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn đi đôi với phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm, động lực, nguồn lực cho phát triển. Trong đó, tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN.
ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) nêu tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên trải thảm, dưới trải đinh" và tư tưởng "làm ít, sai ít". Thủ tướng cho rằng tình trạng này đang từng bước được cải thiện nhưng cần tiếp tục kiên trì. Theo lãnh đạo Chính phủ, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh vi phạm, cũng cần động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời và bảo đảm công tác cán bộ dân chủ, công khai, minh bạch...
Đề xuất bổ sung đối tượng vay vốn nhà ở xã hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có văn bản trả lời chất vấn của ĐB Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) về việc đề nghị mở rộng đối tượng được vay vốn trong gói hỗ trợ sinh kế cho người dân mất ruộng; hỗ trợ nâng cao chất lượng và hạ giá thành thuê nhà trọ; cho vay để cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...
Theo Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục dự án đủ điều kiện được vay trên cổng thông tin điện tử với tổng cộng 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án nào vay vốn. Từ kết quả giải ngân và thực tế nhu cầu thuê nhà của công nhân, đề nghị của ĐB Quốc hội về bổ sung đối tượng vay vốn để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân là rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, việc này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính phủ ghi nhận ý kiến của ĐB để chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu, đánh giá, báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét.
T.Dũng
Ông TRẦN THANH MẪN, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội:
Chất vấn thẳng thắn, dân chủ, trí tuệ, sôi nổi
Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, sôi nổi, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 149 lượt ĐB chất vấn, 22 lượt ĐB tranh luận.
Nội dung chất vấn thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội, đồng thời cũng là sự chia sẻ, đồng hành với hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành để tìm ra giải pháp, quyết sách phù hợp, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của nhân dân, cử tri.
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời đúng trọng tâm, trực tiếp vào vấn đề được chất vấn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề ĐB nêu. Đồng thời, nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, đưa ra được những giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, cam kết khắc phục những tồn tại trong thời gian tới.
Bình luận (0)