Chiều 17-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) với 446/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,27% tổng số đại biểu (ĐB) QH. Luật này gồm 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục kèm theo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021.
438 bấm nút loại "đòi nợ thuê"
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) trước khi QH bấm nút biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết đa số ý kiến ĐBQH đều đề nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ (thường gọi là "đòi nợ thuê"). Một số ý kiến đề nghị không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại điểm h khoản 1 điều 6 mà thực hiện theo luật hiện hành, đồng thời đổi tên gọi là "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ".
Do còn ý kiến khác nhau đến tận phiên thảo luận cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH. Kết quả 91/409 ĐB chọn phương án không cấm, 317/409 ĐB chọn phương án quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Dự thảo luật trình QH thông qua đã tiếp thu theo ý kiến đa số.
Trước khi thông qua toàn văn dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), QH đã biểu quyết riêng điều 6 về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, trong đó có kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Kết quả trong 457 vị ĐB tham gia biểu quyết có 438 vị ĐB tán thành cấm; 11 người có quan điểm ngược lại và 8 vị ĐB không biểu quyết.
Như vậy, với 90,27% tổng số ĐBQH tán thành, "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" chính thức quy định không được phép hoạt động. Sau đó, với 92,34% tổng số ĐBQH đồng ý, QH đã thông qua toàn bộ Luật Đầu tư (sửa đổi).
ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TP HCM) kiến nghị cho phép đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng Ảnh: NGUYỄN Ý
Sáng cùng ngày, với 438 ĐB tán thành (với 90,68%), QH đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận là sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, một số ĐB cho rằng khái niệm DNNN như tại dự thảo Luật (DN do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) là chưa phù hợp.
Giải trình, UBTVQH cho rằng quy định DNNN gồm các DN do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như dự thảo luật nhằm thể chế hóa chủ trương về tỉ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW. Do đó, UBTVQH đề nghị giữ quy định như dự thảo Luật đã được hoàn thiện, chỉnh lý trình QH thông qua.
Nên cho phép địa phương xuất khẩu lao động
Chiều cùng ngày, QH thảo luận ở hội trường về Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). ĐB Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập khá ổn định nên đã góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng họ lại đang phải đối mặt với nhiều rủi ro bị lạm dụng. Một khảo sát cho thấy trong quá trình làm việc, có khoảng 76% NLĐ Việt Nam di cư đối mặt với một số hình thức vi phạm quyền lao động và ít được tiếp cận các biện pháp giải quyết. Do vậy, ĐB Tô Văn Tám tán thành về sự cần thiết phải ban hành luật sửa đổi này để bảo vệ NLĐ tốt hơn.
ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TP HCM), Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cũng bày tỏ sự đồng tình với việc cần thiết phải ban hành luật mới này. Đặc biệt, ĐB Bích Châu quan tâm báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, trong đó có đề nghị bảo đảm bình đẳng giới trong các hoạt động, nhất là biện pháp hỗ trợ lao động nữ làm việc ở nước ngoài trong công việc và nơi làm việc nhạy cảm về giới. "Đề nghị ban soạn thảo quan tâm vấn đề này bởi trong khoản 5, điều 4 của dự thảo luật quy định còn rất chung chung, trong khi đó đề nghị của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH thì nêu rất cụ thể" - ĐB Bích Châu nói.
Đáng chú ý, vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM cũng đồng tình với việc bổ sung quy định, cho phép đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại điều 5 và điều 43 của dự thảo luật, chứ không chỉ quy định hẹp như hiện nay, chỉ cấp chức năng này cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. "Đây là nhu cầu thực tiễn, là phương thức tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lực lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và phân cấp mạnh cho địa phương" - bà Châu nhấn mạnh.
Phải bảo vệ tốt hơn cho người lao động
ĐBQH Tô Văn Tám cho rằng dự thảo Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã có quy định trách nhiệm của các cơ quan đối với việc bảo vệ NLĐ nhưng cơ chế thực hiện trách nhiệm đó như thế nào thì chưa được làm rõ. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể để bảo vệ tốt hơn cho NLĐ.
ĐB Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết bình quân mỗi năm có hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó rất nhiều người bị xâm hại. Thực tế cho thấy chỉ hơn 50% lao động đi làm việc theo hợp đồng, còn lại là đi theo hình thức khác. Do đó, cần mở rộng đối tượng điều chỉnh, ngoài đối tượng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bình luận (0)