Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết".
Đó là nội dung trong Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, ban hành ngày 10-12-2019 về việc tổ chức Tết năm 2020. Một mệnh lệnh nghiêm khắc, rõ ràng, được người dân cả nước hoan nghênh. Sau chỉ thị này, nhiều địa phương trong cả nước, như Hà Tĩnh, Hà Nội, TP HCM, Quảng Bình... cụ thể hóa bằng các văn bản với nội dung "nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên".
Từ nhiều năm trước, Ban Bí thư cũng đã chỉ thị về vấn đề này, như Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2017 và trước đó, năm 2012, Ban Bí thư có Chỉ thị số 21. Cả hai chỉ thị đều nhấn mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống các biểu hiện phô trương, hình thức, lãng phí... Về phía Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc nhở trong các cuộc họp và trong các chỉ thị vào cuối năm, yêu cầu không chúc Tết lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành; yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết.
Lý do Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không đi thăm và tặng quà dịp Tết là bởi có hiện tượng quà cáp không được bình thường. Nhiều món quà Tết không còn mang ý nghĩa văn hóa, tinh thần mà thiên về yếu tố vật chất và có động cơ vụ lợi cá nhân. Với cấp dưới là kẻ xu nịnh, thì quà biếu giá trị cao nhằm "chạy chức, chạy quyền", để được cất nhắc vào các vị trí cao hơn, nhiều bổng lộc hơn.
Trong thực tế, dịp Tết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng tặng quà cho các đơn vị, cá nhân. Những món quà không quá đắt tiền, nhằm thể hiện tấm lòng, lời cảm ơn về sự quan tâm, hỗ trợ trong năm qua trong quan hệ công việc. Nhưng không ít người lợi dụng để "cài cắm" những khoản tiền lớn, những món quà giá trị vật chất cực lớn thì lại là chuyện khác, nói thẳng ra là hối lộ tinh vi nhằm trục lợi, là hành vi vi phạm pháp luật.
Cái khó trong chuyện này là làm sao phân định giữa lòng thành và động cơ không trong sáng. Khi không thể định tính hay định lượng bằng cảm quan thì nên quy định, cụ thể hóa bằng luật pháp. Luật định dù khắt khe nhưng xã hội sẽ lành mạnh hơn, người trong cuộc cũng không phải bận lòng trong cách ứng xử, khỏi sợ được lòng - mất lòng qua quà cáp hay không quà cáp. Quy định càng rõ ràng thì hiệu lực càng cao. Về việc này, nhiều quốc gia đã làm và xử lý rất nghiêm. Chẳng hạn ở Nhật Bản, luật bầu cử của nước này cấm các chính trị gia trao tặng quà, tiền cho gia đình của cử tri trong khu vực bầu cử của họ. Nên khi truyền thông đưa tin văn phòng của Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Isshu Sugawara đã gửi tiền chia buồn và quà cho người ủng hộ - hành động vi phạm luật bầu cử - ông Isshu Sugawara vào ngày 25-10-2019 đã phải làm đơn từ chức.
Trong khi chưa được điều chỉnh bằng luật pháp thì người tặng quà và nhận quà phải thể hiện sự gương mẫu. Nhất là người lãnh đạo, phải nêu gương liêm chính, trong sạch thì cấp dưới không dám có hành vi biếu xén để chạy chọt, trục lợi. Làm được như vậy thì ai cũng được ăn Tết trong vui vẻ, nhẹ nhàng.
Bình luận (0)