Từ năm 2016, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 phải cải tạo được một nửa trong tổng số 474 chung cư cũ trên địa bàn. Chỉ còn hơn 1 năm nữa là thời hạn đã đến nhưng tính tới thời điểm hiện tại, không những số lượng cải tạo còn rất thấp mà các chung cư thuộc diện nguy hiểm buộc phải di dời khẩn cấp vẫn rơi vào… thế bí!
Vừa bám trụ vừa run
Theo kế hoạch, giữa tháng 6-2019 bắt buộc 96 hộ dân tại chung cư 155-157 Bùi Viện (quận 1, TP HCM) phải tìm nơi ở mới. Bởi kết quả kiểm định từ năm 2016 cho thấy chung cư này xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên đến nay đã là đầu tháng 7-2019 nhưng không ít hộ dân vẫn không chịu di dời. Lý do được các hộ dân đưa ra là vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư. Ngoài ra, chỉ có một doanh nghiệp đưa ra phương án xây mới chung cư nhưng không rõ ràng.
Chung cư Trúc Giang (quận 4) xuống cấp nghiêm trọng, thuộc diện phải di dời khẩn cấp nhưng vì chưa tìm được nhà đầu tư nên các hộ dân cứ thế sống trong nguy hiểm
Anh Lê Duy Mạnh, chủ căn hộ 401, chung cư 155-157 Bùi Viện, băn khoăn: "Nhìn những chung cư khác sau khi giải tỏa đến nay gần 2 thập kỷ vẫn chưa về chốn cũ. Vì vậy, dù rất đồng tình với việc cải tạo nhưng hàng chục hộ dân nơi đây luôn lo lắng đi rồi khi nào trở về nên cứ thế nấn ná đợi câu trả lời rõ ràng". Còn bà Huỳnh Tâm (ngụ tầng 2 chung cư 155-157 Bùi Viện) cho rằng nếu thuê nhà bên ngoài thời gian dài thì chắc chắn chủ nhà sẽ tăng giá. Vì vậy, việc đến nay vẫn chưa có phương án rõ ràng thì bà dù có sợ nguy hiểm khi ở trong căn hộ đang xuống cấp nhưng cũng không dám dời đi. "Giả sử giờ ra đi để rồi gặp phải tình huống việc cải tạo kéo dài hơn chục năm thì khốn khổ lắm" - bà Tâm nêu lý do vì sao chưa rời đi.
Trước thực trạng trên, cư dân chung cư 155-157 Bùi Viện đã làm đơn kiến nghị gửi UBND quận 1 nhờ giải đáp. Tuy nhiên, các câu trả lời vẫn không thỏa mãn được thắc mắc của họ. Theo đó, đến thời điểm hiện tại gần 90% hộ dân nơi đây vẫn "đồng lòng" bám trụ trong nguy hiểm vì những lý do như đã nêu trên.
Lo lắng của cư dân ở 155-157 Bùi Viện không phải không có lý. Bằng chứng là, để phục vụ việc cải tạo, cư dân chung cư Cô Giang (quận 1) đã di dời từ lâu nhưng đến thời điểm hiện tại việc cải tạo vẫn chưa được tiến hành khiến các hộ dân không khỏi lo lắng và đặt câu hỏi: Bao giờ được quay về "mái nhà xưa" hay cứ mãi sống đời tạm cư và mòn mỏi chờ đợi?
Nhà đầu tư lần lượt rút
Có mặt tại chung cư Trúc Giang (quận 4 - cũng là chung cư nằm trong diện phải di dời khẩn cấp), chúng tôi bắt gặp nhiều vết nứt. Thử khảo sát 10 hộ dân ngẫu nhiên, tất cả đều mong muốn sớm cải tạo. Tuy nhiên mọi người vẫn bức xúc trước việc hết đơn vị này đến đưa ra phương án cải tạo đến đơn vị khác tham gia. Ông Lê Huy Bách (chủ căn hộ 304) kéo chúng tôi đứng vào gần một góc tường, dùng tay gõ nhẹ vào, lập tức mảng vữa rơi ra. Những dầm sắt bắt đầu gỉ sét, vết nứt ngày càng to. Ông kể, 15 năm trước đã nhận thông báo cải tạo. Tuy nhiên, hết nhà đầu tư này đến rồi bỏ đi, bởi vì quy định đòi hỏi chỉ tiêu quy hoạch quá lớn. "Trong khi cư dân mỗi ngày phập phồng không biết nó sập khi nào. Ai cũng muốn ra ngoài ở để bảo tồn tính mạng nhưng tiền đâu mà đi" - ông Lê Huy Bách nói và bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng sớm xem lại chỉ tiêu quy hoạch để không còn cảnh nhà đầu tư đến tìm hiểu rồi lần lượt một đi không trở lại.
Anh Lê Duy Mạnh (chung cư 155-157 Bùi Viện) thừa nhận chung cư xuống cấp nhưng vẫn không muốn di dời vì sợ đi rồi không biết ngày quay về
Tại cụm chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), rất nhiều hộ dân vẫn còn giữ tờ giấy thông báo "Di dời, cải tạo chung cư cũ" cách đây 10 năm. Đến nay lại nhận thông báo mới nhất từ UBND quận 3 với nội dung "Vẫn chưa có chủ đầu tư". Tại đây, cư dân cùng chính quyền đã nhiều lần tổ chức hội nghị nhà chung cư lựa chọn nhà đầu tư nhưng cũng không có kết quả tốt.
