. Phóng viên: Đề xuất cho cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) làm việc tại nhà được xem là ý tưởng đột phá nhằm đẩy mạnh cải cách nền công vụ của TP HCM trong thời gian tới, thưa ông?
Ông HUỲNH THANH NHÂN
- Ông HUỲNH THANH NHÂN, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM: Đây không phải là giải pháp mới, lần đầu được đưa ra. Ngay từ năm 2017, đã có một số ý kiến nêu ra giải pháp này. Thực tế, TP HCM đã áp dụng cho một bộ phận CB-CC-VC làm việc ở nhà trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 (năm 2020 - 2021).
Trong bối cảnh hiện nay, khi TP HCM đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng nền công vụ, việc thí điểm cho CB-CC-VC làm việc tại nhà là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết. Mục đích là hướng tới nền công vụ hiệu quả, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển TP HCM ngày càng nhanh và bền vững.
. Nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi và sự phù hợp của đề xuất này với một thành phố có khối lượng công việc lớn, hồ sơ hành chính khổng lồ như TP HCM?
- Việc nghiên cứu thí điểm cho phép CB-CC-VC ở một số vị trí không tiếp xúc với công dân có thể đăng ký làm việc tại nhà trong tình hình hiện nay là phù hợp, xuất phát từ điều kiện thực tiễn của TP HCM.
Thứ nhất, TP HCM là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, bao gồm chuyển đổi số trong khu vực công. Ngoài ra, thành phố đang tập trung triển khai đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh. Các định hướng về cải cách hành chính và xây dựng chính quyền số với mô hình làm việc linh hoạt, hiện đại mà TP HCM đang thực hiện là phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Thứ hai, trong giai đoạn giãn cách phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, CB-CC-VC TP HCM đã thích ứng nhanh với phương thức làm việc trực tuyến. CB-CC-VC không cần có mặt tại cơ quan vẫn có thể nhận hồ sơ và xử lý văn bản bình thường trên môi trường mạng. Do đó, việc nghiên cứu cho một số CB-CC-VC ở những vị trí không tiếp xúc công dân, không thực hiện thủ tục hành chính được làm việc tại nhà sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN).
Thứ ba, TP HCM đang tăng cường hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Theo đó, người dân, DN đăng ký sử dụng dịch vụ công và sẽ được cơ quan nhà nước trả kết quả mà không phải tiếp xúc trực tiếp với CB-CC-VC. Vì vậy, việc cho phép một số CB-CC-VC làm việc ngoài công sở sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ và chất lượng xử lý, giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ tư, CB-CC-VC được tạo điều kiện làm việc linh hoạt sẽ có thêm động lực để phát huy tinh thần cống hiến, năng động, sáng tạo, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, đồng thời bảo đảm sức khỏe và có thêm điều kiện để chăm sóc gia đình.
Cán bộ, nhân viên UBND phường 12, quận 10, TP HCM giải quyết thủ tục cho người dân tại trụ sở làm việc.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
. Cách giao việc, đánh giá hiệu quả công việc như thế nào khi CB-CC-VC làm việc tại nhà?
- Việc cho phép CB-CC-VC làm việc tại nhà phải căn cứ vào đặc thù của vị trí việc làm và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Trước mắt, chỉ thực hiện thí điểm đối với những vị trí việc làm không phải liên quan giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và DN.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho CB-CC-VC làm việc tại nhà với khối lượng công việc tương đương như làm việc tại công sở. CB-CC-VC làm việc tại nhà phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; cam kết bảo đảm đúng tiến độ, khối lượng và chất lượng công việc do cấp có thẩm quyền phân công; tuân thủ quy định pháp luật và chịu trách nhiệm đối với công việc được phân công.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi chặt chẽ CB-CC-VC làm việc tại nhà và đánh giá cụ thể theo hiệu quả công việc. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng CB-CC-VC căn cứ kết quả và mức độ hoàn thành nhiệm vụ trên cơ sở các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch.
Bốn nhóm giải pháp nhằm xây dựng nền công vụ TP HCM hiệu lực, hiệu quả. Đồ họa: ANH THANH
. Ông có thể thông tin những nội dung mà Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND TP HCM để triển khai hiệu quả việc thí điểm CB-CC-VC làm việc tại nhà, nếu đề án xây dựng nền công vụ TP HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030 được đưa vào thực hiện?