Tương tự, bà Phạm Thị Bạch, ngụ lô F chung cư Ngô Gia Tự (quận 10), cho hay hiện gia đình bà đang khốn khổ khi TP HCM bước vào mùa mưa. Căn hộ của bà nằm tầng 4 chung cư và trần nhà bị thấm dột, nhiều hạng mục công trình đang xuống cấp nghiêm trọng. Do đây là chung cư cấp C (gần nguy cấp) muốn giải tỏa phải đồng thuận 100%. Những người ở tầng cao đều mong dời đi riêng các hộ mặt tiền thì không đồng ý từ đó không ít người khốn khổ. "Chúng tôi cũng mong chính quyền xem xét lại quy định này. Con số 100% đồng thuận là không thể đạt được bởi các hộ dân ở dưới không dễ gì rời khỏi nơi đang hái ra tiền nhờ kinh doanh, mua bán" - bà Bạch đề xuất.
Không thể hoàn thành nếu không điều chỉnh
Trước thực trạng trên, chiều 4-7, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã đến quận 10 khảo sát về thực trạng di dời chung cư cũ. Tại buổi khảo sát, bà Lê Thị Thu Nga, Phó Chủ tịch UBND quận 10, cho biết tính đến nay chỉ mới di dời 15 lô chung cư (trên tổng 40 lô). Một số chung cư xuống cấp chỉ có thể tạm cải tạo nhằm bảo đảm an toàn.
Đề cập những khó khăn, bà Nga cho rằng từ năm 2016 đến nay kế hoạch đưa ra rất nhiều nhưng thực hiện được hạn chế. Chính quyền tìm mọi cách đẩy nhanh tiến độ di dời, tháo dỡ nhưng chưa tìm được nhà đầu tư. Điển hình, khu chung cư Ấn Quang hiện nay số lượng nhân khẩu 3.800 hộ dân trong khi căn cứ chỉ tiêu quy hoạch chỉ 3.500 hộ dân. Điều này khiến nhà đầu tư "tháo chạy" vì biết đầu tư sẽ không sinh lợi. Nhưng muốn điều chỉnh thì không thể được bởi sẽ tạo áp lực vào hạ tầng. Khu B chung cư Nguyễn Kim gặp khó khăn bởi quy hoạch đưa ra bắt buộc hình thành công viên. Muốn làm được điều này phải giải tỏa 7 căn nhà mặt tiền đường Lý Thường Kiệt và tốn hơn 32 tỉ đồng.
Liên quan đến những chỉ tiêu quy hoạch khiến các nhà đầu tư thoái lui, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM thừa nhận hiện nay nhà đầu tư nào cũng đặt vấn đề mong muốn gia tăng chỉ tiêu dân số, mật độ xây dựng. "Chúng ta không thể nhét dân vào khu vực mà ở đó hạ tầng không đáp ứng kịp. Vì vậy, muốn giải quyết bài toán này thì phải đầu tư kết nối các công trình công cộng lại mới tạo hấp dẫn cho doanh nghiệp "nhảy vào" đầu tư" - vị đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP thông tin.
Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết đã kiểm định 474 chung cư cũ cần cải tạo (trong đó có 14 chung cư cấp D - nguy hiểm). Thế nhưng, đến nay, chỉ cải tạo được 113 chung cư và đặt mục tiêu đến hết năm 2019 thêm 35 chung cư. Vì vậy, muốn đạt chỉ tiêu giải tỏa một nửa chung cư cũ là rất khó. Ông Bình cũng dẫn chứng về việc khó có 100% đồng thuận, đó là chung cư 11 Võ Văn Tần (quận 3) hiện có 1 hộ không đồng thuận di dời nên mọi thủ tục phải ngưng (!).
Theo ông Bình, để giải quyết bài toán hóc búa trên, địa phương thay vì tìm kiếm nhà đầu tư thương lượng với người dân thì có thể sử dụng phương án thu hồi quy quyền sử dụng đất và bồi thường cho người dân bằng tiền. Từ đó có quỹ đất sạch sẽ thu hút nhà đầu tư vào tham gia. Giải pháp này đã từng được UBND quận 7 áp dụng thành công 2 chung cư cũ. Phương án thứ hai là có thể dành một phần đất cho nhà đầu tư làm trung tâm thương mại, phần còn lại bố trí tái định cư…
Chốt lại vấn đề, bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP, nói sẽ đề nghị UBND TP HCM đưa ra các giải pháp khả thi hơn giúp nhiều quận - huyện mạnh dạn trong công tác chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ. Bởi theo bà Dung, không thể để người dân sống ở chung cư trong tình trạng nguy hiểm, tính mạng bị đe dọa.
"Tâm sự" của nhà đầu tư
Một nhà đầu tư (xin giấu tên) khẳng định với những chỉ tiêu quy hoạch như hiện nay thì đầu tư cải tạo chung cư cũ như đánh cược nên ai cũng ngại. Điển hình chung cư 155-157 Bùi Viện chỉ tiêu quy hoạch mật độ xây dựng ban đầu 100% nhưng bây giờ rút lại còn 75% vì phải tạo độ lùi theo ranh lộ giới. Ngoài ra, một số chung cư đã di dời hàng chục năm nay nhưng nhà đầu tư muốn tham gia phải chi trả số tiền hỗ trợ tạm cư cho cư dân, con số này lên đến hàng chục tỉ đồng...
Bình luận (0)