- Sở Nội vụ sẽ báo cáo UBND trình Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM và cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận chủ trương về thí điểm cơ chế cho phép CB-CC-VC làm việc tại nhà.
Sau khi được chấp thuận, TP HCM sẽ xây dựng đề án thí điểm, lựa chọn một số cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện. Tại các cơ quan, đơn vị thí điểm, thành phố sẽ lựa chọn một số tổ chức, đơn vị thành phần và một số vị trí việc làm cụ thể để thực hiện thí điểm. Trên cơ sở đó, sẽ có sơ kết, đánh giá kỹ lưỡng về kết quả thực hiện, những tác dụng, hiệu quả mang lại đối với nền công vụ cũng như sự hài lòng của người dân và DN. Từ đó, TP HCM mới nghiên cứu, cân nhắc mở rộng phạm vi thí điểm.
. TS TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM:
Cần tính toán tỉ lệ phù hợp
CB-CC-VC làm việc tại nhà sẽ giúp tiết kiệm chi phí, tăng tính linh hoạt, nâng cao sự hài lòng và năng suất lao động. Tuy nhiên, điều này phần nào làm giảm sự giao tiếp, hợp tác, giám sát và đánh giá chất lượng công việc của CB-CC-VC. Do đó, việc đánh giá hiệu quả làm việc tại nhà của CB-CC-VC cần căn cứ vào các tiêu chí, tiêu chuẩn và biện pháp được quy định rõ ràng trong Luật Cán bộ - công chức và các văn bản hướng dẫn.
Bên cạnh đó, việc cho phép CB-CC-VC đăng ký làm việc ở nhà đối với một số vị trí không tiếp xúc công dân cần được tính toán với tỉ lệ phù hợp. Những vị trí này có thể là nhân viên, chuyên viên, những người chỉ xử lý công việc chứ không ban hành quyết định theo quy trình, quy định hành chính hay luật pháp.
Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát để bảo đảm trách nhiệm và sự tuân thủ kỷ luật của CB-CC-VC. Có thể áp dụng các biện pháp như xây dựng kế hoạch công việc rõ ràng và theo dõi tiến độ thường xuyên; sử dụng các phần mềm quản lý công việc và giao tiếp trực tuyến; thiết lập các tiêu chí đánh giá hiệu suất làm việc; tổ chức các cuộc họp trực tuyến hoặc trực tiếp định kỳ; kiểm tra và giám sát ngẫu nhiên...
. TS TRƯƠNG THỊ MINH SÂM, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM:
Thí điểm trước tại một số đơn vị
Đây là một ý tưởng tốt, xuất phát từ mục đích xây dựng nền công vụ của TP HCM hiệu lực, hiệu quả. TP HCM là địa phương rất đông dân, lực lượng CB-CC-VC hằng ngày tham gia lưu thông trên đường rất lớn. CB-CC-VC làm việc tại nhà sẽ giúp giảm tình trạng kẹt xe; giúp các cơ quan, đơn vị nhà nước tiết kiệm chi phí về cơ sở vật chất, điện, nước. Bản thân CB-CC-VC cũng được tạo điều kiện, chủ động thời gian cho công việc, từ đó chăm lo tốt hơn cho gia đình.
Tuy nhiên, chủ trương này cũng có một số bất lợi. Chẳng hạn, các dịch vụ "ăn theo" sẽ giảm, văn hóa công sở không có điều kiện phát triển khi CB-CC-VC ít có sự giao lưu, tiếp xúc.
Dẫu vậy, cá nhân tôi ủng hội đề xuất của TP HCM cho phép CB-CC-VC làm việc tại nhà. Để chủ trương này được thực thi hiệu quả, thành phố cần tính toán kỹ lưỡng và thí điểm trước tại một số đơn vị để đánh giá tính khả thi.
Các cơ quan, đơn vị phải xây dựng được tiêu chí công việc, cách đánh giá công việc; quy định rõ ràng về bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin của cơ quan nhà nước; bản thân CB-CC-VC phải thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin, tác phong chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền nên khảo sát ý kiến người dân về vấn đề này bởi xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả là để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Nguyễn Phan ghi
Bình luận (0)